Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Thực trạng và thách thức của việc làm xanh trong ngành Dệt May Việt Nam
09:51 AM 23/11/2021
(LĐXH) Việc làm xanh là trọng tâm của sự phát triển bền vững và đáp ứng những thách thức toàn cầu về bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế và bình đẳng xã hội. Với một ngành đặc thù như Dệt may ngành có ảnh hưởng khá nhiều tới môi trường sống và giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động, thì việc tìm kiếm giải pháp thúc đẩy việc làm xanh cho ngành dệt may hiện nay càng trở nên cần thiết.
Khái niệm về “việc làm xanh”
Trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020,  việc làm xanh là những việc làm trong ngành nông nghiệp, sản xuất, nghiên cứu và phát triển, quản lý hành chính và dịch vụ đóng góp đáng kể cho việc bảo tồn và khôi phục chất lượng môi trường. Việc làm xanh được hiểu là việc làm trong các hoạt động, lĩnh vực có lợi cho môi trường.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), việc làm xanh không chỉ đơn thuần theo một nghĩa hẹp là những việc làm trực tiếp làm giảm tác động của môi trường, mà còn tiến tới việc làm bền vững. Bao gồm những việc làm có tác dụng làm giảm tiêu thụ năng lượng, nguyên nhiên vật liệu, giảm khí thải cacbon, bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái và sự đa dạng sinh học; giảm thiểu việc sản xuất các chất thải và ô nhiễm ra môi trường. Việc làm xanh là những việc làm trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và quản lý đóng góp vào bảo vệ và gìn giữ chất lượng môi trường… đảm bảo xã hội phát triển bền vững cho cả thế hệ hiện tại và tương lai, thực hiện công bằng và bình đẳng cho mọi người.
Ngành Dệt May giải quyết việc làm cho nhiều lao động
Yêu cầu đối với việc làm xanh trong các mô hình phát triển bền vững là phải tiến tới việc làm bền vững. Việc làm bền vững là việc làm tốt và năng suất cho cả nam và nữ trong điều kiện tự do, bình đẳng, an toàn và tôn trọng nhân phẩm. Việc làm bền vững là trụ cột trong các nỗ lực giảm nghèo và là một phương tiện để phát triển công bằng, bình đẳng và bền vững.
Cũng theo ILO, việc làm trong ngành dệt may là những công việc gắn với góp phần bảo vệ môi trường, khi các công việc này thỏa mãn các tiêu chí của việc làm bền vững thì sẽ được coi là việc làm xanh.
Theo TS. Vũ Thị Ánh Tuyết, Trường Đại học Lao động - Xã hội, việc làm trong ngành dệt may được xác định là việc làm xanh khi thỏa mãn các tiêu chí sau: Việc làm được trả công; Việc làm tự nguyện (không bị ép buộc tham gia);  Không sử dụng lao động dưới 18 tuổi;  Việc làm được đóng BHXH; Mức lương cao hơn 2/3 thu nhập trung vị tính chung cho tất cả lao động làm công ăn lương trong nền kinh tế; Việc làm có số giờ làm việc không vượt quá 48h/tuần; Bảo đảm sức khỏe người lao động tại nơi làm việc.
Thực trạng và thách thức của việc làm xanh trong ngành Dệt May
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, cả nước ta có 10.246 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong ngành Dệt May. Đây luôn là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và sử dụng nhiều lao động.  Ngành dệt may Việt Nam có năng lực sản xuất cao, đáp ứng nhu cầu may mặc trong nước và có kim ngạch xuất khẩu cao, đồng thời cũng đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Kim ngạch xuất khẩu  một số mặt hàng may mặc chủ lực đạt từ 1 tỷ USD trở lên. Do đặc thù công việc trong ngành dệt may cần sự tỉ mỉ, khéo léo nên tỷ trọng lao động nữ nhiều hơn nam (chiếm 73,80%). Theo nhóm tuổi, số lao động trong ngành Dệt May chủ yếu ở nhóm lao động trẻ (15- 35 tuổi) chiếm 71,92%.
Với lợi thế nhân công rẻ giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, giúp các doanh nghiệp dệt may cạnh tranh về giá nhân công so với các ngành nghề khác và các nước. Hơn nữa, chi phí lao động ngành Dệt May Việt Nam hiện nay tương đối thấp so với nhiều nước trong khu vực. Theo một nghiên cứu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cứ 1 tỷ USD hàng Dệt May Việt Nam xuất khẩu sẽ tạo thêm khoảng 250.000 việc làm. Đặc biệt với dân số hơn 90 triệu người, trong đó 49% dân số trong độ tuổi lao động đã cung cấp cho ngành Dệt may nguồn lao động dồi dào.
Tuy nhiên, ngành Dệt May Việt Nam lại thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng và đội ngũ nhân sự lành nghề về kỹ thuật trong lĩnh vực dệt, nhuộm. Hơn nữa, chi phí lao động rẻ nhưng chi phí bình quân cho 1 đơn vị sản phẩm vẫn cao hơn của Ấn Độ, Trung Quốc, Indonexia tới 30% - 40%. Năng suất lao động nước ta thấp và chỉ bằng 2/3 so với các nước trong khu vực.
Ngành dệt may giải quyết lượng lớn việc làm cho lao động trong cả nước, với tổng số lao động tăng cao hàng năm từ 2016-2020. Tuy nhiên, trong năm 2020 đây là một trong những ngành chịu tác động sớm nhất và kéo dài nhất của đại dịch COVID-19. Hầu hết các báo cáo ngành của khu vực và thế giới đều cho thấy nhu cầu tiêu thụ hàng may mặc giảm chưa từng có trong năm 2020. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã có “cú ngược dòng” đáng kể khi tháng 6/2020, Việt Nam chính thức trở thành nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất vào thị trường Hoa Kỳ.
Bên cạnh việc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh covid, dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (với trình độ tự động hóa cao, sử dụng robot), ngành Dệt May Việt Nam sẽ mất lợi thế về nhân công giá rẻ; 85% lao động trong Ngành có thể sẽ bị máy móc công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 thay thế.
Theo tính toán từ số liệu điều tra lao động- việc làm trong ngành Dệt May cho thấy, lao động có việc làm xanh tập trung chủ yếu ở sản xuất trang phục chiếm tỷ lệ 78,02%), ngành sản xuất Dệt 14,87%. So với các ngành khác thì thu nhập bình quân tháng của lao động có việc làm xanh trong ngành Dệt May cao hơn mức thu nhập chung của lao động có việc làm trong ngành. Cụ thể, thu nhập bình quân tháng của lao động có việc làm xanh là 5.109 nghìn đồng/tháng (mức thu nhập chung là 4.225 nghìn đồng/tháng).
Trình độ của người lao động có việc làm xanh trong ngành Dệt May cũng có sự khác biệt khá lớn. Trong ngành dệt may thì lao động có việc làm xanh có bằng cấp, chứng chỉ sẽ mang lại thu nhập cao cho người lao động. Khoảng cách thu nhập giữa lao động có bằng đại học trở lên so với lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật trong ngành dệt may là 1,37 lần (tỷ lệ tương ứng đối với nữ là 1,3 lần và nam là 1,49 lần). Tương tự, khoảng cách thu nhập giữa lao động có bằng cao đẳng so với lao động không có chuyên môn kỹ thuật là 1,2 lần (tỷ lệ tương ứng đối với nữ là 1,12 lần và nam là 1,19 lần).
Để duy trì việc làm xanh cho người lao động ngành Dệt May vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, thách thức và nguyên nhân của tồn tại này là: Khung khổ pháp lý cho phát triển bền vững chưa đầy đủ, đồng bộ, đặc biệt chưa có khung pháp lý cho phát triển việc làm xanh. Mô hình tăng trưởng của Việt Nam nói chung và ngành dệt may nói riêng còn theo chiều rộng dựa vào lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên, chi phí năng lượng cao và gây ô nhiễm môi trường lớn.
Thực trạng thống kê trong ngành Dệt May còn chưa đầy đủ khi đề cập đến việc làm xanh, mới chỉ dừng lại ở số liệu và tình hình của việc làm liên quan trực tiếp đến hoạt động bảo vệ môi trường. Các ngành “xanh” của Việt Nam mới chủ yếu thu hút lao động phổ thông, trong đó tập trung vào một số ngành công nghiệp và dịch vụ.
Bên cạnh đó, yêu cầu gắn kết việc làm xanh với việc làm bền vững, giải quyết các vấn đề xã hội như thất nghiệp, đói nghèo, bất bình đẳng, lao động độc hại nặng nhọc nguy hiểm trong các làng nghề, lao động dễ bị tổn thương trong khu vực không chính thức, đối tượng yếu thế trên thị trường lao động (thanh niên, phụ nữ, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số...), người chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu đã là những nhiệm vụ lâu dài rất khó khăn, nay phải lồng ghép với những vấn đề toàn cầu như bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu thì thách thức càng trở nên gay gắt gấp bội lần.
Cạnh tranh trong nước và quốc tế đã ngày càng khốc liệt, lại thêm những khó khăn do chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng nợ công của các nước châu Âu và biến động tăng giá nhiên liệu, giá lương thực trên quy mô toàn cầu sẽ làm nặng thêm gách nặng của doanh nghiệp trong quá trình tồn tại và phát triển. Những chi phí xã hội tăng thêm để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng xanh và thực hiện việc làm xanh trong doanh nghiệp sẽ là rào cản lớn hướng tới nền kinh tế xanh của tương lai nói chung và việc làm xanh trong ngành Dệt May Việt Nam nói riêng./.
 Thảo Lan
 

 

 

 

TAG:
Tin khác
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM: Có 87/88 chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt và vượt so với yêu cầu đề ra
Phân tích các biến số vĩ mô và vi mô, chỉ ra cơ hội đầu tư tiềm năng trong thời gian tới
TP.HCM tăng cường kết nối cung – cầu giải quyết việc làm cho người lao động
Đảm bảo tiến độ thi công nhưng an toàn lao động vẫn phải là trên hết
Phú Thọ tích cực thu thập thông tin về người lao động, góp phần hỗ trợ việc làm bền vững
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước