Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Trung tâm chăm sóc sức khoẻ người có công Thanh Hóa: Phục vụ người có công trong môi trường xanh - sạch - đẹp
11:29 AM 29/09/2020
(LĐXH) Với sự chăm sóc tận tâm, chu đáo của cán bộ nhân viên Trung tâm trong một môi trường sạch đẹp, trong lành, đến nay Trung tâm chăm sóc sức khoẻ Người có công Thanh Hóa đã trở thành ngôi nhà thân quen, ấm áp nghĩa tình đối với các thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và cả nước.
Trung tâm chăm sóc sức khoẻ Người có công Thanh Hóa tọa lạc tại số 42 đường Thanh niên, phường Bắc Sơn, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa được thành lập trên cơ sở tách Khoa Điều dưỡng Người có công thuộc Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng (nay là Trung tâm điều dưỡng Người có công). Hiện Trung tâm có 35 cán bộ, nhân viên với 04 phòng khoa chuyên môn có chức năng, nhiệm vụ: Tiếp nhận, chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng cho đối tượng người có công với cách mạng trên địa bàn trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa theo kế hoạch được giao hàng năm; Tổ chức các hoạt động dịch vụ phù hợp với điều kiện, khả năng của đơn vị và đúng với quy định của pháp luật, nhằm khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị và lợi thế của Trung tâm, tạo thêm nguồn thu để nâng cao chất lượng chăm sóc người có công đến điều dưỡng tại Trung tâm; đồng thời tăng thêm thu nhập cho người lao động.
Một buổi sinh hoạt văn nghệ của người có công tại
Trung tâm Chăm sóc sức khỏe người có công Thanh Hóa
Với đặc điểm là tỉnh có số lượng người có công với cách mạng lớn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa luôn xác định công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng là trách nhiệm lớn lao, thể hiện tình cảm, đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản kịp thời triển khai thực hiện tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công, trong đó chính sách điều dưỡng, phục hồi sức khỏe đối với người có công luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm, đáp ứng nhu cầu của người có công trong và ngoài tỉnh.
Người có công tập bóng chuyền
Căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ chính trị được giao, ngay từ đầu năm Trung tâm đã tổ chức quán triệt các văn bản của cấp trên, xây dựng các chương trình, kế hoạch, phát động các phong trào thi đua “Phấn đầu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”, “Xây dựng cơ quan xanh, sạch, đẹp”, tạo môi trường sống thân thiện, văn minh nhằm phục vụ tốt người có công với cách mạng.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch chi tiết về thời gian đón người có công về điều dưỡng tập trung tại đơn vị trình lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt và chủ động phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố triển khai kế hoạch điều dưỡng tập trung.
Năm 2019, Trung tâm đã tổ chức điều dưỡng 3.919 người (vượt chỉ tiêu được giao 102%, tăng 258 người có công so với năm 2018). Trong đó: người có công trong tỉnh: 3.717 người; người có công tỉnh Sơn La: 202 người.
Một góc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe người có công Thanh Hóa
Trong công tác điều dưỡng, Trung tâm đã xây dựng chương trình hoạt động của một kỳ điều dưỡng với nhiều nội dung phong phú, đa dạng gồm: Đón tiếp, gặp mặt, kiểm tra và tư vấn sức khoẻ, tập phục hồi chức năng, thăm quan, nói chuyện thời sự, xem phim tư liệu, đọc sách báo, vui chơi thể thao, giao lưu văn nghệ. Ngay sau khi tiếp nhận người có công đến điều dưỡng, bộ phận lễ tân, nhà phòng sắp xếp phòng nghỉ, cấp phát vật dụng cá nhân, tổ chức họp gặp mặt phổ biến công khai chế độ của người có công được hưởng trong kỳ điều dưỡng. 
Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho người có công luôn được Trung tâm chú trọng. Ngay sau khi tiếp nhận người có công đến điều dưỡng, bộ phận y tế của Trung tâm tiến hành kiểm tra, khám sức khỏe, qua đó có kế hoạch theo dõi, chăm sóc và tư vấn, hướng dẫn cho người có công các chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, phù hợp với thể trạng của từng người. Hàng ngày, cán bộ y tế theo dõi tình trạng sức khỏe, cấp thuốc chữa bệnh thông thường (huyết áp, đau đầu, cảm cúm, viêm họng, đau bụng, thuốc say xe...); hướng dẫn tập máy phục hồi chức năng; tổ chức đưa đón, bàn giao người có công về điều dưỡng đảm bảo đầy đủ số lượng, an toàn tuyệt đối trên đường đi.
Cơ sở vật chất, thiết bị của Trung tâm được cải tạo, sửa chữa ngày ngày càng khang trang, sạch đẹp
Trung tâm đóng trên địa bàn thành phố du lịch giá cả thực phẩm có nhiều biến động nhưng cán bộ, nhân viên làm công tác dinh dưỡng luôn phát huy tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, tích cực khai thác nguồn lương thực, thực phẩm đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp, xây dựng chế độ ăn hợp lý, phù hợp với độ tuổi, từng loại bệnh lý của các đối tượng, vừa đầy đủ chất dinh dưỡng vừa hợp khẩu vị từng vùng miền. Thực đơn mỗi ngày được xây dựng đa dạng, thay đổi thường xuyên, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với những người có công phải ăn kiêng đều được Trung tâm bố trí, lựa chọn những thực phẩm thay thế phù hợp để đảm bảo sức khỏe.
Song song với chăm sóc về vật chất và sức khỏe, Trung tâm rất quan tâm đến các hoạt động về tinh thần như: Tổ chức giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao giữa cán bộ, nhân viên Trung tâm và người có công về điều dưỡng, tổ chức phổ biến về chế độ, chính sách đối với người có công, tổ chức thăm quan các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử tại nhiều địa phương trên cả nước như: Thăm quê Bác (tỉnh Nghệ An); Nhà Thờ đá Phát Diệm (tỉnh Ninh Bình); Khu Di tích lịch sử Lam Kinh - Thọ Xuân; Đền thờ các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sỹ; Suối cá Thần Cẩm Lương - Cẩm Thủy; Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng - Thành phố Thanh Hóa; Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa... Bằng những công việc cụ thể hằng ngày, đơn vị luôn mong muốn mang lại cho những người có công đến điều dưỡng tại Trung tâm những giây phút đáng nhớ, ấm áp  tình người, tình đồng đội, làm sống lại những kỉ niệm một thời oanh liệt nơi chiến trường.
Theo ông Trịnh Hữu Công, Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khoẻ người có công Thanh Hóa, Trung tâm có tổng diện tích 1.201m2 trong đó diện tích xây dựng 694m2. Hiện nay, cơ sở vật chất của đơn vị gồm: Nhà A1 3 tầng đưa vào sử dụng năm 2003; Nhà A2 2 tầng đưa vào sử dụng từ năm 1997; Nhà A3 6 tầng được đưa vào sử dụng từ năm 1997 với 43 phòng nghỉ điều dưỡng với diện tích 15 m2 /phòng, mỗi phòng có 03 giường và phòng vệ sinh khép kín. Tại Trung tâm còn có các phòng họp và sinh hoạt tập thể, phòng ăn, phòng tập đa năng, phòng đọc, phòng giặt là và sân chơi thể thao, đáp ứng tốt việc phục vụ 130 người/đợt điều dưỡng.. Toàn bộ hạ tầng kỹ thuật, các hạng mục công trình phụ hỗ trợ như cổng, tường rào, nhà trực bảo vệ, nhà kho đều được xây dựng từ năm 1997.
Cơ sở vật chất, nhà cửa của Trung tâm đã được xây dựng hơn 25 năm đều đã xuống cấp, việc cải tạo sửa chữa không đồng bộ, hệ thống nước sinh hoạt, điện ngầm thường xuyên gặp sự cố, công tác khắc phục, sửa chữa gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến chất lượng công tác điều dưỡng. Những năm gần đây được sự quan tâm đầu tư kinh phí cải tạo sửa chữa, mua sắm các trang thiết bị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay cơ sở vật chất, trang thiết bị của Trung tâm đã từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại, trong đó hệ thống điện, nước được nâng cấp, thay mới đã góp phần giúp Trung tâm khắc phục những khó khăn trong công tác điều dưỡng. Các phòng tập đa năng, phòng làm việc và phòng nghỉ điều dưỡng được bố trí hợp lý với các trang thiết bị tiện nghi. Các trang thiết bị hỗ trợ, nâng cao sức khoẻ như: Ghế massage toàn thân, máy điện châm, máy điện phân, điện sung, máy laser châm cứu, máy chạy, máy đa năng, máy tập cơ, máy massage cầm tay, xe đạp... cũng được quan tâm đầu tư để phục vụ tốt nhất cho người có công đến điều dưỡng tại Trung tâm.
 Công tác cải thiện môi trường, xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp cũng được lãnh đạo Trung tâm rất coi trọng. Giám đốc Trung tâm thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở đội ngũ cán bộ, nhân viên nâng cao nhận thức cũng như ý thức trong việc bảo vệ, chăm sóc môi trường, cảnh quan của Trung tâm. Việc tổ chức dọn vệ sinh, trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường trong lành, thoáng đãng... đã trở thành việc làm thường xuyên trong toàn đơn vị. Từng khu sinh hoạt, gồm: nhà bếp, phòng ăn, khu vệ sinh, phòng sinh hoạt chung, phòng điều dưỡng, phòng nghỉ... đều được bố trí khoa học, duy trì sạch sẽ và ngăn nắp. Trong khuôn viên Trung tâm được bố trí nhiều cây xanh và đặt các ghế đá để đối tượng ngồi hóng mát, chơi cờ tướng. Tại khu vực hành lang các tầng, hội trường được bố trí cây xanh hợp lý để tạo cảnh quan thoáng mát, văn minh.
Hàng ngày, nhân viên được phân công phụ trách dọn dẹp vệ sinh phòng nghỉ sạch sẽ, thay giặt chăn, màn, ga, gối thường xuyên và bổ sung kịp thời các đồ dùng vệ sinh cá nhân phục vụ sinh hoạt hàng ngày của các đối tượng chính sách người có công… Tinh thần thái độ phục vụ tận tình, chu đáo, được nhiều người có công khen ngợi, đánh giá cao.
Trung tâm đã đầu tư hệ thống cấp nước ngầm đạt chuẩn và được kiểm tra, đánh giá, xét nghiệm định kỳ. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng xây dựng hệ thống xử lý nước thải, tổ chức thu gom chất thải rắn đảm bảo yêu cầu tốt nhất về bảo đảm vệ sinh môi trường và đã được Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Sầm Sơn cấp giấy chứng nhận.
Năm 2020, Trung tâm dự kiến tổ chức điều dưỡng cho 4.500 đối tượng người có công đảm bảo an toàn tuyệt đối, vui vẻ về tinh thần, sức khỏe được cải thiện; Tiếp tục đổi mới các nội dung hoạt động trong kỳ điều dưỡng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác phục vụ, chăm sóc, ăn uống; đảm bảo các điều kiện về điện, nước, đồ dùng sinh hoạt... để phục vụ tốt công tác điều dưỡng. Lãnh đạo Trung tâm thường xuyên kiểm tra để bảo đảm thực hiện tốt khâu vệ sinh an toàn thực phẩm; công tác lễ tân đón tiếp, hướng dẫn sử dụng thiết bị; theo dõi tình trạng sức khỏe và giải quyết điều trị kịp thời những bệnh thông thường của người có công trong thời gian điều dưỡng cũng như xử lý cấp cứu đối với những trường hợp ốm đau đột xuất. Cán bộ, viên chức, người lao động nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động với nhiệm vụ được giao.
Trải qua hơn 10 năm trưởng thành và phát triển, từ chỗ cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, một bộ phận cán bộ viên chức, người lao động chưa quen với công tác phục vụ đối tượng người có công nên gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, nhưng với lòng biết ơn, sự trân trọng đối những người có công đã cống hiến một phần xương máu của mình cho Tổ quốc, tập thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức, người lao động Trung tâm Chăm sóc sức khỏe người có công Thanh Hóa đã từng bước khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đến nay quy mô tổ chức điều dưỡng của Trung tâm đã nâng lên từ 4.500 - 5.000 đối tượng/năm. Trung tâm đã trở thành ngôi nhà thân quen, ấm áp nghĩa tình đối với các thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng. Sự chăm sóc tận tâm, chu đáo của cán bộ, nhân viên Trung tâm đã lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với người có công. Kết thúc các đợt điều dưỡng Trung tâm luôn nhận được những phản hồi tích cực từ người có công như chương trình hoạt động đa dạng, chế độ chăm sóc sức khỏe tốt, chế độ ăn uống và khẩu vị phù hợp, phòng nghỉ thoáng mát, sạch sẽ, đặc biệt là thái độ phục vụ từ lãnh đạo đến nhân viên Trung tâm luôn nhiệt tình, vui vẻ, tận tâm với công việc.
Thảo Lan
 

 

 

 

 

TAG:
Tin khác
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Bình: Tấm lòng vàng trong công tác bảo tồn di sản và hoạt động từ thiện
Quảng Trị: Ước tính đến hết năm 2024, hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 1.595 nhà ở cho hộ nghèo tại huyện nghèo
Lạng Sơn: Đẩy mạnh hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo
Lạng Sơn: Hỗ trợ cải thiện dinh dưỡng, giúp giảm nghèo bền vững
Huyện Lộc Hà: Thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo
Huyện Bắc Sơn: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn Chương trình giảm nghèo
Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam gặp mặt các nhà tài trợ đồng hành cùng trẻ em khó khăn
Phú Thọ đẩy nhanh tiến độ thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ
Hà Tĩnh: Chú trọng công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024