Trung tâm Dịch vụ việc làm Vĩnh Phúc: Đa dạng các hình thức kết nối việc làm cho người lao động
(LĐXH) - Để giúp người lao động tìm việc làm trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động, linh hoạt xây dựng kế hoạch tư vấn, giới thiệu việc làm qua tổng đài, website, facebook và fanpage của Trung tâm…
Với vai trò quan trọng trong kết nối cung - cầu lao động, thời gian qua, song song với việc nỗ lực đa dạng hóa hình thức tư vấn (tư vấn trực tiếp tại Trung tâm, tư vấn tại sàn giao dịch việc làm, tư vấn qua điện thoại, tư vấn trực tuyến qua zalo, facebook…), đội ngũ tư vấn viên tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Vĩnh Phúc (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc) đã tích cực tham gia các khóa bồi dưỡng do Cục việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) tổ chức nhằm nâng cao năng lực chuyên môn và tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt và công bố thông tin tuyển dụng, trở thành mắt xích hữu ích kết nối cung – cầu lao động. Để rút ngắn khoảng cách giữa người lao động và nhà tuyển dụng sau các hệ quả tiêu cực của đại dịch Covid-19, Trung tâm đã khởi động lại hoạt động giao dịch việc làm định kỳ vào các ngày thứ năm hàng tuần ngay sau khi hết thời gian giãn cách xã hội theo quy định của Chính phủ. Ngoài ra, Trung tâm cũng phối hợp với Trường cao đẳng Nghề Việt Xô số 1 và Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc tổ chức hai phiên giao dịch việc làm lưu động, tạo cơ hội cho các học viên tiếp cận những thông tin cần thiết, hữu ích về các vị trí việc làm còn trống, yêu cầu của doanh nghiệp, các chế độ lương – thưởng, chính sách bảo hiểm thất nghiệp…, đồng thời giúp doanh nghiệp chọn ra các ứng viên tiềm năng để bổ sung vào đội ngũ nhân sự.
Ông Hoàng Tất Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm cho biết: Việc đưa sàn giao dịch việc làm lưu động đến với các trường cao đẳng nghề nhằm tạo cơ hội để các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng và sinh viên được kết nối, giao lưu với nhau. Từ đó, giúp sinh viên có thêm kiến thức về thị trường lao động, môi trường kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp để có thể lựa chọn, tìm kiếm việc làm, nghề nghiệp phù hợp sau khi ra trường. Đây cũng là cơ hội để các nhà tuyển dụng giới thiệu kỹ hơn với sinh viên về thương hiệu, hình ảnh của doanh nghiệp… để có thể trực tiếp lựa chọn và tuyển dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Với những nỗ lực trong công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, trong 6 tháng đầu năm 2020, Trung tâm Dịch vụ việc làm Vĩnh Phúc đã tư vấn cho gần 17.000 lượt người về chính sách lao động, việc làm, học nghề và chế độ bảo hiểm thất nghiệp, giải quyết thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng cho gần 5.000 trường hợp, hỗ trợ học nghề cho 99 lao động thất nghiệp, tư vấn cho gần 6.000 người qua các sàn giao dịch việc làm, tư vấn cho hơn 1.100 người lao động qua tổng đài, facebook, giới thiệu việc làm cho gần 2.000 người lao động. Bảy phiên giao dịch việc làm định kỳ và hai phiên giao dịch việc làm lưu động được Trung tâm tổ chức trong thời gian gần đây đã thu hút 95 doanh nghiệp, trên 600 lao động và khoảng 1.000 học viên của hai trường Cao đẳng tham gia, và có 471 người đã được sơ tuyển tại các sàn giao dịch.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng thực hiện tốt công tác chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động bị mất việc làm. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Trung tâm DVVL tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp nhận 5.209 hồ sơ của người lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng cho gần 5.000 người và hỗ trợ cho 99 lao động thất nghiệp được học nghề.
Trong thời gian tới, Trung tâm DVVL tỉnh Vĩnh Phúc cần xây dựng mạng lưới, thu thập, phân tích, cung cấp thông tin việc làm, cung - cầu lao động và thông tin dự báo về thị trường lao động. Đồng thời, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp để có kế hoạch cung ứng lao động và cung cấp thông tin cho thị trường lao động… để Trung tâm DVVL tỉnh Vĩnh Phúc trở thành địa chỉ tin cậy của người lao động và người sử dụng lao động trong và ngoài tỉnh./.
Hiền Minh
TAG: