Đồng thời, xây dựng chiến lược phát triển nhà trường, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên theo định hướng tiên tiến cấp khu vực và thế giới. Theo đó, công tác giáo dục nghề nghiệp của thành phố trong năm 2019 đã có nhiều kết quả nổi bật, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị, chỉ tiêu đề ra.
Đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm
Ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở LĐTBXH TP.HCM cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 567 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Trong đó, có 52 trường Cao đẳng (CĐ), 65 trường Trung cấp (TC) và 86 Trung tâm GDNN. Được sự ủng hộ của Thành ủy, UBND thành phố, trong năm 2019 ngành LĐTBXH thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển nhà trường kết hợp đầu tư xây dựng các dự án cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học. Mở rộng các chương trình hợp tác quốc tế đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo viên theo định hướng tiên tiến cấp khu vực và thế giới. Trong đó, các trường chất lượng cao và trường có nghề trọng điểm được thành phố ưu tiên đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm và tiếp cận với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và thực tế sản xuất của các doanh nghiệp.
Nhằm đẩy mạnh công tác tuyển sinh, Sở LĐTBXH đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của thành phố tập trung tuyên truyền về GDNN đến với học sinh từ các trường trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) và cộng đồng xã hội trên địa bàn và các tỉnh thành trên cả nước.
Để công tác tuyển sinh của các cơ sở GDNN trên địa bàn đạt kết quả tốt, năm 2019 Sở LĐTBXH TP.HCM đã phối hợp cùng Thành Đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố tổ chức Ngày Hội tuyển sinh GDNN tại Nhà văn hóa Thanh Niên. Tại ngày hội có lồng ghép nhiều buổi tọa đàm với chủ đề “Thực trạng và giải pháp công tác tuyển sinh trên địa bàn thành phố”. Qua đó, các cơ sở GDNN tìm ra được các giải pháp, mô hình tuyển sinh có hiệu quả. Đặc biệt, từ các hội thảo này đã đẩy mạnh công tác tuyển sinh ở các trường CĐ, TC trong giai đoạn hiện nay. Song song với việc tổ chức ngày hội tuyển sinh, trong năm qua Sở LĐTBXH thành phố còn phối hợp với Đài tiếng nói Nhân dân thành phố (VOH) phát sóng định kỳ các phóng sự về định hướng nghề nghiệp, giới thiệu ngành nghề, công tác tổ chức đào tạo của cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố; tuyên truyền công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn,…. Từ những hoạt động thiết thực trên đã góp phần tích cực đến công tác tuyển sinh và đào tạo tại các cơ sở GDNN trong năm qua. Với quyết tâm và nỗ lực của toàn ngành LĐTBXH thành phố, công tác tuyển sinh tại các cơ sở đào tạo GDNN trên địa bàn trong năm 2019 đã vượt chỉ tiêu đề ra, đạt 110,53%. Về chất lượng đào tạo, nhất là hệ đào tạo chính quy trình độ CĐ, TC đã được các doanh nghiệp chấp nhận, một số nghề thuộc lĩnh vực y tế như: Điều dưỡng - Dược sỹ - Y sỹ trình độ CĐ-TC được các cơ sở y tế công lập quan tâm tuyển dụng và đánh giá cao.
Theo thống kê, sinh viên tốt nghiệp tại các trường CĐ trên địa bàn TP.HCM có tỷ lệ tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo đạt rất cao, khoảng 81%. Khối các trường TC bình quân, có gần 80% học sinh tốt nghiệp tìm được việc ngay khi tốt nghiệp. Nổi bật có Trường CĐ Kinh tế Cao Thắng, Cao đẳng nghề TPHCM, Trường CĐ Lý Tự Trọng, Trường CĐ Kinh tế- Công nghệ TP.HCM hay Trường TC Bình Thạnh, Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương TC Kinh tế - Kỹ thuật Quận 12, TC Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh, TC Kỹ thuật - Kinh tế Sài Gòn 3, TC nghề Kỹ thuật - Nghiệp vụ Tôn Đức Thắng, TC nghề tư thục Quản lý khách sạn Việt Úc có tỷ lệ sinh viên, học sinh sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm đạt 100%.
Sinh viên Trường Cao đẳng nghề TPHCM trong giờ học thực hành nghề cơ khí chế tạo
Được biết, hiện số lao động đang làm việc đã qua đào tạo trong năm 2019 trên địa bàn thành phố là 3.906.818/4.607.2312 (đạt gần 85%). Tỷ lệ lao động qua đào tạo làm việc trong lĩnh vực công nghệ, dịch vụ cao và trong các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ trọng điểm của thành phố đạt gần 85%, tương đương 3.303.645 lao động việc làm. Riêng trong năm 2019, các các cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố đã đào tạo và cung cấp cho thị trường lao động 247.3366 người.
Bên cạnh đào tạo các ngành nghề trọng yếu, các cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố trong năm qua còn đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, tập trung đào tạo các mô hình như: Kỹ thuật chăn nuôi bò sữa, trồng hoa lan, cây cảnh; trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap,… qua đó đã giúp nhiều lao động nông thôn nắm vững và ứng dụng kiến thức khoa học vào thực tế phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng chăm sóc hoa lan, cây cảnh, canh tác cho năng suất cao. Tính đến ngày 31/12/2019, thành phố đã đào tạo được 11.333/chỉ tiêu 10.500 lao động nông thôn, đạt 107,9%. Trong đó, có 4.148 người học nghề nông nghiệp, 7.148 người học nghề phi nông nghiệp.
Cùng với công tác tuyển sinh đào tạo, thành phố còn tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng phát triển đội ngũ cán bộ nhà giáo. Hiện nay, tổng số nhà giáo trong khối GDNN trên địa bàn là 12.786 người, trong đó 100% cán bộ quản lý, nhà giáo đạt chuẩn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm; 68,8% cán bộ quản lý, nhà giáo đạt chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế,… Trong năm có tổng số 10.271 nhà giáo được đánh giá, xếp hạng chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của Bộ LĐTBXH.
Trong năm 2019, công tác xây dựng, phát triển cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật dạy học được ngành LĐTBXH thành phố đặc biệt quan tâm đầu tư và đạt được nhiều kết quả khả quan. Nhiều dự án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020; dự án nghề trọng điểm, dự án mua sắm trang thiết bị dạy nghề và phát triển ngành nghề tại các cơ sở GDNN đã được đầu tư bài bản, khang trang,sạch đẹp. Theo đó, góp phần từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, rút ngằn khoảng cách giữa đào tạo và thực tế sản xuất trên thị trường lao động, nên đã thu hút hiệu quả người học trong thời gian qua.
Giáo viên Trường Cao đẳng nghề TPHCM trong giờ dạy thực hành cho các sinh viên nghề Điện - điện lạnh
Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác GDNN trên địa bàn TP.HCM thời gian qua vẫn còn những hạn chế, tồn tại cả về khách quan lẫn chủ quan. Trong đó, tâm lý xã hội vẫn còn coi trọng bằng cấp; công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp chưa thực hiện hiệu quả. Công tác tuyển sinh đại học còn nhiều thay đổi, điểm chuẩn đầu vào thấp, làm tăng tính cạnh tranh giữa giáo dục đại học và GDNN. Ngoài ra, một số cơ sở GDNN có cơ sở vật chất còn lạc hậu so với yêu cầu của người học. Công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, GDNN trên địa bàn chưa hợp lý; việc giao đất, cấp đất để các cơ sở GDNN phát triển còn hạn chế… Để khắc phục những khó khăn và hạn chế nêu trên, ông Tấn cho biết, trong năm 2020 thành phố tiếp tục đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm như:
Tuyển sinh các cấp đào tạo đạt 461.000 người; Tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt 6.415 lượt lao động. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của thành phố đến cuối 2020 đạt 86%. Để thực hiện được mục tiêu, chỉ tiêu trên ngành LĐTBXH thành phố tập trung thực hiện các giải pháp: Công tác giáo dục nghề nghiệp phải gắn với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng việc đầu tư cơ sở vật chất – phương tiện kỹ thuật dạy học hiện đại, chuyển giao chương trình đào tạo tiên tiến của các nước trong khu vực và thế giới; đáp ứng yêu cầu đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường. Nâng cao uy tín của các cơ sở GDNN với xã hội; thực hiện hiệu quả chủ trương phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS và THPT. Hoàn thành tốt công tác đánh giá, tiến tới việc kiểm định chất lượng đào tạo tại các cơ sở GDNN, đặc biệt là các cơ sở chưa được lựa chọn là trường chất lượng cao, trường nghề trọng điểm. Quy hoạch và sắp xếp hợp lý mạng lưới các cơ sở GDNN trên địa bàn; Nâng cao chất lượng đào tạo và gắn đào tạo với giải quyết việc làm.
Đăng Hải