Ông Hà Phước Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM phát biểu tại hội thảo
Theo ông Hà Phước Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM, Luật BHYT là luật hết sức quan trọng để chăm sóc sức khỏe của người dân thành phố và cả nước tốt hơn. Do đó, ông Thắng mong muốn các đại biểu tích cực đóng góp ý kiến để Đoàn ĐBQH TPHCM báo cáo về Ủy ban thường vụ Quốc hội, góp ý khi quyết định thông qua trong kỳ họp Quốc hội sắp tới.
Phát biểu tại hội thảo, luật sư Trương Thị Hòa đóng góp 7 ý kiến về vấn đề xây dựng luật một cách chặt chẽ. Trong đó, bà nhấn mạnh đến việc sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 8 của Luật BHYT.
Theo luật sư Trương Thị Hòa, tại Điểm c Khoản 3 Điều 8 quy định việc “lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em thực hiện đồng thời với việc cấp giấy khai sinh” là hợp lý. Tuy nhiên, với những trẻ không có giấy khai sinh thì sao?
Luật sư Trương Thị Hòa góp ý: “Đề nghị bổ sung thêm trường hợp trẻ em vì hoàn cảnh gì đó mà không được làm giấy khai sinh, không có giấy tờ tùy thân cũng được cấp thẻ BHYT dành cho trẻ em”.
Luật sư Trương Thị Hòa phát biểu tại hội thảo
Bà Đỗ Thu Hà, Trưởng phòng Giám định BHYT 1 BHXH TPHCM, cũng đồng tình với ý kiến trên.
Theo bà Hà, hiện việc cấp thẻ BHYT đồng bộ với giấy khai sinh đã được thực hiện, chỉ cần trẻ em có quốc tịch Việt Nam là được hưởng ngay BHYT miễn phí dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Tuy nhiên, với trẻ em có quốc tịch nước ngoài hoặc không có quốc tịch thì không được hưởng chế độ này.
Theo bà Hà, có trẻ bố mẹ đi làm việc ở nước ngoài rồi đem con về mà không có giấy tờ gì. Đứa trẻ được đưa cho ông bà chăm sóc, đến khi mắc bệnh, đi viện mới biết là không có BHYT. Thậm chí có trường hợp do đứa trẻ mắc bệnh hiểm nghèo, chi phí điều trị cao mà không cách nào làm được giấy khai sinh, không có thẻ BHYT, dẫn đến việc người thân có hành động gian dối, mượn thẻ BHYT của trẻ khác để nhập viện. Đến khi bị phát hiện, cơ quan BHXH phải thu hồi viện phí lên đến cả tỷ đồng. Theo đó bà Hà, đề nghị ban soạn thảo luật điều chỉnh trường hợp này.
Bác sĩ Lê Thái Bình Khang, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cũng khẳng định tại bệnh viện từng tiếp nhận những ca bệnh như trên. "Khi những bé này nhập viện mà không có giấy tờ gì, cũng không làm được thẻ BHYT nên không được hưởng quyền lợi chi trả 100% chi phí điều trị BHYT như những đứa trẻ khác", Bác sĩ Khang chia sẻ. Đồng thời, ông đề nghị khi xây dựng dự án Luật BHYT sửa đổi nên xem xét trường hợp này vì “đứa bé đâu có lỗi gì khi được sinh ra”.
Các đại biểu tham gia ý kiến
Tham gia ý kiến, bác sĩ Nguyễn Lê Nhật Khánh, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, đề nghị bổ sung thêm vào Luật BHYT trường hợp chuyển tuyến đến cơ sở y tế cùng cấp. Bởi hiện nay chỉ có chuyển lên tuyến trên, xuống tuyến dưới mà không cho chuyển ngang cùng cấp.
Trong khi đó, nhiều lúc có loại bệnh chữa được nhưng trong một thời điểm thì bệnh viện thiếu thuốc, thiếu vật tư hay quá tải, chỉ cần chuyển bệnh nhân sang bệnh viện cùng tuyến cũng chữa được, không cần phải chuyển lên tuyến trên.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu còn đóng góp nhiều ý kiến để Luật BHYT sửa đổi phù hợp với tình hình khám chữa bệnh thực tế như: bổ sung thanh toán BHYT cho các dụng cụ hỗ trợ người khuyết tật như tay chân giả, răng, kính mắt, phương tiện trợ thích, nạng, xe lăn... hay cần bổ sung trường hợp bác sĩ đến trực tiếp cơ sở bảo trợ xã hội để khám chữa bệnh cũng được thanh toán BHYT. Bởi thực tế tại các cơ sở nuôi dưỡng người tâm thần, trẻ bại não, người có HIV thì việc đưa họ đến bệnh viện điều trị rất khó khăn.
Trương Đăng