Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tầm thấp (low-altitude economy), các ngành liên quan đang trở nên khát nhân lực, đặc biệt là trong các lĩnh vực như phi công, kỹ sư điều khiển bay, và nghiên cứu phát triển thiết bị bay. Trước nhu cầu cấp thiết này, nhiều trường đại học ở Trung Quốc đại lục và Hong Kong đang ráo riết lên kế hoạch mở các chuyên ngành đào tạo mới, trong bối cảnh hiện tại, riêng nhu cầu nhân lực cho vị trí người điều khiển máy bay không người lái (drone) đã lên tới hàng triệu người.
Theo tổng hợp từ trang tin China Youth Net và các phương tiện truyền thông Trung Quốc gần đây, Bộ Giáo dục Trung Quốc tháng trước đã công bố danh sách 6 trường đại học được phê duyệt thành lập thêm khoa mới có tên "Công nghệ và Kỹ thuật Tầm thấp" bao gồm các trường đại học danh tiếng như Đại học Hàng không và Vũ trụ Bắc Kinh (Beihang University), Đại học Công nghệ Bắc Kinh (Beijing Institute of Technology), Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh (Beijing University of Posts and Telecommunications), Đại học Hàng không và Vũ trụ Nam Kinh (Nanjing University of Aeronautics and Astronautics), Đại học Công nghệ Hoa Nam (South China University of Technology) và Đại học Bách khoa Tây Bắc (Northwestern Polytechnical University).
Gần đây, Trung Quốc đại lục đã đưa ra nhiều cam kết phát triển kinh tế tầm thấp. (Ảnh: Tân Hoa Xã).
Ông Vương Thượng Quảng, Viện trưởng Học viện Khoa học Máy tính, Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh, nhận định, kinh tế tầm thấp có tiềm năng trở thành một ngành học "hot" trong tương lai gần. Ông đặc biệt nhấn mạnh: "Sự phát triển của công nghệ máy bay không người lái thông minh thế hệ mới đang tạo ra nhu cầu cấp bách về nhân tài trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI) về nhận thức và ra quyết định điều khiển, thăm dò và kiểm soát thông minh, thông tin liên lạc tầng không thấp, giao thông tầng không thấp và quy hoạch chỉ huy".
Ông La Hán Khanh, một phi công trực thăng tại Thâm Quyến, cho biết, công ty hiện có khoảng 130-140 phi công. Sau khi nghiệp vụ, hoạt động kinh doanh bay ở tầng không thấp được triển khai, số lượng chuyến bay tăng lên đáng kể, công ty đã bắt đầu tăng cường tuyển dụng và đào tạo kỹ năng cho nhân viên.
Ông Dương Kim Tài, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Máy bay Không người lái Thâm Quyến, thẳng thắn thừa nhận, nhu cầu về người điều khiển máy bay không người lái trong các ngành như bảo vệ thực vật nông lâm, tuần tra, đo đạc bản đồ, khí tượng, bảo vệ môi trường, ứng phó khẩn cấp... là rất lớn. Trong tương lai, nhu cầu nhân sự ngành điều khiển máy bay hàng không cất hạ cánh thẳng đứng bằng điện (eVTOL) cũng sẽ vô cùng lớn.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tầm thấp đang tạo ra cơ hội việc làm lớn và thúc đẩy các trường đại học nhanh chóng thích ứng, mở rộng đào tạo nhân lực để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động mới nổi này.
Lê Nguyên