Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Thúc đẩy bình đẳng giới với mục tiêu hạn chế tối đa phân biệt giới
10:25 AM 21/07/2022
(LĐXH) - Bình đẳng giới và bảo đảm quyền của con người là mục tiêu quan trọng nhằm hướng tới mục tiêu hạn chế tối đa phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội bình đẳng giữa nam, nữ trong phát triển kinh tế - xã hội...
Tại một số khu vực miền núi phía Bắc vẫn còn nhiều rào cản trong việc thực hiện bình đẳng giới 

Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc thực hiện bình đẳng giới đối với các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, công tác bình đẳng giới ở Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại, thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực bền bỉ hơn, sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị:

- Định kiến giới và tư tưởng trọng nam hơn nữ vẫn còn tồn tại khá phổ biến trong xã hội ở cả thành thị và nông thôn, tư tưởng nam giới là trụ cột gia đình, làm công việc nặng nhọc, còn nữ giới là người giữ tổ ấm, làm nhiệm vụ chăm sóc con cái, người già đau ốm trong gia đình được đa số nam giới và nữ giới chấp nhận. Điều này đang tạo áp lực, gánh nặng cho cả nam giới và phụ nữ.

- Tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, nhất là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái còn diễn ra khá phổ biến. Nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ năm 2019 cho thấy, có tới 62,9% phụ nữ từng phải chịu ít nhất 1 trong các hình thức bạo lực trong cuộc đời. 23,3% phụ nữ từng bị thương tích khi bị chồng/bạn tình bạo lực và những phụ nữ này có nguy cơ về vấn đề sức khỏe tâm thần cao hơn gấp 3 lần so với những phụ nữ chưa từng bị bạo lực.

- Việc đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái nơi công cộng dù đã được quan tâm, song phụ nữ và trẻ em gái vẫn chưa thực sự an toàn ở nơi công cộng. Năm 2021, kết quả khảo sát trực tuyến do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Plan International Việt Nam thực hiện cho thấy chỉ có 75,1% phụ nữ và trẻ em gái cảm thấy an toàn khi đi lại nơi công cộng, thấp hơn so với nam giới và trẻ em trai. Lý do họ cảm thấy không an toàn là bởi tình trạng sợ bị cướp giật, trộm cắp, sợ bị quấy rối tình dục.

- Các vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống còn xảy ra khá phổ biến, nhất là ở các dân tộc thiểu số. Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 cho thấy, tỷ lệ tảo hôn ở người dân tộc thiểu số năm 2018 là 21,9%, tỷ lệ kết hôn cận huyết thống là 5,6%. Tuổi kết hôn trung bình của người dân tộc thiểu số tảo hôn năm 2018 là 17,5 tuổi đối với nam và 15,8 tuổi đối với nữ.

- Trong lĩnh vực giáo duc và đào tạo vẫn còn khoảng cách giới. Mặc dù tỷ lệ đi học của trẻ em ở các cấp, không có sự cách biệt nhưng ở các bậc học cao thì có sự chênh lệch khá lớn giữa nam và nữ, đặc biệt là bậc thạc sỹ và tiến sỹ. Định kiến giới trong việc chọn ngành, chọn trường dẫn đến tỷ lệ nữ tham gia các ngành kỹ thuật thấp, do vậy, cơ hội việc làm và thu nhập thấp,  

- Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn cao; tỷ lệ phụ nữ kết hôn với người nước ngoài vì mục đích kinh tế còn tồn tại ở nhiều địa phương trong cả nước. Cụ thể, tỷ số giới tính khi sinh ở mức 111,5 bé trai/100 bé gái (năm 2019) so với mức sinh học tự nhiên 105 bé trai/100 bé gái, số lượng trẻ em gái bị thiếu hụt ở Việt Nam sẽ là khoảng 45,9 nghìn trẻ, tương đương với 6,2% tổng số trẻ em gái được sinh ra.

Hướng tới mục tiêu hạn chế tối đa phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội bình đẳng giữa nam, nữ trong phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam cần tiếp tực nỗ lực cố gắng tăng cần nhận thức về bình đẳng giới, thay đổi thái độ và tư tưởng về giới vốn là định kiến trong xã hội; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc giải quyết vấn đề bình đẳng giới và đặc biệt là ở các nhóm yếu thế và trong các lĩnh vực có tính chiến lược như giáo dục, y tế, việc làm. Đặc biệt, các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp, đưa ra các chính sách phù hợp để thực hiện bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành động của người dân về công tác này; triển khai các mô hình, dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực; duy trì và nhân rộng mô hình thành phố an toàn và thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái ở cộng đồng. Nhân rộng các mô hình tốt và tiếp tục xây dựng các mô hình mới về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình. Tăng cường chia sẻ thông tin, bài học kinh nghiệm, các sáng kiến hay, mô hình có hiệu quả về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình. Tăng cường kiểm tra việc thực thi và xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật về hôn nhân, gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới trong gia đình. Kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác gia đình. Đầu tư hơn nữa công tác đào tạo, tập huấn. Tăng cường kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Công tác gia đình các cấp. ập trung hoàn thiện các chỉ số, chỉ báo thu thập số liệu về gia đình, bạo lực gia đình kịp thời, chính xác phục vụ cho tham mưu, hoạch định chính sách về gia đình.

Tiếp đó là sự vào cuộc của lực lượng thanh niên với vai trò xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đóng góp quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, sự tham gia của các bạn thanh niên có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy công tác bình đẳng giới. Bên cạnh đó cũng cần chủ động, tăng cường hợp tác quốc tế trong thực hiên các mục tiêu bình đẳng giới, tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật, tài chính,chuyên môn của các nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài trong lĩnh vực này./.

Nguyễn Hoàng
TAG:
Tin khác
Nghệ An kiện toàn Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp
Nghệ An tuyên truyền nâng cao nhận thức Vì sự tiến bộ phụ nữ
Nghệ An quan tâm giải quyết các vần đề về trẻ em
Thành phố Bắc Kạn: Quan tâm hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
Quảng Nam: Tích cực phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
Hòa Bình: Nâng cao nhận thức người dân về phòng, chống mua bán người
Trà Vinh chú trọng thực hiện công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy
Hiệu quả Mô hình “Hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động tại cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm”
Phát huy vai trò người có uy tín trong công tác giảm nghèo ở Vĩnh Châu