An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Quảng Ninh đã nhận diện rõ nguy cơ mất an toàn lao động
11:16 PM 12/07/2023
(LĐXH)- Ngày 12/7, Đoàn công tác Trung ương về tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã có buổi làm việc tại tỉnh Quảng Ninh về kết quả 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị này trên địa bàn.
Đoàn do Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH Lê Văn Thanh làm Trưởng đoàn. Tham gia Đoàn công tác có đại diện các đơn vị: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và lãnh đạo Cục An toàn Lao động (Bộ Lao động – TBXH).
Về phía tỉnh Quảng Ninh có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hạnh cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh.
Quang cảnh buổi làm việc tại UBND tỉnh Quảng Ninh
Nhằm khắc phục những hạn chế yêu kém, tăng cường chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động, ngày 18/9/2013, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 29-CT/TW về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Cụ thể hóa Chỉ thị để kéo giảm tai nạn lao động
Báo cáo với Đoàn công tác về tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW, ông Vũ Quang Trực, Phó Giám đốc Sở Lao động – TBXH Quảng Ninh, cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW của Ban Bí thư, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã xây dựng ban hành Chương trình hành động số 21-Ctr/TU ngày 05/12/2013, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, nhân dân tổ chức nghiên cứu, quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện. Trên cơ sở đó, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động số 21-Ctr/TU và Kế hoạch số 1266/KH-UBND ngày 18/3/2014 của UBND tỉnh Quảng Ninh về đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; đồng thời, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về công tác ATVSLĐ.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá cao những kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
Hằng năm, tỉnh đều ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp, người lao động thực hiện các chương trình, kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ và phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ATVSLĐ trên địa bàn. Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai thực hiện Chỉ thị đã được các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện đầy đủ có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả...
Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về ATVSLĐ cũng được tỉnh Quảng Ninh quan tâm đổi mới nội dung, hình thức tới cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân, người lao động. Cùng với đó là tăng cường công tác đào tạo, nâng cao hiểu biết, kỹ năng phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và đảm bảo ATVSLĐ. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, sử dụng trang thiết bị đảm bảo ATVSLĐ, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho người lao động…
Đặc biệt, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm, đầu tư cho công tác ATVSLĐ; đề cao ý thức tự kiểm tra một cách thường xuyên của cơ sở để chủ động phát hiện các sai phạm, các nguy cơ mất an toàn để từ đó có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời; quan tâm đầu tư công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, cải thiện điều kiện làm việc, tăng năng suất lao động, bảo đảm an toàn trong sản xuất; thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người lao động.
Triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW, tình hình tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã giảm so với giai đoạn trước năm 2013; tất cả các vụ tai nạn lao động chết người xảy ra đều được tổ chức điều tra kịp thời, chính xác, khách quan…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh phát biểu tại buổi làm việc
Kết quả trong giai đoạn 2013 – 2022, toàn tỉnh xảy ra 5.545 vụ tai nạn lao động, làm chết 5.729 người bị nạn. Trong đó, tai nạn nhẹ 1.875 vụ, 1.936 người bị nạn; tai nạn nặng 3.402 vụ, 3.499 người bị nạn; tai nạn chết người 268 vụ, 294 người chết (bình quân hàng năm trong giai đoạn 2013 – 2022 để xảy ra 27 vụ tai nạn lao động chết người). Tổng kinh phí thiệt hại tai nạn lao động từ năm 2013 - 2022 là 231,2 tỷ đồng, số ngày nghỉ do tai nạn lao động là 338.142 ngày. Riêng các đơn vị ngành than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh để xảy ra 177 vụ tai nạn lao động chết người, làm chết 196 người (chiếm 66,04% số vụ và 66,6 người chết trên địa bàn).
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình tai nạn lao động tại Quảng Ninh giảm mạnh, so với cùng kỳ năm 2022 giảm 04 vụ tai nạn lao động chết người, giảm 01 người chết; trong đó, các đơn vị thuộc ngành than để xảy ra 05 vụ tai nạn lao động chết người, làm chết 05 người.
Từ năm 2013 – 2022, toàn tỉnh đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 1.328.465 lượt người lao động; khám bệnh nghề nghiệp cho 169.590 lượt người lao động, qua khám đã phát hiện 3.684 người bị mắc bệnh nghề nghiệp...
Khắc phục kịp thời các nguy cơ mất an toàn
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác đều thống nhất cao với báo cáo đánh giá kết quả 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW của tỉnh Quảng Ninh; đồng thời, đưa ra một số ý kiến đóng góp để tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thực hiện tốt hơn các quy định của pháp luật về công tác ATVSLĐ, tập trung cải thiện điều kiện, môi trường làm việc và chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống người lao động...
Cục trưởng Cục An toàn Lao động Hà Tất Thắng đánh giá quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị tại tỉnh Quảng Ninh
Cụ thể, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng An toàn Lao động, đánh giá: Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên ban hành Chương trình hành động riêng để thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW; Tỉnh ủy cũng ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát chuyên đề về việc thực hiện công tác ATVSLĐ. Ngay sau khi Tỉnh ủy Quảng Ninh bàn hành Chương trình hành động số 21-Ctr/TU, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng Sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ theo từng ngành, lĩnh vực của mình. Tỉnh cũng đã kịp thời thành lập các Ban Chỉ đạo, thành lập Hội đồng ATVSLĐ các cấp; trong đó, ở cấp tỉnh do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng ATVSLĐ và thành viên là đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành được giao về công tác ATVSLĐ. Đây chính là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với công tác ATVSLĐ.
“Do là tỉnh đặc thù, nhất là ngành than, xi măng, xây dựng, sản xuất điện… tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động, nhiều ngành dễ mắc bệnh nghề nghiệp, nhưng từ khi triển khai Chỉ thị số 29-CT/TW, tai nạn lao động chết người ở Quảng Ninh đã giảm đáng kể, trước đây bình quân mỗi năm có khoảng 40 người chết vì tai nạn lao động. Tuy nhiên, qua thanh tra, kiểm tra thấy rằng việc xây dựng kế hoạch đảm bảo ATVSLĐ tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được thực hiện tương đối tốt. Ví dụ như từ bộ máy chuyên trách hoạt động về ATVSLĐ, đến bộ phận bán chuyên trách, đến hệ thống an toàn vệ sinh viên… ở trong doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh đi vào hoạt động đều khắp, nền nếp và hiệu quả. Qua đó đã khắc phục kịp thời các nguy cơ gây mất ATVSLĐ” - Cục trưởng Hà Tất Thắng, dẫn chứng.
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp phát biểu tại buổi làm việc
Theo Cục trưởng Hà Tất Thắng, đến nay, song song với nhiệm vụ tuyên truyền, huấn luyện, kiểm tra, giám sát ATVSLĐ, công tác khám chữa bệnh, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động cũng được tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc. Nhiều doanh nghiệp còn có bệnh viện, phòng khám, khoa phòng riêng để khám chữa mắc bệnh nghề nghiệp (rửa phổi, xúc lọc phổi…).
Thành viên đoàn công tác Nguyễn Văn Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Văn phòng Trung ương Đảng), nhận xét: Với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ngành liên quan, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với công tác ATVSLĐ thường xuyên được tăng cường, nhất là hoạt động điều tra và xử lý điều tra tai nạn lao động để tìm ra nguyên nhân và từ có phương án phòng ngừa tai nạn lao động được thực hiện hiệu quả...
Đưa tiêu chí ATVSLĐ vào phong trào thi đua
Làm rõ thêm những kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chia sẻ: Nhiều năm qua, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và nhiều Sở, ngành luôn “đau đáu” với công tác đảm bảo ATVSLĐ và được thể hiện bằng quyết tâm rằng “Quy mô tăng trưởng kinh tế hàng năm đều phải tăng, phát triển các lĩnh vực cũng phải tăng, nhưng tai nạn lao động trong tỉnh phải giảm”. Bởi lẽ, ở dưới đất là hàng trăm km hầm lò, có nơi còn âm 300 – 400m; Vịnh Hạ Long là Di sản Thiên nhiên thế giới nên có nhiều du khách tới du lịch (6 tháng đầu năm đón xấp xỉ 9 triệu lượt khách, đứng thứ 3 toàn quốc, bằng cả năm 2022), rồi hoạt động của các biển cảng nước sâu, tàu thuyền đi lại thì ATVSLĐ luôn là vấn đề thường trực, “đau đáu”.
 Phó Giám đốc Sở Lao động – TBXH Quảng Ninh Vũ Quang Trực báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị
“Thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung nâng cao nhận thức, tạo ra nhiều phong trào thi đua gắn với công tác đảm bảo ATVSLĐ, cùng với đó là đưa ra các tiêu chí để bình xét, trong đó có tiêu chí nếu để xảy ra vấn đề về an toàn lao động, không đảm bảo ATVSLĐ thì coi như đơn vi, doanh nghiệp đó không đạt danh hiệu thi đua đã đăng ký” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hạnh, trao đổi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hạnh, cho biết: Thực hiện công tác đảm ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tỉnh Quảng Ninh còn quyết liệt trong việc giải quyết các vấn đề môi trường. Tỉnh cũng đã đầu tư các hệ thống quan trắc tự động, thông báo ở Cổng Thông tin điện tử và các phần mềm là khí thải, nước thải, tiếng ồn… để báo trực tiếp, tự động giải quyết các vấn đề về bụi, tiếng ồn đã góp phần rất nhiều cho lĩnh vực ATVSLĐ...
Thành viên Đoàn công tác tham góp ý kiến tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá cao những chuyển biến hết sức quan trọng về nhận thức, hành động của các cấp ủy, hệ thống chính trị, lực lượng làm công tác ATVSLĐ, người lao động và người sử dụng lao động sau khi Chỉ thị số 29-CT/TW của Ban Bí thư ban hành. Đến nay, Chỉ thị đã được tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc, thể hiện xuyên suốt từ tỉnh tới cơ sở bằng các giải pháp, kế hoạch cụ thể.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh, nhấn mạnh: Thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW, lực lượng làm công tác ATVSLĐ ở các cấp, các ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được tiếp cận, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để tham mưu, triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về ATVSLĐ. Người sử dụng lao động, người lao động đã được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các thông tin cần thiết về công tác ATVSLĐ; hỗ trợ triển khai thực hiện việc đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và các chế độ chính sách về ATVSLĐ.
Đại diện lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Ninh trao đổi về kết quả phối hợp trong thực hiện công tác ATVSLĐ
“Không chỉ phân vai cho từng Sở, ngành rất rõ ràng, tỉnh Quảng Ninh còn tập chung chỉ đạo các đơn vị liên quan nhận diện rõ nguy cơ mất an toàn lao động tại cơ sở hạ tầng, các công trường xây dựng, các ngành và lĩnh vực sản xuất kinh doanh… là những nơi có nguy cơ cao về ATVSLĐ để có thể phòng ngừa ngay từ đầu. Công tác điều tra cũng được thực hiện rất kịp thời, rất chính xác, công tác này có sự vào cuộc của cả lực lượng công an, ngành Lao động – TBXH và các sở, ngành liên quan đều vào cuộc, vừa có sự độc lập, vừa phối hợp… Bên cạnh đó, người bị tai nạn lao động được hỗ trợ kịp thời, ngoài hỗ trợ theo quy định thì được hỗ trợ ngoài theo quy định của luật, cái này rất quan trọng” - Thứ trưởng Lê Văn Thanh, ghi nhận.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh, đề nghị: Thời gian tới, tỉnh Quảng ninh cần tiếp tục thực hiện tốt các nội dung tại Chỉ thị số 29-CT/TW. Đồng thời, đẩy mạnh huấn luyện, tuyên truyền, ứng dụng công nghệ khoa học đối với công tác ATVSLĐ; trong đó chí trọng tuyên truyền, huấn luyện tập trung vào các đối tượng là lao động phi chính thức, bởi đây là đối tượng dễ bị tai nạn lao động, cần được quan tâm hỗ trợ nhất; đồng thời, tăng cường cơ chế huy động nguồn lực thực hiện công tác ATVSLĐ. Đặc biệt là tiếp tục nhận diện rõ nguy cơ mất an toàn lao động để có phương án phòng ngừa tai nạn lao động từ xa…
Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác với Thành ủy, UBND thành phố Hạ Long
Cùng ngày, Đoàn công tác đã tới kiểm tra tình hình thực tế triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư tại thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh). Đây được đánh giá là một trong những đơn vị, địa phương thục hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị này. Hàng năm Hạ Long, quán triệt đến tất cả cán bộ, công chức, đảng viên và nhân dân về các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và nhanh chóng ban hành các Quyết định, Kế hoạch, văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn để tổ chức tốt công tác đảm bảo ATVSLĐ...

Chí Tâm

TAG: số 29-CT/TW
Tin khác
 Tiền Giang: Đẩy mạnh hoạt động kết nối việc làm cho người lao động
Nam Định: Đa dạng các phiên giao dịch việc làm cho người lao động
TP.HCM: Tổ chức gần 90 phiên giao dịch việc làm, kết nối cung – cầu lao động
Huyện Đông Giang (Quảng Nam): Đẩy mạnh cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ người nghèo tìm kiếm việc làm
Nam Định: Khẳng định vị thế của Trung tâm Dịch vụ việc làm
Xã Hành Đức: Nỗ lực kết nối việc làm cho người nghèo
Huyện Đức Hoà (Long An) nỗ lực tìm kiếm giải pháp tạo việc làm ổn định cho người lao động
Long An chủ động kết nối doanh nghiệp đưa lao động sang Nhật Bản làm việc
Kiên quyết không để đối tượng xấu lừa đảo đưa lao động sang Úc làm việc bất hợp pháp