Tiền Giang: Tập trung thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo
Giảm nghèo bền vững là thành tích nổi bật của Đảng bộ tỉnh Tiền Giang trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, được Trung ương đánh giá cao. Hiện nay, Tiền Giang không còn hộ thiếu đói, tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm theo từng năm, an sinh xã hội được đảm bảo.
Sự chỉ đạo đúng hướng, quyết liệt của Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ qua đã đưa Tiền Giang hoàn thành đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội do Nghị quyết Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Điều đặc biệt quan trọng là trong quá trình đầu tư phát triển kinh tế, tỉnh đã thực hiện đồng hành với đảm bảo an sinh xã hội.
Cùng với những chính sách hỗ trợ của trung ương, tỉnh Tiền Giang đã tuyên truyền vận động, huy động các nguồn lực cho công tác giảm nghèo
Với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau, nhiệm kỳ qua Đảng bộ tỉnh Tiền Giang đã quan tâm đầu tư lớn cho công tác giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trên 3.250 tỷ đồng, ngân sách trung ương bố trí để thực hiện các dự án Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 hơn 211 tỷ đồng.
Nguồn vốn tín dụng chính sách của Trung ương và địa phương đến cuối tháng 11-2019 là hơn 2.462 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn đến tháng 2-2020 đạt gần 175 tỷ đồng. Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên quan tâm tuyên truyền vận động các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và người dân ủng hộ đóng góp nguồn lực cho công tác giảm nghèo đã huy động được gần 463 tỷ đồng.
Tại Tiền Giang, các chính sách giảm nghèo đã đến đầy đủ với đối tượng thụ hưởng. Trong đó, với chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và cận nghèo, giai đoạn 2016 - 2020, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân cho vay 12 chương trình với tổng số tiền hơn 2.423 tỷ đồng cho 120.274 hộ vay. Vốn cho vay được các đối tượng sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, người nghèo tiếp cận thuận lợi, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập.
Từ năm 2016 đến năm 2019, thực hiện chính sách hỗ trợ về y tế cho hộ nghèo, tỉnh đã chi gần 184,6 tỷ đồng mua và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hơn 822.600 người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn ven biển và xã đảo của tỉnh, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã miễn giảm học phí cho hơn 27.000 học sinh là con, em hộ nghèo và trợ cấp hơn 3,5 tỷ đồng cho gần 16.300 học sinh là con, em hộ nghèo. Đồng thời, cấp trên 50,5 tỷ đồng hỗ trợ giá điện cho 86.000 hộ nghèo; đã có 1.064 hộ được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở từ nguồn ngân sách và vốn vay ưu đãi.
Song song đó, từ nguồn quỹ vận động được, Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đã chi xây dựng 3.105 căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo với tổng kinh phí gần 103 tỷ đồng… Từ những nỗ lực trên, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ 5,87% năm 2016 còn dưới 3% vào năm 2020.
Việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo thời gian qua đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các xã bãi ngang ven biển và hải đảo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận một cách tốt nhất đến các dịch vụ xã hội cơ bản.
Các chính sách, giải pháp giảm nghèo được triển khai thực hiện lồng ghép, đồng bộ và hiệu quả; giải quyết một cách cơ bản về cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, trước hết là hạ tầng thiết yếu.
Trong kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2021, Tiền Giang đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2021, giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn 1,67% so với số hộ toàn tỉnh theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Mười, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững các cấp trong tỉnh cần quán triệt sâu sắc chủ trương, chính sách, thực hiện hiệu quả kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2021 của UBND tỉnh.
Mục đích thực hiện kế hoạch này là tạo cơ hội cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ sinh kế, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững, vươn lên khá, giàu. Đi đôi với đó là đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh các xã đặc biệt khó khăn; giảm khoảng cách về thu nhập và mức sống giữa các vùng, các nhóm dân cư.
Đồng chí Nguyễn Văn Mười lưu ý: Yêu cầu đặt ra là kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo phải được các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở với nội dung, hình thức phù hợp từng địa bàn quản lý; kết hợp chặt chẽ giữa kế hoạch giảm nghèo với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn, nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình giảm nghèo năm 2021.
Thực hiện phân loại đối tượng để có các chính sách hỗ trợ phù hợp mang tính đặc thù, nhất là đối với nhóm hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng hưởng chính sách bảo trợ xã hội. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống cho hộ thuộc diện bảo trợ xã hội; các chính sách, giải pháp giảm nghèo phải được triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả. Tập trung thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo...
Đối với những hộ thiếu vốn sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt sẽ được tư vấn về chính sách vay vốn hộ nghèo để sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt; hỗ trợ vốn từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đối với những hộ có nhu cầu về việc làm thì tư vấn giới thiệu việc làm và đặc biệt quan tâm đến việc đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài... Đối với những hộ có người cao tuổi, neo đơn, không còn sức lao động: Vận động các nhà hảo tâm (doanh nghiệp, tập thể, cá nhân) cùng đóng góp, hoặc nhận phụng dưỡng trực tiếp, hỗ trợ hằng tháng để họ có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú./.
Thúy Hà
TAG: