Hàng năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đều xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tập huấn phổ biến chính sách pháp luật lao động, trong đó có lồng ghép nội dung triển khai, hướng dẫn thực hiện Nghị định số 88/NĐ-CP, Nghị định số 58/NĐ-CP của Chính phủ và các thông tư có liên quan. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng phối hợp với đơn vị truyền thông xây dựng các tin, bài với các nội dung tuyên truyền về công tác ATVSLĐ, trong đó có lồng ghép hoặc chuyên đề triển khai, hướng dẫn thực hiện các chính sách về Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN theo quy định. Năm 2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã cấp phát trên 4.000 tranh, áp phích, tờ rơi, tài liệu tuyên truyền chính sách pháp luật về ATVSLĐ cho các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh; tổ chức 6 lớp tập huấn chính sách, pháp luật quy định về Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN cho trên 300 người làm công tác quản lý, người làm công tác ATVSLĐ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức tập huấn sơ cấp cứu ban đầu tại 10 cơ sở; quan trắc môi trường lao động tại 40 cơ sở; khám để phát hiện bệnh nghề nghiệp cho 290 lao động tác các doanh nghiệp. Có thể thấy, nhờ sự vào cuộc của các ban ngành đoàn thể, việc tăng cường công tác truyền thông với nhiều hình thức phù hợp với cư dân sinh sống trên khắp các địa bàn, các chính sách về ATVSLĐ nói chung và bảo hiểm TNLĐ, BNN nói riêng đã từng bước đến được với người lao động và chủ sử dụng lao động. Người dân cơ bản hiểu về mục tiêu, ý nghĩa của chế độ TNLĐ, BNN; các chính sách pháp luật liên quan đến chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN.
Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra ATVSLĐ được tăng cường, qua đó, có thể nhận thấy hầu hết doanh nghiệp cơ bản đã tuân thủ các quy định pháp luật ATVSLĐ; tuy nhiên vẫn còn một số sai sót, các ngành chức năng đã yêu cầu, kiến nghị các đơn vị khắc phục sau thanh tra.
Luật ATVSLĐ quy định đối với lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì đều được tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN. Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn đã kế thừa và phát triển nhiều nội dung mới, ưu việt hơn so với các quy định tại Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội cũng như các quy định trước đây. Việc đảm bảo an toàn, hạn chế mức thấp nhất nguy cơ TNLĐ, BNN sẽ góp phần đảm bảo năng suất lao động của người lao động, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người sử dụng lao động. Và hơn bao giờ hết, người lao động và người sử dụng lao động phải xác định rõ bảo hiểm TNLĐ, BNN chính là nhiệm vụ và quyền lợi của các bên liên quan trong mối quan hệ lao động.
Thời gian tới, để công tác ATVSLĐ đạt hiệu quả cao, các cấp, các ngành trên địa bàn Ninh Thuận sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền, đặc biệt là thông tin tình hình ATVSLĐ, tình hình TNLĐ, BNN tại doanh nghiệp. Vận động, khuyến khích các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chia sẻ rộng rãi các sáng kiến, ứng dụng công nghệ thông tin cải thiện điều kiện lao động; chia sẻ, lan tỏa các tổ chức, cá nhân điển hình trong công tác đảm bảo ATVSLĐ. Cùng với đó, sẽ siết chặt công tác quản lý, tăng cường thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện công tác ATVSLĐ. Đề nghị, hướng dẫn các doanh nghiệp tự kiểm tra, rà soát nội quy, quy trình ATVSLĐ; tăng cường kiểm soát nguy cơ, rủi ro và đẩy mạnh các biện pháp cải thiện điều kiện lao động và các biện pháp phòng ngừa TNLĐ, BNN. Chú trọng tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ cho người lao động; hướng dẫn người lao động tự đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ trước khi làm việc và trong quá trình lao động; tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện sớm BNN cho người lao động. Biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; đồng thời cương quyết xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm./.
Trần Huyền