Tuyên Quang đặt tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 3%
(LĐXH)- Ngày 22/2, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tuyên Quang ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh phấn đấu duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung dưới 2%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 3%.
Qua đó nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, khôi phục sản xuất kinh doanh nhằm tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, hạn chế thấp nhất những tiêu cực từ dịch bệnh tới thị trường lao động đảm bảo nguồn lao động, ngăn ngừa thiếu hụt lao động trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp.
Năm 2021, thực hiện “Chương trình phát triển thị trường lao động đến năm 2030”; Kế hoạch đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tuyên Quang đã tăng cường hướng dẫn UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch giải quyết việc làm năm 2021; tích cực thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm tại chỗ cho người lao động, kết hợp với tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động, đào tạo nghề, kết nối thông tin, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp với nhu cầu tìm việc của người lao động để đưa lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đồng thời, hướng dẫn các huyện, thành phố triển khai xây dựng phương án hỗ trợ giải quyết việc làm tại địa phương đối với người lao động trở về từ các địa phương do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động trở lại làm việc trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh phù hợp với tình hình phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an ninh, an toàn xã hội…
Năm 2021, Tuyên Quang tạo việc làm trong các ngành kinh tế tại tỉnh cho 16.107 người lao động
Để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động nhưng vẫn đảm bảo an toàn về sức khỏe, tính mạng người dân, người lao động, năm 2022, tỉnh Tuyên Quang sẽ hỗ trợ hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng mô hình sản xuất an toàn; hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương, bảo hiểm xã hội... nhằm tạo việc làm tốt, có thu nhập bền vững cho người lao động.
Tiếp tục triển khai nhiệm vụ, giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động; cũng như cung ứng lao động đối với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trong nước.
Tổ chức kết nối cung cầu lao động (thông qua các hoạt động như phiên giao dịch việc làm, phổ biến thông tin tuyển dụng lao động bằng nhiều hình thức) nhằm tạo môi trường điều kiện để người lao động và người sử dụng lao động gặp gỡ, trao đổi thông tin về lao động, việc làm. Qua đó, góp phần giải quyết khó khăn về thiếu hụt lao động tại các doanh nghiệp, khu/cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng như trên cả nước. Cùng với đó là hỗ trợ tư vấn, giới thiệu, cung ứng lao động của tỉnh đi làm việc tại các tỉnh, thành phố khác trở về tỉnh có nhu cầu làm việc tại các doanh nghiệp thuộc khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh yên tâm làm việc, tham gia phục hồi sản xuất kinh doanh.
Nhiệm vụ và giải pháp mà tỉnh Tuyên Quang đặt ra là triển khai, thực hiện hiệu quả các chính sách theo quy định của Chính phủ, của tỉnh về hỗ trợ người lao động đảm bảo an sinh xã hội, thu hút người lao động quay trở lại làm việc; hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh tạo việc làm cho người lao động; tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển thị trường lao động; hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động và chuẩn bị phương án đảm bảo nguồn lao động, ngăn ngừa thiếu hụt lao động cho phục hồi sản xuất kinh doanh; phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, lành mạnh và ổn định nhằm quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực…
Trước mắt, tỉnh tập trung thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà đối với người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm. Khuyến khích doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ người lao động về tiền lương, tiền ăn ca, các chế độ bảo hiểm, phúc lợi xã hội khác để giữ chân người lao động hoặc hỗ trợ một lần bằng tiền mặt nhằm khuyến khích, thu hút tuyển mới người lao động vào làm việc trong doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, huyện để cho vay giải quyết việc làm và thực hiện cho người lao động vay từ Quỹ quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm cho bản thân và cho những người lao động khác. Tăng cường kết nối cung - cầu lao động giữa các vùng trong tỉnh và với các tỉnh, thành phố trong cả nước tổ chức các hoạt động Phiên giao dịch việc làm online nhằm kết nối tư vấn việc làm từ nhu cầu của người lao động và nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên toàn quốc.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyển sinh, đào tạo, phát triển nguồn lao động từ bộ đội, công an xuất ngũ, học viên từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cung ứng cho thị trường lao động. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động. Chủ động liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị triển khai đào tạo, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng nghề đối với người lao động; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho lao động thất nghiệp, lao động mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19…
Chí Tâm
TAG: