An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp tiếp đón Tổng Vụ trưởng Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế CHLB Đức
04:05 PM 12/05/2017
(LĐXH) Sáng ngày 12/5, tại trụ sở Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đã có buổi tiếp đón và làm việc với ngài Gunther Beger, Tổng Vụ trưởng Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế CHLB Đức. Cùng tham dự buổi tiếp còn có đại diện Lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Bảo hiểm xã hội, Vụ Pháp chế, Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Cục Việc làm, Cục Quan hệ lao động tiền lương và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.
Toàn cảnh buổi tiếp đón và làm việc
Tại buổi đón tiếp, thứ trưởng Doãn Mậu Diệp rất vui mừng chào đón đoàn đại biểu đã tới thăm Bộ trong dịp tới dự APEC tại Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh về mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước nói chung và sự hợp tác bền vững trong lĩnh vực lao động nói riêng, hướng tới tăng trưởng xanh trong tương lai. Ngài Tổng Vụ trưởng Beger chân thành cảm ơn lời mời và sự đón tiếp nồng nhiệt của thứ trưởng Doãn Mậu Diệp và bày tỏ rằng sau 10 năm kể từ chuyến thăm đầu tiên, Việt Nam đã có rất nhiều thay đổi tích cực và đáng kể. Ngài cũng cho biết hiện nay, ngày càng có nhiều doanh nghiệp của Đức tham gia đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp về may mặc có mong muốn tìm hiểu kĩ hơn về quá trình sản xuất sản phẩm dệt may tại Việt Nam, bao gồm về an toàn lao động và lực lượng lao động tham gia sản xuất. Minh bạch hóa việc thực hiện vệ sinh an toàn lao động nói chung và quá trình sản xuất sản phẩm dệt may nói riêng cũng mục tiêu mà ngài Beger muốn trao đổi thêm với phía Việt Nam trong chuyến thăm lần này.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp chia sẻ thông tin với Đoàn trong buổi tiếp
Cảm ơn sự quan tâm của ngài Beger, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đã thông tin tóm tắt về Luật An toàn lao động được Quốc hội Việt Nam thông qua năm 2015 đã cụ thể hóa trách nhiệm của các bên liên quan (Người lao động – Người sử dụng lao động và Cơ quan nhà nước quản lý...), cũng như quá trình thanh tra, kiểm tra về an toàn lao động nhằm nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp để đảm bảo điều kiện sản xuất cho người lao động...Người lao động thường xuyên được khám sức khỏe, chữa trị bệnh liên quan tới tai nạn nghề nghiệp, được người sử dụng lao động hỗ trợ nếu họ không còn khả năng quay trở lại doanh nghiệp để lao động. Hàng năm, Bộ đều tổ chức Tháng Hành động về An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) nhằm nhắc nhở, giáo dục người lao động về an toàn lao động, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, phòng ngừa sự cố, tai nạn lao động. Công tác thanh tra được thực hiện đều đặn, tuy nhiên mới chủ yếu tập trung vào các ngành nghề có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động cao.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mong muốn cùng phối hợp với các cơ quan tổ chức trong và ngoài nước để thúc đẩy công tác này (Hiệp hội an toàn lao động Hàn Quốc, Hiệp hội OSHNET ASEAN...). Thứ trưởng cũng đề cập đến chương trình BETTER WORK hiện đang dành cho lĩnh vực dệt may, da giày và tương lai sẽ mở rộng ra các lĩnh vực khác về xây dựng quan hệ lao động, giảm thiểu loại trừ lao động trẻ em, lao động cưỡng bức và chính sách tiền lương, tiền công...
Ngài Tổng Vụ trưởng Gunther Beger lắng nghe và trao đổi ý kiến tại buổi tiếp
Hiện nay, có hơn 2,5 triệu lao động đang làm việc trong ngành công nghiệp dệt may tại Việt Nam và thứ trưởng cũng khẳng định các doanh nghiệp này luôn phòng ngừa và loại trừ lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng, không lạm dụng sức lao động của trẻ em. Hiệp hội dệt may Việt Nam cũng kết hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức các buổi làm việc, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về lao động trẻ em. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng tuân thủ tốt các quy định của Bộ Luật Lao động về tiền lương, chế độ phúc lợi, y tế của người lao động, các quy định riêng dành cho lao động nữ (thai sản, nuôi con trong một năm, xây dựng nhà trẻ),... Tổng Liên đoàn lao động Việt nam đang lên kế hoạch cho dự án nâng cao chất lương cán bộ Công đoàn nhằm hài hòa giá trị giữa người lao động và người sử dụng lao động trong việc giải quyết những vấn đề, khó khăn còn tồn đọng giữa hai bên.
Cảm ơn những chia sẻ thẳng thắn và thiết thực của Thứ trưởng, Ngài Tổng Vụ trưởng đánh giá cao những gì Việt Nam làm được cho chuỗi cung ứng để người tiêu dùng Đức mua được những sản phẩm thuộc chuỗi cung ứng minh bạch nguồn gốc xuất xứ. Ngài hy vọng 2 Bộ sẽ có những hợp tác chặt chẽ để giải quyết những mối quan tâm chung của hai bên thông qua đó sẽ cùng xây dựng những nội dung hợp tác cụ thể để tiến tới những sản phẩm “Made in Vietnam” sẽ mang một thương hiệu và chất lượng của Việt Nam.
Cuối buổi làm việc, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp một lần nữa cảm ơn Ngài Tổng Vụ trưởng và chúc ngài có chuyến công tác tại Việt Nam thành công.

Minh Ngọc

 

TAG:
Tin khác
Cơ hội việc làm cho người khuyết tật
Cà Mau: Thực hiện hiệu quả công tác chi trả trợ cấp thất nghiệp
Tập đoàn MetLife ghi tên trong Top 25 Nơi làm việc tốt nhất Thế giới năm 2024
Bạc Liêu tích cực triển khai thu thập, cập nhật thông tin việc tìm người - người tìm việc
Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại Chi nhánh Phát điện dầu khí
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
Thái Bình thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tạo thêm việc làm cho người lao động