An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Thừa Thiên Huế: Giảm nghèo trên vùng đất khó
11:56 AM 05/05/2021
(LĐXH) - Hiện nay, tổng nguồn vốn tín dụng tại Ngân hành chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Thừa Thiên Huế đạt hơn 3 nghìn tỷ đồng với 175 nghìn lượt khách hàng vay vốn, tạo điều kiện cho người dân ở các khu vực vùng sâu, vùng xa tỉnh Thừa Thiên - Huế vươn lên thoát nghèo thay đổi cuộc sống.
Trao cần câu
Từ nguồn vốn ưu đãi cùng các hướng dẫn về tăng gia sản xuất, người dân, nhất là các hộ ở vùng đồng bào DTTS đã thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo.
Gia đình chị Phạm Thị Thiếp ở thôn Ta Ay Ta, xã Trung Sơn, huyện A Lưới là một điển hình. Vốn không được học hành cũng không có công ăn việc làm ổn định nên sau khi lập gia đình, cái nghèo mãi bám đuổi hai vợ chồng chị. Năm 2013, trong lần nghe đài truyền thanh huyện phát thông tin chia sẻ về nguồn vốn vay của NHCSXH, chị mới biết mình thuộc đối tượng vay vốn làm ăn phát triển kinh tế mà không cần thế chấp tài sản. Chị bàn với chồng vay 30 triệu đồng từ NHCSXH huyện A Lưới đầu tư mua cặp bò làm giống, đầu tư thêm lợn nái để phát triển kinh tế gia đình.
Từ hai con bò ban đầu và con lợn nái mua từ vốn vay NHCSXH, năm đầu tiên chị có thêm cặp bò con và đàn lợn nuôi lấy thịt. Một số khoản chi trong gia đình nhờ đó cũng được cải thiện. Hàng tháng, chị dành dụm tiền gửi tiết kiệm để trả dần gốc, lãi; sau này nhờ đó giảm gánh nặng nợ cuối kỳ.
Nhiều sản phẩm chủ lực được định hình nhờ nguồn vốn chính sách
“Lúc trả hết vốn cho NHCSXH, gia đình tiếp tục vay vốn để tái đầu tư phát triển thêm diện tích chuối, rừng, cải thiện sinh kế. Với sự hỗ trợ của nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đến năm 2016, gia đình tôi đã thoát nghèo, trả hết nợ ngân hàng và tiếp tục vay vốn giải quyết việc làm để đầu tư mở rộng chăn nuôi", chị Thiếp kể.
Đến nay, “gia tài” của chị Thiếp không còn là mái tranh tạm bợ mà là ngôi nhà cấp 4 khang trang và đàn bò 13 con, 6 ha rừng. Không chỉ thoát nghèo, chị Thiếp còn trở thành hộ khá giả của thôn, với thu nhập trung bình đạt gần 250 triệu đồng/năm và có tiền để chu cấp cho hai con ăn học đầy đủ.
Bà Hồ Thị Hiền, Chủ tịch UBND thị trấn A Lưới, người từng gắn bó với các hoạt động tín dụng chính sách đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn A Lưới, người dân vùng cao trước đây có thói quen du canh, du cư nên ít khi nghĩ đến chuyện ổn định sản xuất để phát triển kinh tế. Các nguồn vốn cũng chuyển dần từ phương thức hỗ trợ cho không sang hỗ trợ sinh kế như: đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ về thị trường tiêu thụ sản phẩm; cho vay vốn lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế hộ. Sự thay đổi đó đã tác động tích cực đến người dân, thúc đẩy họ chủ động, nỗ lực, tạo sự chuyển biến về chất trong công tác giảm nghèo.
Đến các hoạt động thiết thực
Việc định hình nhiều sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm ) với sự đóng góp của nguồn vốn tín dụng chính sách mà điển hình là cây cam Nam Đông. Từ chỗ chỉ trồng tự phát và tùy hứng ở vườn nhà, nhờ chính sách cho vay, hỗ trợ của NHCSXH và các tổ chức tín dụng khác, sự hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ mà người dân nghèo nơi đây đã mở rộng diện tích phát triển cây cam thành sản phẩm hàng hóa có thương hiệu…
Đến nay, Nam Đông đã có hơn 210 ha cam, năng suất bình quân đạt 170 tạ/ha, sản lượng từ 70.000 - 100.000 tấn/năm. Nhiều hộ đổi đời từ cây cam, với thu nhập từ 300 đến 500 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo của huyện nhờ đó cũng giảm mạnh xuống còn 4,6%.
Ông Dương Thanh Phước, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, khẳng định: nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH đã góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, tạo sự chuyển dịch trong kinh tế. Huyện cũng đầu tư một nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH để bổ sung thêm kinh phí cho người dân vay, định hình các sản phẩm chủ lực địa phương như cam Nam Đông, chuối đặc sản…
Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% số xã, phường, thị trấn, ưu tiên các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, làm thay đổi căn bản nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số từ mặc cảm, sợ vay, không dám vay nay đã mạnh dạn vay vốn và tập sự làm ăn có hiệu quả. Nguồn vốn này cũng giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống giúp đồng bào dân tộc thiểu số dần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bệnh tật, thất học và các tệ nạn xã hội...
Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Thừa Thiên Huế đặt ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Trong đó, năm 2021, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh 0,4% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020). Riêng giai đoạn 2022-2025, tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều giảm đến cuối năm 2025 giảm còn từ 2,0% - 2,2%. Theo đó, tỉnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm và bền vững khu vực nông thôn và thành thị để hỗ trợ người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập của người nghèo so với bình quân chung của cả nước; đáp ứng nhu cầu của người dân về sử dụng các dịch vụ xã hội cơ bản phù hợp (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin và việc làm) và hoàn thành mục tiêu giảm nghèo do Chính phủ giao. Đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững; Nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực; Tạo việc làm đầy đủ, việc làm bền vững cho mọi người; Giảm bất bình đẳng trong xã hội, tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em; phát triển hệ thống trợ giúp xã hội tổng hợp và chuyên biệt; góp phần đảm bảo người thuộc các nhóm đối tượng yếu thế được tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển, an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Thục Quyên

 

TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Đi mua cá chép cúng ông Táo tại chợ cá lớn nhất miền Bắc
Cụ bà 124 tuổi thích ăn cơm trộn mỡ lợn, chia sẻ bí quyết sống lâu
Từ 1/7, người đủ 75 tuổi sẽ nhận trợ cấp hưu trí 500.000 đồng/tháng
Nestlé Việt Nam trao tặng hơn 17.000 sản phẩm nhân dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025
Chuyến xe yêu thương dành cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
Xe ôm công nghệ tắt app, kiếm tiền triệu nhờ vận chuyển cây cảnh dịp Tết
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức họp mặt chúc tết cán bộ hưu trí của Sở qua các thời kỳ
Hưng Yên: Thực hiện kịp thời trợ cấp xã hội hàng tháng cho trên 64.000 đối tượng
Năm 2030 sẽ triển khai tàu khách tốc độ 120 km/h