"Thương binh tàn nhưng không phế" và lý tưởng cách mạng cao đẹp
(LĐXH)- Chiến tranh kết thúc, trong số những người con trở về từ trận tuyến có không ít người đã để lại một phần máu thịt của mình, các anh trở về với những thương tật trên cơ thể vì lý tưởng cách mạng cao đẹp.
Có lẽ chưa nơi đâu trên thế gian này, chiến tranh kéo dài và khốc liệt như ở Việt Nam. Chiến tranh đã khiến hàng triệu người ngã xuống, đánh đổi cuộc sống của mình cho đất nước trường tồn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của liệt sỹ đã làm cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ…”
Ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn gian khổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động cuộc vận động mùa đông binh sĩ. Tự tay Người cởi chiếc áo rét đang mặc, mỗi tháng nhịn một bữa ăn dành cho người chiến sĩ đang chiến đấu nơi chiến trường. Bản thân Người đã đến thăm các quân y viện, động viên thăm hỏi thương, bệnh binh.
Vào dịp đón năm mới 1955, Người đã đọc diễn văn tại buổi lễ đặt vòng hoa tưởng niệm tại Đài liệt sĩ: “Ngày mai là năm mới, là ngày đồng bào và bộ đội mừng Chính phủ về Thủ đô. Trong lúc cả nước vui mừng thì mọi người đều thương tiếc các liệt sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc. Tôi thay mặt Chính phủ và bộ đội kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn bất diệt của các liệt sĩ”. Năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đón giao thừa cùng với thương binh tại Trường Thương binh hỏng mắt Hà Nội, Người nói: “Thương binh tàn nhưng không phế”.
Công lao và sự hi sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ, của thương binh và của những người lính sẽ mãi còn lưu truyền trong nhân dân. Đảng và Nhà nước luôn coi công tác thương binh liệt sĩ, người có công là việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính chính trị kinh tế xã hội sâu sắc, thấm đậm truyền thống đạo lí "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc Việt Nam. Trân trọng và biết ơn những tấm gương vì nước quên thân đã trở thành tình cảm thiêng liêng trong đời sống xã hội đất nước...
Cho đến nay, trong phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn", cả nước đã xây dựng, tu tạo được trên 9.600 nghĩa trang liệt sĩ và công trình tưởng niệm; quy tập và tiếp nhận hơn 780 nghìn mộ phần liệt sĩ, tiếp tục tổ chức tìm kiếm, bổ xung hồ sơ và truy tìm tên tuổi, địa chỉ, quê quán thân nhân gia đình liệt sĩ. Việc quản lý các nghĩa trang được các địa phương thực hiện chu đáo, tu sửa kịp thời những phần mộ bị hư hỏng, chăm sóc các nghĩa trang, lập danh sách, vẽ sơ đồ phần mộ để xây dựng nghĩa trang liệt sĩ trở thành một vườn hoa tưởng niệm.
Phong trào này đã đi sâu vào tình cảm mỗi người, nhiều hình thức hoạt động tình nghĩa thiết thực nảy nở trong các địa bàn dân cư, phát huy được sức mạnh vật chất và tình cảm trong cộng đồng. Đặc biệt, hầu khắp các tỉnh trên cả nước đã hoàn thành việc xây dựng các khu điều dưỡng thương, bệnh binh. Một bộ phận thương binh nặng được thu xếp đưa về địa phương để gần gũi gia đình và cộng đồng, một bộ phận khác gắn bó suốt cuộc đời mình với khu điều dưỡng.
Chúng ta vẫn còn nhớ hình ảnh thương binh Nguyễn Văn Minh, thuộc khu điều dưỡng Thuận Thành (Bắc Ninh) tự mình học ngoại ngữ trên giường bệnh, gắng gượng sức mình dạy tiếng Anh cho con em các gia đình thương, bệnh binh đang sống trong khu điều dưỡng – một công việc giàu tình người, giàu tình nghĩa đồng chí đồng đội.
"Thương binh tàn nhưng không phế”, các anh, các chị là những người tiếp tục chiến đấu với số phận của mình trong hoàn cảnh đời thường. Chúng ta không bao giờ quên ơn các thế hệ thương, bệnh binh đã cống hiến máu xương cho các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Hàng nghìn, hàng vạn thương binh sau ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước đang bằng suy nghĩ và hành động thiết thực thể hiện lời căn dặn sâu sắc của Bác Hồ.
Và trong thực tế, đã xuất hiện hàng chục nghìn tấm gương thương binh ở mọi miền đất nước, đã và đang thực hiện xuất sắc lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn mà không phế”. Sự lao động cần cù, ý thức tự vượt lên bệnh tật và mọi khó khăn trong cuộc sống, với ý thức không đòi hỏi, trông chờ, ỉ lại vào Đảng, Nhà nước. Đó thật sự là động lực tinh thần lớn lao giúp các anh, các chị làm đẹp bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội. Bằng mỗi việc làm dù nhỏ, họ đang góp sức tích cực làm đẹp cho đời.
Đến nay, 45 năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thương binh Đinh Lời trở thành một trong những người giàu nhất thành phố Hội An (Quảng Nam). Phát huy truyền thống của làng mộc Kim Bồng (quê hương chôn nhau cắt rốn), từ một người thợ bình thường, anh dần làm chủ của một doanh nghiệp sản xuất hàng mộc mỹ nghệ xuất khẩu sang nhiều nước, doanh thu đạt hàng chục tỷ, thậm chí là trăm tỷ mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập cao. Điều giúp anh Đinh Lời trở thành chủ doanh nghiệp, một thương binh tiêu biểu không gì khác chính là phẩm chất người lính, dám xông vào những nơi khó khăn nhất và dám cứu giúp người đời bằng tấm lòng nhân ái. Anh đã nhận con em thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách vào Công ty của anh làm việc, giúp các cháu khôn lớn thành người. Trong các cuộc vận động xoá đói giảm nghèo, cứu trợ nạn nhân bão lũ, anh là người bỏ tiền ra giúp đỡ. Một con người như anh, nghĩa tình với đồng chí, đồng đội, nhân ái với đồng bào đã làm đẹp thêm đạo lý tốt đẹp của con người Việt Nam, làm sáng thêm phẩm chất anh Bộ đội Cụ Hồ.
Ông Nông Văn Đuổng ở đường Bà Triệu, thành phố Lạng Sơn (Lạng Sơn), dù đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn dành thời gian, tìm tòi nghiên cứu, chữa bệnh. Khi có người bệnh tìm đến nhà hay ở tận các bản làng xa xôi, ông cũng tự đi xe máy đến thăm khám, chữa bệnh. Ông sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo khó (xã Xuân Mai, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn), rồi tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Được tham dự nhiều trận chiến đầy gian khổ ác liệt vào những năm 1968, 1969… tại các mặt trận Đà Nẵng, Quảng Nam… Đến cuộc chiến bảo vệ biên giới năm 1979, ông lại trở về quê hương, trực tiếp tham gia nhiều trận đánh lớn, bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.
Ngược đường lên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), thương binh người Mông Thào Mí Giàng, dù bị mất một mắt và bị nhiễm chất độc da cam vẫn hăng say đảm đương công tác mặt trận, gắn kết khối đoàn kết các dân tộc ở địa phương, dạy dỗ cho đồng bào dân tộc mình phương thức làm ăn hiệu quả. Chính quyền địa phương trao tặng ông nhà tình nghĩa, nhưng ông không nhận. Thào Mí Giàng bảo, sức ông còn khoẻ, còn tự xây nhà được cho gia đình mình. Ông như thân cây đại thụ trên cao nguyên đá, một bài ca trên đỉnh núi.
Những con người như Nông Văn Đuổng, Đinh Lời, Thào Mí Giàng... đều là những tấm gương của đời sống xã hội. Các anh, các chị lẽ ra được nhận sự ưu đãi của xã hội, được sự "Đền ơn đáp nghĩa" đối với người có công, được nghỉ ngơi an nhàn những năm tháng còn lại, nhưng các anh các chị vẫn gắng sức mình làm được nhiều hơn những việc thiện cho xã hội.
Nhiều năm qua, ngoài việc khắc phục hậu quả của chiến tranh, Đảng và Nhà nước, Bộ Lao động TBXH cũng như các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội cũng đã giải quyết kịp thời các vấn đề xã hội mà chiến tranh để lại. Với tinh thần trách nhiệm, kế thừa và phát huy truyền thống đạo lý dân tộc, hệ thống chính sách đối với thương binh liệt sĩ, người có công luôn được thường xuyên quan tâm sửa đổi cho phù hợp với tiến trình phát triển đất nước. Qua đó cũng đã xuất hiện nhiều tấm gương thương binh, gia đình liệt sĩ tiêu biểu, động viên các thế hệ hôm nay và mai sau biết ơn và trân trọng những giá trị nhân văn của dân tộc.
Mức trợ cấp, phụ cấp hàng tháng được bảo đảm tương xứng với mức tiêu dùng bình quân của toàn xã hội. Đảng, Nhà nước, Bộ Lao động - TBXH và quần chúng nhân dân bằng nghĩa tình và trách nhiệm đang nỗ lực nhằm ổn định và từng bước nâng cao mức sống của các gia đình chính sách người có công với cách mạng. Không một địa bàn hành chính, không một tổ chức chính trị - xã hội, không một ban, ngành, cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp nào đứng ngoài phong trào "Đền ơn đáp nghĩa". Đó cũng là một nét đẹp của văn hoá Việt Nam.
Trên chặng đường dài tới bến bờ ấm no hạnh phúc, vào những ngày kỷ niệm hàng năm của đất nước, bên cạnh những niền vui, mỗi người chúng ta không thể quên những mất mát hi sinh mà dân tộc Việt Nam đã trải qua. Có bao nhiêu người mẹ cho đến nay vẫn trông chờ những người lính trở về, có bao nhiêu con người vẫn còn nhớ muối mặn gừng cay, nhớ những cánh rừng đầy bom đạn, nhớ những ngày ngủ hầm cơm vắt. Sự hi sinh của các mẹ, của những thương, bệnh binh, liệt sĩ đã đi vào lịch sử dân tộc như những huyền thoại.
Trần Thắng
TAG: