Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Tuyên Quang đẩy mạnh thông tin thị trường lao động
12:17 PM 12/03/2022
(LĐXH)- Nhờ đẩy mạnh các giải pháp thông tin thị trường lao động và giới thiệu việc làm, trong quý I/2022, toàn tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện tạo việc làm cho 5.447 người lao động, bao gồm: làm việc trong các ngành kinh tế tại tỉnh 3.977 người, làm việc tại các tỉnh, thành phố trong nước 1.468 người, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 02 người.
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến tất cả các hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội, song tỉnh Tuyên Quang đã nghiêm túc thực hiện “mục tiêu kép” và “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”; kịp thời triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, chính sách thiết thực, cụ thể với quyết tâm cao, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ người lao động mất, thiếu việc làm…
Khép lại năm 2021, tỉnh Tuyên Quang đã tạo việc làm cho 22.698 người lao động, đạt 108,1% kế hoạch. Trong đó, tạo việc làm trong các ngành kinh tế tại tỉnh 16.107 người; lao động đi làm việc tại các tỉnh, thành phố trong nước 6.305 người, lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 286 người. Riêng Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tư vấn việc làm cho 13.623 người lao động; đăng tải 432 lượt thông tin tuyển lao động, tuyển sinh trên website, cổng thông tin điện tử  của Trung tâm.

Quý I/2022, tỉnh Tuyên Quang đã giải quyết việc làm cho 5.447 người lao động

Trong Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh năm 2022, Tuyên Quang phấn đấu tạo việc làm cho 21.500 người; duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung dưới 2%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 3%...
Để đạt được các mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm 2022, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện linh hoạt các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp an tâm đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.
Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Tập trung nâng cao chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động, cung ứng lao động đối với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trong nước. Đồng thời, hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng mô hình sản xuất an toàn; hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương, bảo hiểm xã hội... nhằm tạo việc làm tốt, có thu nhập bền vững cho người lao động. Khuyến khích doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ người lao động về tiền lương, tiền ăn ca, các chế độ bảo hiểm, phúc lợi xã hội khác để giữ chân người lao động hoặc hỗ trợ một lần bằng tiền mặt nhằm khuyến khích, thu hút tuyển mới người lao động vào làm việc trong doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả Chương trình cho vay giải quyết việc làm và thực hiện cho người lao động vay từ Quỹ quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm cho bản thân và cho những người lao động khác.
Đặc biệt, ngay từ đầu năm, Tuyên Quang đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố thường xuyên rà soát, thống kê số lượng, danh sách và thực trạng việc làm của người lao động trên địa bàn. Trong đó, tập trung nhóm lao động từ các địa phương khác trở về do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để tư vấn, giới thiệu, cung cấp nguồn lao động chưa có việc làm đi làm việc nhằm giải quyết kịp thời khó khăn về thiếu hụt lao động trong các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Cùng với đó, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh chủ động phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thường xuyên thông tin, thông báo về việc tuyển dụng lao động theo nhu cầu sử dụng và điều kiện tuyển dụng của doanh nghiệp. Đồng thời, triển khai các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và phiên giao dịch việc làm; phát tờ rơi, tờ gấp, điện thoại, đăng tải trên website về việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm quản lý... về thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp cho người lao động, nhất là người lao động từ các địa phương khác trở về tỉnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tìm kiếm việc làm, tham gia làm việc trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh…
Theo báo cáo từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Tuyên Quang, trong quý I/2022, toàn tỉnh đã thực hiện tạo việc làm cho 5.447 người lao động, đạt 25,3% kế hoạch năm 2022 và bằng 92,6% so với quý I/2021. Trong đó, làm việc trong các ngành kinh tế tại tỉnh 3.977 người, làm việc tại các tỉnh, thành phố trong nước 1.468 người, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 02 người. Riêng Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thực hiện tư vấn về việc làm, học nghề cho 4.636 người; trong đó, số người có việc làm sau tư vấn, giới thiệu việc làm là 168 người. Ngoài ra, Trung tâm còn tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp của 1.138 người lao động (400 người trong, 738 người ngoài tỉnh); đã ban hành Quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 1.271 người, với tổng số tiền trên 15,8 tỷ đồng.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Phân tích các biến số vĩ mô và vi mô, chỉ ra cơ hội đầu tư tiềm năng trong thời gian tới
TP.HCM tăng cường kết nối cung – cầu giải quyết việc làm cho người lao động
Đảm bảo tiến độ thi công nhưng an toàn lao động vẫn phải là trên hết
Phú Thọ tích cực thu thập thông tin về người lao động, góp phần hỗ trợ việc làm bền vững
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững