Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hải Hậu: Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn
(LĐXH) – Thời gian qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN – GDTX) huyện Hải Hậu (Nam Định) đã chú trọng đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Trung tâm đã không ngừng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang với các trang thiết bị dạy nghề đồng bộ, đa dạng về chủng loại. Đồng thời, xây dựng chương trình đào tạo gồm 12 nghề, trong đó các nghề hàn điện, may công nghiệp, mộc mỹ nghệ, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, chăm sóc cắt tỉa cây cảnh, trồng nấm… có nhu cầu cao trong thị trường lao động.
Để góp phần khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” mất cân đối trên thị trường lao động, ngoài việc thường xuyên cử cán bộ, giáo viên đi học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tổ chức cho giáo viên tham gia các hội giảng; tích cực đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo chuẩn kiến thức kỹ năng; triển khai phương pháp dạy học gắn với đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người học, đơn vị thường xuyên phối hợp với các ban, ngành và các xã, thị trấn làm tốt công tác tuyên truyền và xã hội hoá các chủ trương, chính sách và quyền lợi trong việc học nghề cho người lao động. Phối hợp hiệu quả với các trường THCS, THPT và chính quyền các cấp nhằm phân luồng, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh khối 9 và khối 12, khuyến khích các em tham gia học nghề; tổ chức điều tra, khảo sát phân tích nhu cầu học nghề, xem xét tính đặc thù nghề nghiệp của từng vùng; liên kết giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề để gắn học lý thuyết với thực hành, lý luận với thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng kế hoạch đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng lao động trên thị trường; liên kết với các doanh nghiệp có uy tín tuyển sinh đào tạo theo đơn đặt hàng cung cấp nguồn nhân lực có tay nghề cho các khu công nghiệp, nhà máy để đảm bảo người lao động có việc làm sau đào tạo.
Bên cạnh đó, Trung tâm còn xây dựng đội ngũ cộng tác viên là những người có tay nghề ở địa phương làm công tác tuyên truyền nghề, dạy nghề. Căn cứ kế hoạch đào tạo nghề của UBND huyện hằng năm, đơn vị phối hợp với Phòng LĐTBXH huyện, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, UBND các xã, thị trấn khảo sát, đánh giá nhu cầu học nghề, cơ cấu nghề cần học, phân loại đối tượng học nghề theo độ tuổi, trình độ nhận thức làm căn cứ mở lớp dạy nghề phù hợp từng địa phương.
Để tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia học nghề, Trung tâm mở lớp học tại các xã để bà con vừa học nghề, vừa tranh thủ làm việc gia đình. Ngành nghề được lựa chọn bảo đảm các yếu tố như sử dụng nhiều lao động, dễ học, dễ hiểu, phù hợp với nhiều đối tượng lao động như: nuôi lợn nái, lợn thịt, kỹ thuật chăm sóc cắt tỉa cây cảnh, nuôi trồng thủy hải sản, may công nghiệp... Các chương trình giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học; trong đó chú trọng việc thực hành, rèn luyện tay nghề cho học viên. Trong 4 năm qua, Trung tâm đã mở 34 lớp dạy nghề cho 1.163 lao động nông thôn. Trong đó đào tạo nghề may công nghiệp 17 lớp (577 học viên), nghề mộc mỹ nghệ 3 lớp (102 học viên), nghề chăn nuôi lợn 7 lớp (245 học viên), nghề chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh 4 lớp (135 học viên), nghề nuôi trồng thủy sản 2 lớp (70 học viên)…
Ngoài ra, Trung tâm còn liên kết với một số trường trung cấp, cao đẳng nghề trong tỉnh mở các lớp trung cấp nghề với các nghề may và thiết kế thời trang, mộc mỹ nghệ, công nghệ ô tô, điện công nghiệp... Thời gian gần đây, trước nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo nghề của các công ty, doanh nghiệp ngày một tăng, Trung tâm đã từng bước điều chỉnh chương trình giảng dạy, mở rộng các ngành nghề mới như: Trung cấp nghề điện lạnh, Điều khiển thi công máy cơ giới, Lễ tân, Chế biến món ăn, Chăn nuôi thú y, Bảo vệ thực vật... phù hợp yêu cầu xã hội.
Theo kết quả khảo sát của Trung tâm, trên 80% học viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp khóa học nghề và làm việc chủ yếu tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn. Đối với người lao động có nhu cầu làm việc tại nhà hoặc tự mở cơ sở sản xuất, Trung tâm liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận bao tiêu sản phẩm, bảo đảm đầu ra cho người lao động. Nhiều lao động đã vay vốn mở cơ sở sản xuất, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại địa phương. Thu nhập của người lao động trung bình từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng với các nghề: Mộc mỹ nghệ, nghề điện công nghiệp, sửa chữa ô tô; Thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng với nghề may công nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, chăn nuôi lợn.
Trong thời gian tới, Trung tâm GDNN – GDTX huyện Hải Hậu sẽ tiếp tục tăng cường công tác bồi dưỡng đội ngũ, triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy chương trình GDTX cấp THCS, THPT, tích cực điều tra nhu cầu, phối hợp mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn đáp ứng nhu cầu người học... để ngày càng đạo tạo nhiều đội ngũ lao động có tay nghề, đáp ứng nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương./.
Minh Hưng
TAG: