Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Đánh giá tốt nguy cơ để phòng ngừa rủi ro tai nạn lao động
(LĐXH)- Đây là một trong những ý kiến phát biểu của Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH Lê Văn Thanh, Trưởng đoàn công tác Trung ương về tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập công quốc tế tại buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và một số đơn vị trực thuộc vào ngày 28/6.
Tham gia Đoàn công tác có đại diện các đơn vị: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và lãnh đạo Cục An toàn Lao động (Bộ Lao động – TBXH).
Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có ông Dương Mạnh Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó tổng Giám đốc; bà Nghiêm Thùy Lan, Chủ tịch Công đoàn cùng đại diện một số Công ty, đơn vị trực thuộc.
Nhằm khắc phục những hạn chế yêu kém, tăng cường chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 29-CT/TW về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Tại buổi làm việc, có ông Dương Mạnh Sơn, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, cho biết: Tập đoàn dầu khí là 1 trong 19 Tập đoàn, Tổng Công ty lớn nhất cả nước hoạt động trong lĩnh vực dầu khí đảm bảo an ninh năng lượng cũng như các vấn đề khác, tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia… Chính vì thế mà trong nhiều năm qua, công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) luôn được cấp ủy Đảng, lãnh đạp Tập đoàn xác định là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu. Trách nhiệm thực hiện chính sách pháp luật về ATVSLĐ được gắn kết với trách nhiệm của người đứng đầu; các tiêu chí, chuẩn mực, yêu cầu đối với công tác này được cụ thể hóa trong suốt quá trình sản xuất kinh doanh của toàn Tập đoàn.
Theo Phó tổng Giám đốc Dương Mạnh Sơn, ngay từ khi thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW, Đảng ủy Tập đoàn đã phổ biến, quán triệt đến các chi/Đảng ủy trực thuộc để triển khai thực hiện nhằm thực hiện tốt các giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Từ đó tiến tới xây dựng văn hóa an toàn trong mỗi đơn vị trước yêu cầu hội nhập của đất nước.
“Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW của Ban Bí thư, cả 6 nội dung của Chỉ thị hoàn toàn phù hợp với nhu cầu hiện tại và đặc thù sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Đến nay, Chỉ thị 29-CT/TW vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn đối với Tập đoàn, thực hiện Chỉ thị này đã nâng cao ý thức và trách nhiệm về công tác ATVSLĐ của toàn Tập đoàn” - Phó tổng Giám đốc Dương Mạnh Sơn, trao đổi.
Kết quả cụ thể, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các đơn vị toàn Tập đoàn còn tăng cường công tác đào tạo, nâng cao hiểu biết, kỹ năng phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và đảm bảo an toàn lao động cho người lao động. Trong 10 năm, các đơn vị thuộc Tập đoàn đã đào tạo lần đầu và đào tạo lại cho 123.299 lượt người.
Thực hiện 60 đề tài nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, sử dụng trang thiết bị đảm bảo ATVSLĐ, cải thiện môi trường, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.
100% người lao động được khám sức khỏe định kỳ hàng năm. Đối với người lao động làm công việc nặng nhọc độc hại, việc khám sức khỏe được thực hiện ít nhất 06 tháng một lần và phối hợp để khám bệnh nghề nghiệp. 100% đơn vị đã xây dựng và triển khai áp dụng hệ thống quản lý an toàn sức khỏe môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế và thực hiện quản lý ATVSLĐ trên cơ sở đánh giá rủi ro…
Sau khi nghe báo cáo của Tập đoàn và một số đơn vị trực thuộc tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn công tác Trung ương về tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư đã trao đổi, giải đáp những đề xuất, kiến nghị…
Cụ thể, Cục trưởng Cục An toàn Lao động Hà Tất Thắng, trao đổi: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trên cơ sở thực tế cần sớm rà soáy, kiến nghị bổ sung ngành nghề mới, nghề nặng nhọc độc hại; thường xuyên cập nhật bổ sung kiến thức mới về ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động theo tinh thần Chỉ thị số 29-CT/TW. Bởi lẽ, đối với ngành dầu khí, người lao động làm việc trên biển mang tính chất đặc thù, không phải ngày làm 8 tiếng mà có khi phải làm cả tháng trên biển; các trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp trong lĩnh vực này chủ yếu kà điếc nghề nghiệp
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá cao và ghi nhận nhiều kết quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, bởi đây là một trong số các đơn vị có đóng góp lớn đối với ngân sách Nhà nước.
Cùng ngày, Đoàn công tác đã tới khảo sát thực tế tại Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) về tình hình triển khai Chỉ thị số 29-CT/TW tại cơ sở theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với một số đơn vị thuộc Tổng Công ty.
Chí Tâm
TAG:
số 29-CT/TW