An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Trung tâm CTXH tỉnh Thái Nguyên: Hỗ trợ đột xuất và sinh kế cho hộ gia đình bị thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng
02:44 PM 10/11/2016
(LĐXH) Thiên tai, bão lũ ngày càng có tác động nguy hiểm tới cộng đồng, nó không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn đe dọa tính mạng của con người. Bên cạnh việc chủ động phòng, chống thiên tai thì công tác hỗ trợ đột xuất, sinh kế cho người dân ở những địa bàn bị ảnh hưởng cũng có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để đối tượng sớm khắc phục hậu quả bão lũ, phục hồi sản xuất, ổn định đời sống trước mắt và lâu dài.
Lãnh đạo Trung tâm thăm hỏi và hỗ trợ đột xuất cho gia đình chị Phan Thị Thiện, ở xóm Bãi Lềnh- xã Bảo Cường- huyện Định Hóa
Thái Nguyên là một trong những tỉnh thuộc khu vực trung du miền núi phía Bắc, có địa hình chia cắt phức tạp, trong đó có các huyện vùng cao, miền núi như Võ Nhai, Định Hóa, Phú Lương. Trong những năm gần đây, tỉnh đã phải chịu sự ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ. Tại đây, thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn biến bất thường nắng nóng, rét đậm, rét hại kéo dài không theo quy luật đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh kế của người dân. Điển hình như trong năm 2014, Thái Nguyên đã chịu ảnh hưởng nặng nề của hoàn lưu cơn bão số 3, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, làm chết 4 người, bị thương 3 người, hơn 1.114 ha lúa bị tàn phá, 55 công trình thủy lợi bị hư hỏng, tổng thiệt hại ước tính gần 157 tỷ đồng. Đặc biệt trong 7 tháng đầu năm 2016, số nạn nhân bị thiệt mạng do thiên tai bão lũ là 4 người xảy ra trên hai địa bàn huyện Định Hóa và huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến những thiệt hại do trận mưa đá cục bộ với cường độ mạnh kèm theo giông lốc xảy ra ngày 17/4 tại hai huyện Định Hóa và Phú Lương cũng đã gây thiệt hại nặng về tài sản và hoa màu của người dân. Mưa đá kéo dài hơn 10 phút với cường độ mạnh đã làm 2 người dân ở xã Thanh Định và Bảo Cường, huyện Định Hóa bị thương, 10 ngôi nhà của người dân ở 2 huyện Phú Lương và Định Hóa bị sập hoàn toàn, hơn 500 nhà bị tốc mái, trên 800 héc ta lúa, hoa màu và cây lâm nghiệp bị hư hại. Ngay sau khi xảy ra thiên tai, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn rà soát, thống kê mức độ thiệt hại, đồng thời huy động các lực lượng, phương tiện tại chỗ để khắc phục hậu quả, bố trí chỗ ở tạm thời cho những gia đình có nhà ở bị sập hoàn toàn.
Tuy nhiên, một trong những thực trạng đáng lo ngại là những gia đình gánh chịu hậu quả nhiều nhất của thiên tai là những hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thường bị mất đi lao động chính trong gia đình. Với vai trò là đơn vị cung cấp các dịch vụ công tác xã hội, kết nối nguồn lực, tìm kiếm nguồn hỗ trợ cho đối tượng yếu thế trong xã hội, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên đã chủ động tiếp cận những địa bàn xảy ra bão lũ, xác minh thông tin, điều tra khảo sát, đánh giá nhu cầu toàn diện từng trường hợp cụ thể, thực hiện các biện pháp can thiệp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả nhất, đặc biệt là các hộ gia đình bị thiệt hại nặng nề, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Theo bà Phùng Thị Thơm, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên, một trong những hoạt động hỗ trợ phát triển cộng đồng được Trung tâm trú trọng trong những năm gần đây là truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và người dân trong việc giải quyết các vấn đề khó khăn của cộng đồng, trực tiếp tham gia các hoạt động cứu trợ thảm họa, thiên tai cho người dân và đánh giá những tác động, thiệt hại, thực hiện các hoạt động can thiệp hỗ trợ kịp thời. Để tạo thêm nguồn lực trong việc trợ giúp cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, Trung tâm đã chủ động kết nối với các cơ quan, đơn vị, những người dân cư trú cùng địa bàn thôn, xóm để huy động sức người, sức của cùng chung tay đóng góp, giúp cho đối tượng sớm ổn định cuộc sống. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2016, Trung tâm đã can thiệp hỗ trợ đột xuất và hỗ trợ sinh kế cho 6 hộ gia đình bị thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần giúp các hộ gia đình vượt qua khó khăn trước mắt và dần từng bước ổn định cuộc sống.
Trung tâm hỗ trợ đột xuất cho gia đình bà Nguyễn Thị Gái, sinh năm 1955, ở xóm Quán Vuông 3- xã Trung Hội- huyện Định Hóa
Điển hình như trường hợp hộ gia đình bà Nguyễn Thị Gái, sinh năm 1955, ở xóm Quán Vuông 3- xã Trung Hội- huyện Định Hóa, là một trong những hộ đình bị thiệt hại nặng do mưa đá, kèm theo lốc xoáy xảy ra đêm ngày 17/4/2016. Trận mưa đá đã làm cho ngôi nhà sàn 32 cột của gia đình bị sập hoàn toàn, gia đình bà thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bản thân đối tượng ở một mình, bị bệnh hiểm nghèo (ung thư). Bà Gái đã được quần chúng nhân dân quyên góp ủng hộ xây dựng ngôi nhà tạm ngay bên cạnh nhà bị sập. Sau khi nhận được thông tin, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên đã đến tư vấn, động viên chia sẻ những mất mát, thiệt hại mà gia đình bà gặp phải và hỗ trợ đột xuất 1 triệu đồng để chi phí sinh hoạt cần thiết trước mắt. Đồng thời, nhằm đáp ứng nhu cầu được hỗ trợ sinh kế lâu dài, phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thêm thu nhập, Trung tâm đã cử cán bộ trực tiếp đánh giá xác định nhu cầu cụ thể của gia đình và hỗ trợ 01 đôi lợn giống trị giá 2,4 triệu đồng để bà phát triển kinh tế, tăng thu nhập, phục vụ cuộc sống và chữa trị bệnh tật.
Một hộ dân nữa cũng thuộc diện có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận mưa đá, kèm theo lốc xoáy xảy ra đêm ngày 17/4/2016 là gia đình chị Phan Thị Thiện, sinh 1985 ở xóm Bãi Lềnh- xã Bảo Cường- huyện Định Hóa. Chị Thiện thuộc diện hộ nghèo, đơn thân nuôi con, đang được hưởng chế độ trợ cấp đơn thân nuôi con 540.000đ/tháng, có 02 con nhỏ, 01 trẻ đang theo học lớp 2, 01 trẻ 2 tuổi. Do trận mưa đá, căn nhà chị ở bị sập hoàn toàn và ba mẹ con chị phải ở nhờ nhà bố mẹ đẻ. Trước những khó khăn của đối tượng, Trung tâm đã hỗ trợ đột xuất cho gia đình chị số tiền 1 triệu đồng. Để nhanh chóng ổn định nơi ở, với sự tư vấn, hướng dẫn, kết nối giúp đỡ của Trung tâm Công tác xã hội, chị đã mạnh dạn vay mượn anh em họ hàng, cộng với sự giúp đỡ về ngày công của bà con lối xóm, sự hỗ trợ của UBND xã Bảo Cường từ nguồn vận động chương trình xóa nhà dột nát của nhân dân 10 triệu đồng, chị Thiện xây dựng căn nhà cấp 4, có chỗ trú mưa, trú nắng. Trung tâm đã thực hiện đánh giá trực tiếp nhu cầu hỗ trợ sinh kế của gia đình, qua đó đã hỗ trợ 100 con vịt giống đẻ trứng và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho gia đình chị Thiện để phát triển kinh tế, tăng thu nhập.

Trung tâm đã hỗ trợ 01 đôi lợn nái giống cho gia đình anh Nguyễn Mạnh Ninh, ở xóm Vạn Thành 1- xã Quân Chu- huyện Đại Từ, giúp anh có nguồn sinh kế lâu dài
Gia đình anh Nguyễn Mạnh Ninh ở xóm Vạn Thành 1- xã Quân Chu- huyện Đại Từ cũng phải gánh chịu hậu quả nặng nề của bão lũ, thiên tai. Ngày 25/5/2016, chị Nguyễn Thị Thoa, sinh năm 1990, vợ anh Ninh làm công nhân ở Công ty Samsung, trên đường đi làm về trời mưa to đã bị lũ cuốn chết. Anh Ninh hiện đang nuôi hai 02 con nhỏ, 01 cháu học lớp 1 và 01 cháu 2 tuổi, thu nhập không ổn định, gia đình thuộc diện hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Trung tâm Công tác xã hội đã đến động viên, chia sẻ, tặng quà, tư vấn ổn định tâm lý, giúp anh vượt qua đau thương mất mát, gắng gượng trở thành chỗ dựa cho hai con thơ dại. Cùng với đó, Trung tâm đã tiến hành tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của anh Ninh để hỗ trợ sinh kế lâu dài, đảm bảo cho anh và các con cuộc sống ổn định. Do anh Ninh không có việc làm, bản thân lại phải nuôi hai con còn nhỏ, phải dành nhiều thời gian ở nhà chăm sóc các cháu nên Trung tâm đã tiến hành hỗ trợ 01 đôi lợn nái giống và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi để phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thêm thu nhập và có thời gian chăm sóc 2 con nhỏ.
Cũng theo bà Phùng Thị Thơm, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên, các hoạt động hỗ trợ kịp thời, thiết thực của cộng đồng, của Trung tâm không chỉ là việc làm phát huy truyền thống "Tương thân, tương ái", "Lá lành đùm lá rách" mà còn khẳng định tình cảm, trách nhiệm của một cộng đồng đối với các đối tượng gặp khó khăn. Quả thực là người dân đang chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai rất cần những tấm lòng giúp đỡ, sẻ chia của cộng đồng. Xã hội rất cần những tấm lòng đồng cảm, sẵn sàng sẻ chia trước những nỗi đau của người khác, thể hiện tình cảm yêu thương giữa con người với con người. Đây là sự hỗ trợ kịp thời về tinh thần và vật chất nhằm giúp các đối tượng khắc phục hậu quả thiên tai, từng bước ổn định cuộc sống. Do những đối tượng bị ảnh hưởng của thiên tai thường là những hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nên việc trợ giúp cần hướng tới mục tiêu tạo sinh kế lâu dài, giúp họ có “cần câu” để tự chủ về cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Phát triển cộng đồng là một trong những hoạt động mới của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động, góp phần đảm bảo an toàn cho người dân, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng chống thiên tai, bão lũ cho người dân, nhất là ở những địa bàn thường xuyên bị ảnh hưởng, đồng thời đánh giá mức độ thiệt hại, huy động nguồn lực hỗ trợ giải quyết những khó khăn trước mắt và sinh kế lâu dài cho người dân, giúp họ phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống./.
 
Đỗ Thị Phượng
 
TAG:
Tin khác
Huyện Bình Đại triển khai có hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững
Hà Nội gặp mặt, tri ân người có công tham gia giải phóng Thủ đô
Hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em bị ảnh hưởng do bão lũ tại miền Bắc
Vũng Liêm tích cực giải bài toán giảm nghèo bền vững
Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân Mỏ Cày Bắc giảm nghèo bền vững
Chương trình của Vinamilk hỗ trợ hơn 6 tỷ đồng cho học sinh, sinh viên vùng bão lũ qua Trung ương đoàn
Đề nghị trẻ em không có giấy tờ tùy thân cũng được cấp thẻ BHYT
TPHCM: Long trọng tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2024”
BHXH TPHCM chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 10, qua tài khoản từ ngày 1/10