An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Thừa Thiên Huế: Nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh
04:29 PM 22/11/2024
(LĐXH) – Những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã huy động mọi nguồn lực để rà phá, làm sạch những vùng đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phòng tránh tai nạn bom mìn và hỗ trợ tích cực cho nạn nhân bom mìn, giúp họ có điều kiện phát triển sinh kế, ổn định cuộc sống.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn
Tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương gánh chịu hậu quả nặng nề bởi ô nhiễm bom, mìn. Hiện, toàn tỉnh có 141/141 xã (phường) thuộc 9/9 huyện (thành phố, thị xã) bị ô nhiễm bom mìn vật nổ; diện tích đất tự nhiên hơn 5.000 km2, trong đó diện tích đất ô nhiễm bom mìn vật nổ khoảng 172.000 ha; chiếm hơn 34% diện tích.
Tuyên truyền, tập huấn kỹ năng phòng tránh tai nạn bom mìn cho đội ngũ giáo viên
Bom mìn còn sót lại sau chiến tranh đã và đang ảnh hưởng tính mạng và sức khỏe của người dân trên địa bàn. Có thể kể đến trường hợp của anh Hồ Văn Vịa, người dân tộc Pa Cô ở xã Trung Sơn, huyện A Lưới. Năm 1990, khi nhặt được một đầu pháo, do không biết là vật phát nổ, anh đã đập để lấy đầu nhôm phế liệu, không may bị phát nổ khiến anh bị thương ở bụng và cánh tay. Sau 2 tháng điều trị tại bệnh viện, anh được ra viện nhưng từ đó bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng, giảm khả năng lao động nên kinh tế gia đình anh chồng chất khó khăn.
Chính vì vậy, thời gian qua, tỉnh đã tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ của các cấp, ngành, các tổ chức trong và ngoài nước để thực hiện nhiều hoạt động khắc phục hậu quả của bom mìn, trong đó có các hoạt động tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn.
Với sự hỗ trợ của Trung tâm hành động Bom, mìn quốc gia Việt nam, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức phổ biến tuyên truyền tới người dân và các em học sinh, với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với các đối tượng như phát thông điệp, tuyên truyền trực tiếp thông qua video clip, phim tài liệu và bằng các tiểu phẩm, hoạt cảnh tương tác do các tuyên truyền viên thực hiện. Thông qua bài giảng trực quan, sinh động người dân và các em học sinh đã nhận biết một số loại mìn, vật nổ thường gặp và cách xử lý khi phát hiện các vật nghi là bom, mìn, vật nổ. Từ đó, giúp người dân và các em học trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong cộng đồng về cách phòng, tránh tai nạn bom mìn, vật nổ, góp phần giảm thiểu những hậu quả nặng nề.
Từ năm 2021 đến 2024, Dự án “Hướng tới giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn bền vững” với sự tài trợ của Tổ chức CRS – tổ chức phi chính phủ quốc tế có trụ sở tại Mỹ,  đã triển khai 10 hoạt động chính cho 7 huyện, thị xã và thành phố Huế với 328 trường tham gia lớp giới thiệu khóa học trực tuyến về giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn bền vững; 3.951 giáo viên tham gia các khóa tập huấn; 28.300 lượt giáo viên và học sinh tại 62 trường tham gia hoạt động ngoại khóa. Với những hoạt động thiết thực, hiệu quả, dự án đã mang lại cho các em học sinh những thông tin cơ bản về bom mìn, nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng tránh tai nạn bom mìn và vật liệu nổ trong cuộc sống hàng ngày.
Tích cực hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn
Những năm qua, với sự hỗ trợ của Trung tâm hành động bom, mìn quốc gia Việt Nam và Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, Thừa Thiên Huế đã có nhiều hoạt động hỗ trợ nạn nhân bom mìn, giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Năm 2023, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam phối hợp cùng với UBND huyện A Lưới tổ chức Chương trình Tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn, trao hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn và trao xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó. A Lưới là một huyện miền núi biên giới phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế, là một trong những địa bàn trọng điểm chịu ảnh hưởng ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh nặng nề. Đến cuối năm 2022, huyện có tổng diện tích ô nhiễm bom mìn vật nổ là 2.981 ha, cùng nhiều nạn nhân bom mìn.
Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam trao hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn ở A Lưới
Để giúp đỡ người dân A Lưới an tâm sản xuất, cải thiện đời sống, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam quyết định trao hỗ trợ sinh kế cho 30 nạn nhân bom mìn có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt tại địa phương với số tiền 200 triệu đồng. Số tiền hỗ trợ sinh kế này sẽ được đầu tư vào chăn nuôi, mua sắm công cụ sản xuất, kinh doanh nhằm giúp các nạn nhân bom mìn phát triển kinh tế gia đình, vượt qua khó khăn. Ngoài ra, Hội cũng trao tặng 20 xe đạp với tổng số tiền là 40 triệu đồng cho các học sinh nghèo vượt khó và một số sách văn học, sách kỹ năng sống, truyện tranh tuyên truyền phòng, chống tai nạn bom mìn cho một số thư viện, trường học tại A Lưới.
Tháng 7/2024, tỉnh Thừa Thiên Huế đã kết kết thỏa thuận khung hợp tác với tổ chức PeaceTrees VietNam (là tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ, thành lập và hoạt động tại Việt Nam từ năm 1995, là một trong những tổ chức phi chính phủ nước ngoài đầu tiên đến Việt Nam để hỗ trợ khắc phục hậu quả chiến tranh). Thỏa thuận này ký kết trên các lĩnh vực hoạt động gồm: Rà phá bom mìn và vật liệu chưa nổ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống, canh tác và thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; giáo dục nhận thức, phòng tránh tai nạn bom mìn cho người dân đặc biệt là trẻ em; hỗ trợ nạn nhân bị tai nạn bom mìn bao gồm hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ học bổng cho các nạn nhân và con em của họ; hỗ trợ phát triển sau rà phá; đưa các đoàn khách, nhà tài trợ đến thăm các hoạt động dự án, đồng thời tham quan, tìm hiểu về văn hóa, giao lưu với người dân trong tỉnh nhằm tăng cường quan hệ hợp tác và tiếp tục vận động nhà tài trợ.
Với nhiều hoạt động hỗ trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân, cộng đồng về cách phòng tránh tai nạn bom mìn; đồng thời, hỗ trợ cho nạn nhân bom mìn để sớm hòa nhập cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội./.
Hưng Cảnh
TAG:
Tin khác
Từ 1/7, người đủ 75 tuổi sẽ nhận trợ cấp hưu trí 500.000 đồng/tháng
Nestlé Việt Nam trao tặng hơn 17.000 sản phẩm nhân dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025
Chuyến xe yêu thương dành cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
Xe ôm công nghệ tắt app, kiếm tiền triệu nhờ vận chuyển cây cảnh dịp Tết
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức họp mặt chúc tết cán bộ hưu trí của Sở qua các thời kỳ
Hưng Yên: Thực hiện kịp thời trợ cấp xã hội hàng tháng cho trên 64.000 đối tượng
Năm 2030 sẽ triển khai tàu khách tốc độ 120 km/h
Nhộn nhịp chợ hoa Quảng An, Hà Nội ngày cận Tết Ất Tỵ 2025
Hội chợ Tết 3 miền Xuân Ất Tỵ: “Đậm tình nguồn cội, Trọn nghĩa yêu thương”