Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Tiền Giang nỗ lực quản lý người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn
11:37 AM 14/07/2021
(LĐXH)-Trong thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã tích cực rà soát tình hình lao động nước ngoài (LĐNN) đang làm việc tại một số doanh nghiệp, tình hình đăng ký nhập cảnh của nhà quản lý, chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, kiểm tra người LĐNN nhập cảnh và làm việc tại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Chặt chẽ trong sử dụng và quản lý LĐNN
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 129 đơn vị, doanh nghiệp có sử dụng lao động người nước ngoài. Tổng số LĐNN trên địa bàn là 1.436 lao động, trong đó: tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp là 1.234 người, bên ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp là 202 người.
LĐNN đến Tiền Giang từ nhiều khu vực khác nhau với 1.401 người châu Á (trong đó: 88 người thuộc các nước Đông Nam Á), 14 người châu Âu, 09 người châu Mỹ, 08 người châu Phi, 04 châu Đại Dương. Họ đảm nhiệm nhiều vị trí công việc đa dạng, trong đó có 84 nhà quản lý, 313 giám đốc điều hành, 703 chuyên gia, 336 lao động kỹ thuật

Trong 6 tháng qua, tỉnh đã thực hiện cấp mới giấy phép lao động cho 145 người nước ngoài
Trong 06 tháng đầu năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã chấp thuận nhu cầu sử dụng LĐNN của 112 lượt doanh nghiệp với 744 người, trong đó cấp mới (gồm tuyển mới và tuyển thay thế) 325 người, gia hạn 412 người, không thuộc diện cấp giấy phép lao động 07 người. Trong số này có 31 nhà quản lý, 183 giám đốc điều hành, 389 chuyên gia, 441 lao động kỹ thuật,   không chấp thuận 02 vị trí với 03 người. Nhu cầu sử dụng LĐNN chủ yếu là do doanh nghiệp mới thành lập và một số doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực chế tác kim loại, may, giày da, tại Khu công nghiệp Long Giang, Khu công nghiệp Tân Hương.
Cũng trong 6 tháng qua, tỉnh đã thực hiện cấp mới giấy phép lao động cho 145 người nước ngoài, cấp lại và cấp gia hạn cho 152 người, 01 người không thuộc diện cấp giấy phép lao động, trong đó có 15 nhà quản lý, 83 giám đốc điều hành, 142 chuyên gia, 58 lao động kỹ thuật. Những lao động này đến từ nhiều vùng khác nhau như: Trung Quốc (143 người), vùng lãnh thổ Đài Loan (88 người), Hàn Quốc (31 người), quốc tịch khác (36 người). Số lượng được cấp phép chỉ đạt 40% so với nhu cầu đăng ký, do các doanh nghiệp đăng ký nhu cầu tập trung nhiều vào những tháng đầu năm và dự kiến các vị trí sử dụng cho cả năm 2021.
Bên cạnh đó, từ tháng 6/2020 đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chấp thuận 28 đợt nhu cầu đăng ký nhập cảnh của 274 lượt doanh nghiệp, với 1.591 lượt chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài (gọi tắt là chuyên gia). Trong đó, chuyên gia có giấy phép lao động là 616 lượt, chưa có giấy phép lao động là 934 lượt, không thuộc diện cấp giấy phép lao động là 13 lượt và 28 trường hợp sang để thăm thân nhân. Về quốc tịch hoặc vùng/lãnh thổ, chuyên gia là người Trung Quốc, Đài Loan chiếm 96%, còn lại là 18 quốc gia, vùng lãnh thổ khác.
Số lượng đăng ký nhập cảnh chủ yếu tại các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Long Giang và Khu công nghiệp Tân Hương để thực hiện các gói thầu xây dựng còn đang dang dở hoặc lắp đặt máy móc, thiết bị, kiểm tra giám sát việc vận hành máy móc, với thời gian ngắn hạn hoặc sang xử lý các sự cố kỹ thuật mà chuyên gia nước ngoài đang ở Việt Nam không xử lý được, một số ít là chuyên gia về quê ăn Tết hoặc đi công tác rồi trở về Việt Nam.
Có thể thấy, tại Tiền Giang, số lượng doanh nghiệp đăng ký nhập cảnh nhiều nhưng thực tế nhập cảnh ít hơn so với nhu cầu đăng ký. Tính đến thời điểm hiện nay chỉ có 633 chuyên gia đã nhập cảnh và về Tiền Giang (nhập cảnh đường bộ: 445 chuyên gia; nhập cảnh bằng đường hàng không: 188 chuyên gia), chiếm 39,79 % so với nhu cầu nhập cảnh được chấp thuận, trong đó lao động người Trung Quốc là nhiều nhất với 472 người.
Nguyên nhân số lượng nhập cảnh thực tế thấp hơn so với đăng ký là do công ty mẹ có sự thay đổi nhân sự khi cử sang Việt Nam (dự kiến người này đưa sang Việt Nam nhưng lại thay đổi và cử người khác sang nên tiếp tục đăng ký cho người mới này), doanh nghiệp đăng ký dự kiến cho chuyên gia về nước nghỉ phép, ăn Tết nhưng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên không về. Tại Công ty TNHH Công nghiệp Bellinturf Việt Nam, từ tháng 6/2020 đến nay đã đăng ký nhập cảnh cho 186 người (bao gồm sang lắp đặt máy móc và chuyên gia đang ở Việt Nam dự kiến về quê ăn Tết rồi sang trở lại) nhưng chỉ có 28 người nhập cảnh thực tế. Fự kiến những tháng cuối năm 2021 sẽ có 50 người đang làm việc tại Công ty sẽ về quê thăm thân và quay trở lại Việt Nam nếu như tình hình dịch Covid-19 kiểm soát tốt.
 Tại Tiền Giang, lao động nước ngoài đến làm việc với nhiều vị trí khác nhau

Khó khăn trong quản lý LĐNN
Trên thực tế, công tác quản lý và thực hiện của doanh nghiệp tại Tiền Giang cũng còn khó khăn do có nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý LĐNN đã được ban hành nhưng vẫn còn một số nội dung chưa thống nhất, đồng bộ. Cụ thể, không có quy định ràng buộc về mục đích nhập cảnh với giấy phép lao động,  không có quy định ràng buộc về mời bảo lãnh với giấy phép lao động. Đơn cử như, tại tỉnh Tiền Giang có Công ty TNHH Freeview Industrial Việt Nam (Khu công nghiệp Tân Hương) và Công ty TNHH Global Running (Cụm công nghiệp Gia Thuận) cùng chịu sự giám sát điều hành của 01 Công ty mẹ. Do Công ty TNHH Global Running đang trong quá trình thi công nhà xưởng, thiếu hụt nhân sự nên Công ty TNHH Freeview Industrial Việt Nam bảo lãnh một số chuyên gia sang làm việc. Do các chuyên gia này làm việc tại Công ty TNHH Global Running nên Công ty TNHH Global Running đã xin giấy phép lao động cho các chuyên gia này.
Sau khi có giấy phép lao động, Công ty TNHH Global Running đăng ký tạm trú cho các chuyên gia thì không cấp thẻ tạm trú được vì Công ty TNHH Freeview Industrial Việt Nam bảo lãnh các chuyên gia này sang Việt Nam, không phải là Công ty TNHH Global Running. Để cấp được thẻ tạm trú, các chuyên gia này phải xuất cảnh và nhập cảnh vào thông qua sự bảo lãnh của Công ty TNHH Global Running. Do tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nên việc này đã gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Hay Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/02/2021, thay thế Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03/02/2016 của Chính phủ, có một số nội dung chưa quy định rõ việc gia hạn giấy phép lao động đối với các trường hợp giấy phép lao động đã được cấp theo quy định tại Nghị định số 11/2016/NĐ-CP hết hạn.
Cũng theo quy định tại Nghị định số 152/2020/NĐ-CP, các trường hợp LĐNN do Công ty mẹ cử sang xử lý sự cố kỹ thuật có thời hạn dưới 03 tháng thì phải làm hồ sơ xin xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Theo quy định tại Nghị đinh 11/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp không phải nộp hồ sơ xin xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động mà chỉ báo cáo danh sách gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để theo dõi. Như vậy, quy định mới này làm cho các doanh nghiệp lúng túng trong thực hiện, hầu hết các doanh nghiệp đều chưa chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định, khi nộp hồ sơ thì cũng đã đến thời hạn trở về nước.
Bên cạnh đó, việc chấp thuận nhu cầu sử dụng LĐNN hiện nay từng tỉnh có sự thẩm định khác nhau, không có sự thống nhất chung trên phạm vi cả nước. Tại Tiền Giang, việc thẩm định, chấp thuận nhu cầu căn cứ vào các dự án đầu tư khi doanh nghiệp xin chủ trương cấp giấy chứng nhận đầu tư. Cùng với đó, về phía doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài, vẫn còn một số doanh nghiệp thực hiện chưa đúng quy định về tuyển dụng, sử dụng người LĐNN, chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư Trung Quốc, Đài Loan, tình trạng “tạm tuyển dụng” người LĐNN vào làm việc tại doanh nghiệp trước, sau đó mới đăng ký nhu cầu sử dụng lao động và làm hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động vẫn diễn ra. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa gửi hợp đồng lao động đã ký kết với người lao động về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tỷ lệ doanh nghiệp gửi hợp đồng lao động khoảng 10%.
Ngoài ra, số lượng đơn vị, doanh nghiệp thực hiện báo cáo tình hình sử dụng LĐNN theo quy định chưa đến 50% tổng số đơn vị, doanh nghiệp có sử dụng LĐNN. Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp người LĐNN đã hết hạn giấy phép lao động nhưng không trả lại giấy phép, không thông báo cho cơ quan quản lý là còn làm việc tại doanh nghiệp hay đã nghỉ việc hoặc đã về nước hay chưa cũng đã gây khó khăn trong việc quản lý.
Để quản lý hiệu quả LĐNN
Quản lý LĐNN là một nội dung khá phức tạp, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất giữa các ngành. Về quan điểm, mục tiêu và cách thức thực hiện việc quản lý LĐNN cần có thống nhất chung trên phạm vi cả nước. Do đó, tỉnh Tiền Giang đề xuất 1 vài kiến nghị với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội như sau:
Về nhu cầu sử dụng lao động, cần có quy định cụ thể số lượng hoặc đưa ra bộ khung theo ngành nghề hoạt động. Về thời gian làm việc, tùy vào từng nhóm cụ thể (nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật) cần có quy định thời hạn làm việc, hết thời gian làm việc phải trở về nước. Việc quy định này sẽ tạo cơ hội việc làm cho lao động Việt Nam và doanh nghiệp sẽ tích cực chuyển giao nhiệm vụ, công nghệ cho lao động Việt Nam.
Đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an chia sẻ, cung cấp thông tin về người nước ngoài nhập cảnh do doanh nghiệp bảo lãnh để các sở, ngành tỉnh có thông tin kiểm chứng việc khai báo, báo cáo người nước ngoài tại doanh nghiệp được thuận lợi và chặt chẽ hơn.
Tiền Giang cũng đề xuất sớm có văn bản hướng dẫn địa phương thực hiện những vướng mắc đã kiến nghị về việc cấp, gia hạn giấy phép lao động theo Nghị định số 152/2020/NĐ-CP
Về việc nhập cảnh, cần có quy định cụ thể và có giấy tờ chứng minh mục đích nhập cảnh đối với từng cá nhân LĐNN. Trường hợp không đầy đủ hồ sơ thì không chấp thuận nhập cảnh. Nếu không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ thì tình trạng LĐNN không có giấy phép lao động, văn bản xác nhận không thuộc cấp giấy phép lao động sẽ tiếp tục gia tăng, gây khó khăn trong việc quản lý LĐNN./.

Mỹ Hạnh
 
TAG:
Tin khác
TP.HCM: Giải quyết việc làm cho 221.337 lượt lao động
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa 1.000 lao động Việt Nam sang Australia làm việc góp phần nâng cao quan hệ đối tác hai nước
Hà Nội: Giải quyết việc làm cho trên 164 nghìn lao động trong 8 tháng đầu năm 2024
Những kết quả trong giải quyết việc làm ở Quảng Trị
Hỗ trợ kết nối cung cầu lao động trên địa bàn tỉnh Nam Định
TP Đà Nẵng: Ước giải quyết việc làm cho 26.970 lao động trong 8 tháng đầu năm
Bình Định: 6 tháng đầu năm giải quyết việc làm cho 13.000 lao động
TP.HCM: Nhiều việc làm dành cho người khuyết tật
Huyện Ea Kar đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường và an toàn, vệ sinh lao động