Đề án giải thể thiếu minh bạch
Bà Nguyễn Ngọc Điệp, Giám đốc Trung tâm JESC cho biết: Tháng 7 năm 2006, UBND TPHCM ra quyết định thành lập JESC, thuộc Hepza. JESC có chức năng nhiệm vụ chính là tư vấn cho người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động, về các chính sách lao động việc làm, hướng nghiệp cho người lao động cách thức tìm kiếm việc làm, tuyển chọn, cung ứng và đào tạo nghề cho NLĐ theo yêu cầu của các doanh nghiệp trong các khu chế xuất và công nghiệp thành phố. Trong những năm qua, JESC đã trở thành địa chỉ quen thuộc của hàng trăm nghìn người lao động và hàng nghìn doanh nghiệp đặt hàng cung ứng lao động qua JESC.
Ngoài ra, JESC không chỉ giới thiệu, giải quyết việc làm cho NLĐ mà còn là đơn vị sự nghiệp có thu, tự đảm bảo một phần kinh phí hoạt động thường xuyên, thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội như mọi đơn vị trực thuộc cơ quan nhà nước. Bà Nguyễn Ngọc Điệp cho rằng: JESC được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính và được Hepza đánh giá về hoạt động hiệu quả trong các năm qua.
Cụ thể như, ngày 26/4/2018, Hepza ra văn bản số 1548/BQL – VP gửi Sở tài chính khẳng định “việc thực hiện chế độ tự chủ tài chính tại JESC trong thời gian qua ổn định và đã tạo chủ động trong các hoạt động và chỉ tiêu tài chính, hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả công tác, nhiệm vụ của Ban quản lý giao. Đồng thời, trong các năm qua, đặc biệt năm 2018, JESC còn được Hepza đề nghị UBND TP khen thưởng cho các tập thể, cá nhân của JESC vì đã có nhiểu thành tích xuất sắc trong công tác tư vấn, tuyển chọn, đào tạo và giới thiệu việc làm cho các KCX – CN của TPHCM đạt hiệu quả cao…
Tuy nhiên, ngày 23/5/2019, Hepza bất ngờ ra Tờ trình số 2186/TTr – BQL và đề án đề nghị UBND TPHCM ra quyết định giải thể JESC. Điều đó, cho thấy hoàn toàn trái ngược với những nội dung mà Hepza đã nêu trên, Hepza cho biết, “JESC đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao”. Song, JESC có một số tồn tại, hạn chế như: Trung tâm là đầu mối cung cấp lao động, nhưng hiện nay doanh nghiệp tuyển dụng lao động “Không còn phải thông qua Trung tâm nữa; chức năng của Trung tâm trùng lâp với các phòng chuyên môn thuộc Hepza; phải tự trang trải những chi phí mà Hepza đang hỗ trợ, thì những năm qua Trung tâm hoạt động chưa hiệu quả?.. Do vậy, Hepza đề xuất UBND TP ra quyết định giải thể JESD.
Theo bà Nguyễn Ngọc Điệp cho rằng, việc Hepza ra Tờ trình đề nghị UBND TPHCM ra quyết định giải thể JESC thiếu minh bạch và gây hoang mang, bức xức cho cán bộ, viên chức và người lao động tại JESC. Đồng thời, Hepza khi ban hành Tờ trình và Đề án giải thể Trung tâm là trái với quy định của pháp luật, cụ thể: theo khoản 3, điều 3, Nghị định 55/2012/NĐ – CP, điều kiện giải thể đơn vị sự nghiệp công lập phải tuân thủ một trong các điều kiện như: Không còn chức năng, nhiệm vụ; ba năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoạt động không có hiệu quả theo đánh giá của cơ quan có thẩm quyền thành lập; Theo yêu cầu sắp xếp về tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với quy hoạch mạng lưới tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập để phù hợp với quy hoạch mạng lưới tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong khi đó JESC vẫn là đơn vị đáp ứng đầy đủ tất cả các điều kiện theo quy định.
Ngoài ra, theo bà Điệp, việc giải thể JESC cũng chưa tuân thủ quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục như: thiếu các văn bản cơ quan có thẩm quyền xác nhận việc hoàn thành các nghĩa vụ về tài chính, đất đai, các khoản vay, nợ phải trả liên qua mà không thấy đề cập đến văn bản thẩm định hồ sơ của các cơ, quan tổ chức..
Cùng với đó, quá trình xây dựng đề án giải thể JESC thực hiện chưa minh bạch, công khai, thiếu dân chủ gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động tại JESC và các đối tác liên quan. Ngày 3/4/2019, lãnh đạo Ban quản lý thông báo thành lập tổ công tác đánh giá lại hiệu quả và đề xuất phương án hoạt động của JESC. Tuy nhiên, cho đến nay JESC vẫn không nhận được văn bản chính thức, công khai về kết quả đánh giá và đề xuất phương án hoạt động của tổ công tác trình BQL. Thêm vào đó, là việc xây dựng đề án giải thể mà không chỉ đạo phối hợp với JESC, đồng thời JESC không được tham gia ý kiến đóng góp cho dự thảo đề án trước khi Hepza gửi cho các Sở liên quan cho ý kiến. Ngoài ra, nhiều lần tập thể Trung tâm JESC có trình bày ý kiến, nguyện vọng của mình nên cân nhắc phương án giải thể mà tìm phương án sắp xếp lại mà không được lãnh đạo Ban quản lý cân nhắc xem xét. Ban quản lý chỉ tổ chức cuộc họp với toàn thể để thông báo đã có đề xuất UBND TPHCM giải thể sau khi gửi Tờ trình giải thể đến Sở Nội vụ và UBND TPHCM. Những góp ý cân nhắc lựa chọn khách quan giữa việc đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động hay giải thể từ Sở Kế hoạch đầu tư và Tư pháp gửi BQL cũng không được trao đổi và thông tin lại cho JESC biết.
Theo bà Nguyễn Ngọc Điệp, cách làm của BQL là đã gây nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến quyền chính đáng của người lao động tại JESC và các bên liên qua. Nhiều nội dung và các hợp đồng của JESC và với đối tác đã ký kết trong năm 2019, nhưng vì quyết định giải thể JESC có hiệu lực từ ngày 24/6/2019 nên JESC không còn hiệu lực để thực hiện.
JESC thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn cho các doanh nghiệp về nghiệp vụ như: Tiền lương, BHXH, báo cáo thuế, an toàn lao động...
Lãnh đạo BQL đùn đẩy trách nhiệm, người lao động uất ức…
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Lao động và Xã hội, ông Nguyễn Hoàng Năng – Trưởng Ban quản lý Hepza cho biết: Việc ra quyết định giải thể là cho UBND TPHCM đã căn cứ ý kiến tham mưu của các sở chứ không chỉ nghe mỗi Hepza đề xuất. Theo ông Năng, việc đề nghị giải thể JESC là vì đơn vị này hoạt động không hiệu quả. JESC có 2 chức năng lớn là giải quyết việc làm và hỗ trợ doanh nghiệp nhưng giải quyết việc làm hiện nay đã được xã hội hóa; doanh nghiệp cũng có quyền tuyển dụng lao động mà không cần đến JESC. Khi được hỏi đến vấn đề vì sao Hepza đề xuất UBND TPHCM vội vàng giải thể JESC, ông Nguyển Hoàng Năng đã không trả lời và đề nghị báo chí liên hệ với Sở Nội vụ TPHCM để trao đổi chi tiết. Vì theo ông Năng, quyết định giải thể là do Sở Nội vụ đề nghị UBND TPHCM ra quyết định chứ không phải Hepza?
Còn theo đơn phản ánh của ông Nguyễn Công Trường, nhân viên của JESC, cho biết: Tôi đã có 10 năm làm việc tại JESC. Thế nhưng việc JESC bị giải thể đột ngột, trong bối cảnh còn nhiều công việc, chưa có kế hoạch cụ thể giải quyết quyền, lợi, chế độ cho người lao động. Vì vậy, gây hoang mang, bất bình và nguy cơ đẩy người lao động chúng tôi ra đường. Ông Trường cũng cho biết, đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao chúng tôi lại bị mất việc đột ngột và các khoản tiền lương của chúng tôi từ tháng 6 đến nay chưa được giải quyết. Việc giải thể JESC cũng không có lộ trình và phương án hỗ trợ cho người lao động trước khi giải thể để người lao động tìm kiếm việc làm mới. Ông Dương Quốc Cang cũng là nhân viên có thời gian là việc tại JESC trên 6 năm bức xúc và cho rằng: Việc Hepza đề xuất UBND TPHCM giải thể JESC còn có nhiều khuất tất, thiếu minh bạch và không đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Mà cụ thể là từ khi UBND TPHCM có quyết định giải thể JESC, các khoản tiền lương, thu nhập và trợ cấp của chúng tôi không được giải quyết và vẫn treo, chúng tôi không có tiền chi tiêu, trang trải cuộc sống hàng ngày, gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Hepza và UBND TPHCM cần giải thích rõ ràng và chi trả các khoản tiền lương, trợ cấp cũng có biện pháp hỗ trợ và giải quyết các chính sách chế độ liên quan cho chúng tôi!
Vương Linh