Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Tây Ninh cần thực hiện nhanh hơn nữa Nghị quyết 116 của Chính phủ để tiền hỗ trợ sớm đến tay người dân
06:06 PM 28/10/2021
LĐXH) - Tại buổi làm việc với Lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Lê Văn Thanh đề nghị, thời gian tới tỉnh Tây Ninh cần triển khai thực hiện nhanh hơn nữa Nghị quyết 116 của Chính phủ để tiền hỗ trợ sớm đến tay người dân. Đây là gói hỗ trợ chưa có tiền lệ, tiền đến tay người dân càng sớm, người dân càng phấn khởi.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho rằng, Tây Ninh cần triển khai thực hiện nhanh hơn nữa Nghị quyết 116 của Chính phủ để tiền hỗ trợ sớm đến tay người dân

Sáng 28/10/2021, Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm Trưởng đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Tây Ninh để kiểm tra, đôn đốc công tác thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, Nghị quyết 116/NQ-CP.

Tham gia đoàn kiểm tra còn có ông Phạm Anh Thắng- Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH tại TP.HCM và đại diện Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Cục Việc làm, Vụ Bình đẳng giới,…

Thông tin với đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Dương Văn Thắng cho biết, đến nay 98% địa bàn trong tỉnh Tây Ninh thuộc cấp độ 1,2 và 2% thuộc cấp độ 3,4. Hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ đã trở lại hoạt động trong điều kiện bình thường mới.

Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH với UBND tỉnh Tây Ninh

Từ khi phát sinh dịch Covid-19 đến ngày 26/10, tỉnh ghi nhận 11.087 trường hợp F0, trong đó số ca đang điều trị là 1.500 ca, đã điều trị khỏi là 9.435 ca. Hiện có hơn 850.000 người trên 18 tuổi đã được tiêm vaccine mũi 1 (đạt 90%), 360.000 người tiêm mũi 2 (đạt 38%).

Báo cáo với Thứ trưởng Lê Văn Thanh và đoàn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tây Ninh Trương Thị Phương Thảo cho biết, hiện Bảo hiểm xã hội tỉnh Tây Ninh thực hiện giảm đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 189.225 người lao động với số tiền 59,7 tỷ đồng; Thực hiện giảm đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất cho 774 người lao động với số tiền 964,3 triệu đồng.

: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Dương Văn Thắng cho biết, đến nay hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ đã trở lại hoạt động trong điều kiện bình thường mới.

Đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện chi trả hỗ trợ cho 361 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, với số tiền 1,3 tỷ đồng, đạt 3% trên tổng số được phê duyệt; Thực hiện chi hỗ trợ cho 04 người lao động ngừng việc với số tiền 04 triệu đồng, đạt 0,01 % so với nhu cầu hỗ trợ, đạt 100 % trên tổng số được phê duyệt; chi hỗ trợ cho 7.052 trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế với số tiền 9,7 tỷ đồng, đạt 98% trên tổng số được phê duyệt. Đồng thời, chi hỗ trợ cho 12 viên chức hoạt động nghệ thuật giữ chức danh nghề nghiệp và hướng dẫn viên du lịch, với số tiền 44,5 triệu đồng, đạt 100 % trên tổng số được phê duyệt; Hỗ trợ 75 hộ kinh doanh, với số tiền 225 triệu đồng, đạt 25% trên tổng số đã được phê duyệt. Đặc biệt, đến nay toàn tỉnh Tây Ninh đã chi trả hỗ trợ cho hơn 91.000 người lao động tự do và các đối tượng đặc thù khác, với số tiền 136,5 tỷ đồng. 

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tây Ninh Trương Thị Phương Thảo  báo cáo về việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, Nghị quyết 116/NQ-CP

Theo bà Thảo, thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116/NQ-CP đến nay tỉnh Tây Ninh đã thực hiện phê duyệt giảm đóng cho 1.881 đơn vị với 181.156 lao động, với số tiền 7,4 tỷ đồng. Hỗ trợ bằng tiền mặt cho cho 65.436 người với số tiền 149,7 tỷ đồng. Thực hiện Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 20/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 28/10/2021, Tây Ninh đã triển khai thực hiện phân bổ đến 22.417 người dân với 336.2 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia; phân bổ đến 2.500 người dân với 50 tấn gạo từ nguồn hỗ trợ của Phó Chủ tịch nước. Ngoài ra, còn hỗ trợ 20.000 phần quà (do Bộ Quốc phòng hỗ trợ) cho người dân gặp khó khăn với kinh phí 6 tỷ đồng; Hỗ trợ 3.199 phần quà (do Ủy ban MTTQ Việt Nam hỗ trợ) tương ứng 2,1 tỷ đồng.  Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam hỗ trợ trẻ em mồ côi do cha, mẹ tử vong vì nhiễm Covid-19 cho 22 trẻ em trên địa bàn tỉnh Tây Ninh với số tiền 110 triệu đồng; Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh hỗ trợ trẻ em mồ côi do cha, mẹ tử vong vì nhiễm.

Ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm: Tây Ninh cần chỉ đạo, đôn đốc các cơ sở đào tạo vào cuộc tham gia cùng doanh nghiệp để đào tạo lại tay nghề cho người lao động 

Tham gia ý kiến ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) đề nghị, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tây Ninh cần chỉ đạo, đôn đốc các cơ sở đào tạo phải vào cuộc tham gia, có phương án phối hợp cùng doanh nghiệp để đào tạo lại tay nghề cho người lao động, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực khi doanh nghiệp cần, đặc biệt là khi sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn đã hoạt động bình thường trở lại. Bên cạnh đó, Tây Ninh cũng cần tổ chức đào tạo lại tay nghề cho người lao động thất nghiệp, để họ có cơ hội chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm mới, sớm ổn định cuộc sống. “Tây Ninh cần khảo sát cung - cầu lao động của các doanh nghiệp tại địa bàn Tây Ninh và các tỉnh thành Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM để có phương án hỗ trợ kịp thời nguồn nhân lực cho doanh nghiệp và tạo việc làm cho người lao động”: ông Huy nói.

Phát biểu tại buổi làm việc Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH tại TP.HCM Phạm Anh Thắng cho rằng, thời gian qua Tây Ninh đã thực hiện đồng bộ các chính sách đảm bảo an sinh cho người dân, người lao động. Tuy nhiên, tổng các chính sách thực hiện còn đạt thấp so với các tỉnh phía Nam. Theo rà soát nhu cầu thì số đối tượng cần hỗ trợ khá lớn, nhưng tỷ lệ được phê duyệt và nhận hỗ trợ đạt thấp trên tổng số có nhu cầu. Do vậy, tỉnh cần có phản hồi sớm đối với số chưa được phê duyệt, trong đó nêu rõ lý do để người dân có thông tin, tránh việc phải chờ đợi gây bức xúc. Ông Thắng đề nghị, đối với số đối tượng đã được phê duyệt, đề nghị tỉnh Tây Ninh chỉ đạo các cấp chính quyền khẩn trương chi hỗ trợ cho số trên 7.300 đối tượng là lao động không có giao kết hợp đồng lao động đã được phê duyệt.

Ông Phạm Anh Thắng: Tây Ninh cần khẩn trương chi hỗ trợ cho số đối tượng là lao động không có giao kết hợp đồng lao động đã được phê duyệt 

“Tây Ninh là địa phương cung ứng lao động nên có thể sẽ không gặp phải tình trạng thiếu hụt lao động lớn. Tuy vậy, số lượng trên 16.000 lao động từ các tỉnh, thành về Tây Ninh tránh dịch cần phải được hỗ trợ sớm về việc làm và an sinh. Tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kết nối với các Trung tâm Dịch vụ việc làm ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai để kết nối, giải quyết việc làm trên cơ sở đồng bộ các chính sách thu hút lao động quay trở lại thị trường lao động, giúp họ sớm ổn định cuộc sống”: ông Thắng đưa ra ý kiến.

Qua báo cáo của Tây Ninh, Thứ trưởng Lê Văn Thanh ghi nhận, địa phương đã cơ bản đảm bảo an sinh cho người dân. Một số chính sách hỗ trợ có tỷ lệ cao như: Chính sách hỗ trợ trẻ em, người tham gia phòng chống dịch, người bán vé số, lao động tự do, hỗ trợ gạo. Tuy nhiên, Thư trưởng cho rằng Tây Ninh cần đánh giá lại nguyên nhân tại sao còn một số chính sách triển khai chậm, hạn chế để khắc phục trong thời gian sớm nhất; tiếp tục rà soát thật kỹ các nhóm hỗ trợ để hỗ trợ kịp thời vì nhiều người dân còn khó khăn sau giãn cách. Đồng thời, cần áp dụng công nghệ thông tin để việc rà soát nhanh hơn, chính xác hơn. "Cần triển khai nhanh hơn nữa Nghị quyết 116 của Chính phủ để tiền hỗ trợ sớm đến tay người dân. Đây là gói hỗ trợ chưa có tiền lệ, tiền đến tay người dân càng sớm, người dân càng phấn khởi": Thứ trưởng Thanh nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, Tây Ninh cần điều tra nắm bắt được nhu cầu lao động, phân loại, đánh giá trình độ nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; Kết nối cung cầu chặt chẽ với các tỉnh, thành như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai để giải quyết nhu cầu việc làm cho người dân. Đặcbiệt, phải tìm mọi cách để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trở lại, người lao động làm việc trở lại. Trong đó, cần đẩy mạnh tiêm vaccine, thành lập, bố trí các cơ sở y tế hỗ trợ cho người lao động, để khi xảy ra những ca nhiễm Covid-19, có hướng xử lý kịp thời.

Trương Đăng

TAG:
Tin khác
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững
Một số định hướng cho việc làm bền vững ở Kiên Giang
Việc làm bền vững từ sự chủ động kết nối cung - cầu lao động ở Kiên Giang
Huyện Con Cuông (Nghệ An) hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho lao động địa phương