Tìm lời giải cho nguồn thu báo chí trong bối cảnh kinh tế số
(LĐXH)- Hiện nay, các nền tảng mạng xã hội đã lấy đi khoảng 70% doanh thu của báo chí chính thống.
Ngày 14/6/2024 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Hội thảo “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”.
Dự Hội thảo có ông Lê Quốc Minh – Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; các Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Nguyễn Huy Dũng, Nguyễn Thanh Lâm; các đại biểu, chuyên gia đến từ nhiều cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trực tiếp tới hoạt động báo chí truyền thông; lãnh đạo của các cơ quan báo chí truyền thông Trung ương và địa phương toàn quốc.
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động thường niên mang tên “Diễn đàn báo chí tháng Sáu” do Tạp chí Thông tin và Truyền thông, Báo Vietnamnet (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) đồng chủ trì tổ chức.Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng phát biểu khai mại Hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, thống kê cho thấy doanh thu của các báo, tạp chí trong 9 tháng đầu năm 2023 đã giảm 10% so với cùng kỳ 2022. Hầu hết các đài truyền hình đều không khai thác được hết thời lượng quảng cáo trong 1 ngày trên kênh, chương trình theo quy định cho phép của Luật Quảng cáo.
Theo Thứ trưởng, báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình đều dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Có lúc, doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí, đối với một số cơ quan báo chí là trên 90%. Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan báo chí đang phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội đã lấy đi khoảng 70% doanh thu của báo chí chính thống.
PGS, TS Bùi Chí Chung - Phó Viện trưởng Viện Đào Tạo báo chí và truyền thông đặt vấn đề, làm thế nào để báo chí vẫn giữ được tôn chỉ, mục đích, làm tròn trách nhiệm của cơ quan thông tin đại chúng, có tính chất định hướng về chính sách của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân nhưng vẫn phải có được nguồn thu để tái sản xuất, đầu tư và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả, đó là một bài toán khó giải quyết trong một sáng một chiều?
Doanh thu từ phát hành báo in giảm chưa từng có trong lịch sử phát hành báo của Việt Nam. Doanh thu từ quảng cáo cũng gặp không ít khó khăn khi phải cạnh tranh với các nền tảng mạng xã hội mới xuất hiện. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các cơ quan báo chí.
PGS, TS Bùi Chí Chung chia sẻ, có nhiều ý kiến cho rằng, tác phẩm báo chí là một loại hàng hóa đặc biệt, không chỉ theo quy luật cung - cầu như các hàng hóa khác mà nội dung lại phục vụ cho công tác tư tưởng, cung cấp thông tin chính sách, tuyên truyền. Vì thế, cần thúc đẩy hơn nữa sự hỗ trợ của Nhà nước, trong đó có chính sách thuế và các cơ chế ưu đãi bám sát với thực tiễn thị trường, để cơ quan báo chí có thể tập trung tốt nhất việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình.
Để báo chí vừa làm tốt chức năng tuyên truyền, lại vừa thực hiện được chức năng kinh tế của mình, rất cần thúc đẩy các quy định mới về các sản phẩm báo chí đặt hàng. Cần quy định rõ hơn nội dung nào được coi là hàng hóa và đâu là sản phẩm tuyên truyền, cần phân định rạch ròi ranh giới giữa tuyên truyền và làm kinh tế, tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan báo chí hoạt động.Ông Lê Quốc Minh trình bày tham luận
Theo ông Lê Quốc Minh: “Mỗi cơ quan báo chí cần tìm ra phân khúc, phần sức mạnh của mình, để tạo ra mô hình kinh doanh phù hợp. Nhìn chung không có mô hình kinh doanh nào là đúng với tất cả mọi cơ quan báo chí, nhưng nếu biết tận dụng cái phân khúc của mình thì sẽ rất hiệu quả. Báo chí nên quay trở lại với bản chất ban đầu đó là phải xây dựng mối quan hệ trực tiếp với độc giả, phải gắn bó với họ, phải hiểu họ là ai để đưa ra những nội dung phù hợp”.
“Diễn đàn báo chí tháng Sáu” lần thứ ba (năm 2024) là Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số” được tổ chức trong 1 ngày làm việc, với 3 phiên họp, thảo luận tập trung vào các nội dung: Nhận diện bức tranh kinh tế báo chí báo chí Việt Nam; Đổi mới cơ chế quản lý để phát triển kinh tế báo chí truyền thông số; Bài toán kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam, những gợi mở và kết nối ý tưởng.
Hội thảo đã nhận được hơn 50 tham luận của các học giả hàng đầu về kinh tế và báo chí, truyền thông đến từ Việt Nam và nhiều nước trên thế giới như Đức, Áo, Trung Quốc, Thái Lan, Malaisia…, chuyên gia đến từ các tập đoàn Google, Viettel, VieOn, Le Bross…
Các tham luận và ý kiến đã tiếp cận phong phú theo nhiều góc độ, nhiều chiều cạnh về vấn đề kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh kinh tế số. Trong đó làm rõ những thành công, hạn chế, những vấn đề bất cập trong kinh tế báo chí tại Việt Nam; những mô hình, ý tưởng, cơ chế phát triển kinh tế báo chí, đúc kết từ những bài học kinh nghiệm quốc tế và những bước tiến mới tại Việt Nam; phân tích về những dự báo, vấn đề cần quan tâm chú trọng trong hoạt động kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh phát triển kinh tế số trong thời gian tới; sự đồng hành của hệ thống cơ sở đào tạo báo chí truyền thông trong lĩnh vực kinh tế báo chí nói riêng cũng như trong sự phát triển bền vững lâu dài của báo chí Việt Nam./.
Hồng Anh