Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Bắc Giang: Hết lòng chăm sóc thương, bệnh binh
04:17 PM 20/08/2019
(LĐXH) – Thời gian qua, cán bộ, viên chức Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Bắc Giang (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) đã luôn quan tâm, chăm sóc tận tình đối với các thương, bệnh binh, nhằm tri ân những hy to lớn của họ đối với quê hương, đất nước.
Tiền thân là Khu điều dưỡng thương binh nội khoa (ra đời từ năm 1976), sau 27 năm đứng chân trên địa bàn thôn Đông La, xã Quế Nham (Tân Yên), tháng 7-2018, Trung tâm Điều dưỡng NCC tỉnh chuyển về trụ sở mới tại tổ dân phố Đông Giang, phường Xương Giang (TP Bắc Giang). Trung tâm được xây mới trên diện tích hơn 24 nghìn m2 với 48 phòng ở khép kín phục vụ thương bệnh binh; phòng phục hồi chức năng gồm nhiều thiết bị hiện đại (máy tập đa năng, băng chạy bộ, bồn xông hơi trị liệu…); các phòng tổ chức sinh hoạt chung; xe cứu thương, đưa đón người có công. Hiện đơn vị có 30 cán bộ, nhân viên với 3 phòng chuyên môn. Với 2 nhiệm vụ là điều trị, nuôi dưỡng chăm sóc, nuôi dưỡng suốt đời thương binh, bệnh binh nặng của 4 tỉnh (Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương); tổ chức điều dưỡng luân phiên tập trung cho người có công trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Với đặc thù thường đón tiếp các đối tượng tới điều dưỡng là thương bệnh binh, người cao tuổi, sức khoẻ yếu, thường xuyên bị huyết áp cao, vết thương cũ tái phát, hành hạ mỗi khi trái gió, trở trời… nên Trung tâm đã đặt công tác chăm sóc y tế và phục hồi sức khoẻ cho các cụ là nhiệm vụ quan tâm hàng đầu. Mỗi đợt điều dưỡng, các đối tượng được khám bệnh, tư vấn sức khỏe, lập hồ sơ bệnh án và điều trị. Hàng ngày, các đối tượng được nhân viên y tế cấp phát thuốc bổ, thuốc chữa bệnh thông thường tại phòng nghỉ và hướng dẫn các bài tập để nâng cao sức khỏe, đồng thời tham gia vật lý trị liệu, xoa bóp, bấm huyệt. Công tác trực y tế luôn được đơn vị duy trì thực hiện 24/24 giờ.
Các thương, bệnh binh đang được nuôi dưỡng chăm sóc tại Trung tâm thường xuyên nhận được s thăm hỏi
động viên của các cơ quan, t chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh
Nhằm đảm bảo cho người có công có một sức khỏe tốt, Trung tâm còn xây dựng chế độ ăn hợp lý, đủ dinh dưỡng, phù hợp với độ tuổi, thực đơn trong mỗi bữa ăn được xây dựng đa dạng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với những người phải ăn kiêng, đều được đơn vị bố trí, lựa chọn những thực phẩm thay thế phù hợp để đảm bảo sức khoẻ. Bên cạnh đó, việc đảm bảo yếu tố môi trường cũng được chú trọng. Phòng nghỉ cho các đối tượng người có công được đội ngũ nhân viên của Trung tâm thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, gọn gàng. Cùng với đó, lối đi bộ, khuôn viên, cảnh quan xung quanh đơn vị được trổng rất nhiều cây xanh, tạo không gian xanh mát, giúp cho các đối tượng NCC thư giãn nghỉ ngơi yên tĩnh.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người có công, Trung tâm còn tổ chức các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao, tổ chức các hoạt động tham quan các danh lam thắng cảnh trong và ngoài tỉnh; tổ chức nói chuyện thời sự, thông tin về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc. Vì vậy, sau mỗi đợt điều dưỡng tại Trung tâm, sức khỏe, thể trạng, tinh thần của các đối tượng người có công được nâng lên rõ rệt, từ đó giúp họ tiếp tục sống vui, sống khỏe, sống có ích trong quãng đời còn lại. Hầu hết, những người có công khi đến nghỉ dưỡng ở Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Bắc Giang đều thực sự thấy ấm lòng không chỉ bởi những chế độ, chính sách quan tâm của Đảng và Nhà nước mà còn bởi những tình cảm chân thành mà đội ngũ cán bộ, nhân viên nơi đây dành cho họ.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Giám đốc Trung tâm cho biết: Xác định điều trị, nuôi dưỡng chăm sóc các thương, bệnh binh là nhiệm vụ vất vả nhưng vô cùng tự hào nên Ban giám đốc thường xuyên quán triệt tới cán bộ, viên chức, nhân viên nêu cao trách nhiệm, tận tình, chu đáo trong mỗi công việc được giao. Nhờ vậy, đơn vị luôn hoàn thành kế hoạch điều dưỡng luân phiên (mỗi năm 5-6 nghìn người), bảo đảm đúng tiêu chuẩn chế độ điều dưỡng theo quy định. “Với những thương binh, bệnh binh nặng được nuôi dưỡng suốt đời tại đây, đa số đã lớn tuổi, cơ thể còn nhiều vết thương nên chúng tôi luôn phục vụ ân cần, chu đáo. Cùng đó, kiểm tra sức khỏe chặt chẽ, xây dựng thực đơn với nhiều món ăn phong phú, đa dạng, phù hợp với khẩu vị mỗi người. Tất cả chỉ với mong muốn các bác luôn cảm thấy thoải mái, vui vẻ”, bà Liên chia sẻ.
Ông Nguyễn Khắc Tri (81 tuổi), TB 31%, ở thôn Chu Xá, xã Quang Châu (Việt Yên) chia sẻ: “Đây là lần thứ tư tôi được tham gia đợt điều dưỡng do Trung tâm tổ chức. Ngoài được nghỉ ngơi, an dưỡng, tham quan các điểm du lịch, tôi rất phấn khởi khi gặp lại đồng đội, ôn lại những kỷ niệm thời bom đạn ác liệt nơi chiến trường”.
Hiện nay, Trung tâm Điều dưỡng NCC tỉnh đang chăm sóc suốt đời 16 TB, BB đặc biệt nặng. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng điểm chung là hằng ngày phải chống chọi với những cơn đau từ vết thương do chiến tranh để lại. Để phần nào bù đắp nỗi đau và những mất mát đó, đội ngũ cán bộ, viên chức trong đơn vị luôn nỗ lực xây dựng nơi đây trở thành mái ấm gia đình, thể hiện sự tri ân với lớp cha anh đã hy sinh tuổi thanh xuân vì Tổ quốc. 
“Cán bộ Trung tâm giống như con cháu của chúng tôi vậy, mỗi lúc vui, buồn đều cùng nhau giãi bày; mỗi bữa ăn, giấc ngủ đều được quan tâm chu đáo. Bên cạnh đó, hằng năm, vào các ngày lễ, Tết, các đồng chí lãnh đạo T.Ư, tỉnh, các đơn vị, doanh nghiệp thường xuyên đến thăm hỏi sức khỏe và tặng quà đã động viên chúng tôi rất nhiều”, thương binh 94% Nguyễn Văn Quang (SN 1958), xã Đông Sơn (Yên Thế) bày tỏ.
Năm 2019, Trung tâm được bổ sung hơn 4 tỷ đồng xây dựng nhà xông hơi quy mô lớn, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, điều dưỡng NCC. Thời gian tới, đơn vị tập trung thực hiện tốt công tác tiếp đón, điều dưỡng luân phiên các đoàn NCC trong tỉnh; tăng cường những hoạt động thiết thực như: Tư vấn sức khỏe, tham quan, giao lưu văn nghệ... nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần cho thương binh, bệnh binh. Qua đó góp phần thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, tô thắm đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc./.
Minh Hưng
TAG:
Tin khác
77,5% trẻ em từng chứng kiến bạo lực học đường
Hòa Bình: Nhiều hộ thoát nghèo bền vững nhờ các mô hình hỗ trợ sinh kế thiết thực
Chương trình “Kết nối những vòng tay” với chủ đề “Tết cho trẻ em nghèo” trao tặng hơn 400 triệu đồng cho đồng bào và trẻ em bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại Yên Bái
Nam Trực: Lan toả sâu rộng phong trào Đền ơn đáp nghĩa
Hòa Bình: Thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai nhiệm vụ Quý IV năm 2024
Hỗ trợ trẻ em chịu ảnh hưởng bão Yagi tỉnh Lào Cai
Yên Bái giải ngân 100% vốn hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Chương trình Toả sáng Nghị lực Việt 2024: Tuyên dương 38 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu