Tuyên Quang xử lý 530 trường hợp hưởng trợ cấp thất nghiệp không đúng quy định
(LĐXH)- Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Tuyên Quang, tính từ năm 2015 đến hết tháng 8/2021, tỉnh đang theo dõi và xử lý 530 trường hợp hưởng trợ cấp thất nghiệp không đúng quy định, với tổng số tiền phải thu hồi hơn 2,093 tỷ đồng.
Trong đó, các cơ quan chức năng của tỉnh đã thu hồi đối với 496 trường hợp, với tổng số tiền trên 1,957 tỷ đồng; hiện còn phải thu hồi đối với 34 trường hợp, với số tiền hơn 136,574 triệu đồng.
Qua theo dõi, nguyên nhân việc phải thu hồi và vướng mắc trong việc thu hồi tiền chi trợ cấp thất nghiệp ở Tuyên Quang là do một bộ phận người lao động còn chưa hiểu rõ và thiếu trung thực trong việc khai báo thông tin cá nhân. Có việc làm nhưng vẫn đăng ký nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) hoặc có việc làm nhưng vẫn khai báo thất nghiệp, dẫn đến tình trạng người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp sai quy định (người lao động vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp vừa tham gia BHXH).
Thời gian qua, để hạn chế tình trạng hưởng BHTN sai quy định, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các chế độ, chính sách về BHXH, BHTN với nhiều hình thức, phù hợp theo từng nhóm đối tượng nhằm nâng cao nhận thức, nhất là người lao động ở vùng sâu vùng xa, ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đồng thời, thực hiện kiểm tra, rà soát, đối chiếu danh sách những người hưởng mới, hủy hưởng, tạm dừng, tiếp tục hưởng BHTN với dữ liệu trên Hệ thống quản lý thu, sổ thẻ và quản lý chính sách trước khi thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. Qua đó, nhằm đối chiếu, xác định lại tổng quá trình tham gia BHTN, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp và kịp thời phát hiện những trường hợp trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng đã có việc làm mà không thông báo.
Tỉnh cũng đã thường xuyên thực hiện rà soát trên Hệ thống quản lý chính sách bằng chức năng “Kiểm tra hưởng thất nghiệp” để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp vừa tham gia BHXH nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng quỹ BHTN. Đặc biệt là tăng cường công tác phối hợp để có biện pháp trong việc thu hồi số tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp sai quy định do đang hưởng BHTN trùng với thời gian tham gia BHXH bắt buộc.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực trong công tác xử lý và thu hồi tiền chi trợ cấp thất nghiệp, song hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang vẫn còn tình trạng một số ít doanh nghiệp chưa có ý thức tuân thủ pháp luật về BHXH; có biểu hiện chây ỳ, chấp nhận bị tính lãi chậm nộp để chậm đóng BHXH, BHTN, Bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp. Tính đến hết tháng 8/2021, tổng số nợ BHXH, BHTN trên địa bàn tỉnh là 42,753 tỷ đồng (nợ BHXH 41,663 tỷ đồng, nợ BHTN 1,09 tỷ đồng).
Tại Tuyên Quang, vẫn còn doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm việc chuyển nộp tiền đóng BHXH, BHTN hàng tháng theo quy định của pháp luật, thực hiện trích nộp BHXH, BHTN, Bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp tháng sau nộp cho tháng trước. Một số đơn vị đề nghị thanh toán chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe cho người lao động nhưng trong thời gian đề nghị thanh toán, đơn vị vẫn chấm công cho người lao động đi làm, hưởng đủ tiền lương hàng tháng, dẫn đến hưởng sai quy định…
Bên cạnh đó, một số chủ doanh nghiệp còn chậm đóng và nợ đóng tiền BHXH, BHTN nên không chốt được sổ BHTN gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động; ảnh hưởng đến công tác thực hiện chính sách BHTN. Ngoài ra, phần lớn các doanh nghiệp còn chưa thực hiện thông báo định kỳ về tình hình biến động lao động theo quy định nên không cập nhật được số liệu về tình hình lao động tại địa phương. Ngoài ra, các ngành nghề đào tạo của các đơn vị, cơ sở dạy nghề trong tỉnh chưa đa dạng và phong phú, chưa đáp ứng được nhu cầu học nghề của người lao động thất nghiệp. Một số cơ sở dạy nghề chưa nhiệt tình trong công tác đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp do số lượng học viên có nhu cầu rải rác khó sắp xếp lớp học…
BHTN là loại hình bảo hiểm ngắn hạn nhằm bù đắp cho người lao động bị mất việc làm, giúp họ ổn định cuộc sống và nhanh chóng quay lại thị trường lao động tìm được việc làm mới. Để khắc phục tình trạng “trục lợi” từ chính sách BHTN, thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ý thức tự giác của người lao động tránh làm sai, hoàn tiền BHTN hưởng sai quy định. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện đăng ký, đóng BHTN đúng thời gian, tránh tình trạng nợ BHTN kéo dài./.
Lê Việt
TAG: