Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Thông qua dự thảo Nghị quyết điều chỉnh giờ làm thêm
10:45 AM 24/03/2022
(LĐXH)- Ngày 23/3, tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 100% đại biểu có mặt đã thông qua dự thảo Nghị quyết điều chỉnh giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, về số giờ làm thêm trong 1 năm, người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 1 năm, trừ các trường hợp như: người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi; người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai.
Quang cảnh phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Về giờ làm thêm trong tháng, theo dự thảo Nghị quyết, trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.
Nghị quyết Nghị quyết điều chỉnh giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2022, còn với quy định làm thêm giờ trong 1 năm có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh: Việc nâng trần thời gian làm thêm trong tháng, trong năm nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ thấy rằng đây chỉ là giải pháp mang tính chất tình thế. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, đây là vấn đề rất cần thiết. 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu gọi mở để các đại biểu thảo luận
“Thời gian gần đây, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với một số Bộ, ngành thành lập các đoàn để tiến hành khảo sát tại nhiều địa phương cho thấy, đa số các doanh nghiệp, người sử dụng lao động, lao động đồng tình theo hướng đó do xuất phát từ nhu cầu thực tiễn hiện nay. Vấn đề tăng giờ làm thêm xuất phát từ yêu cầu khách quan và cũng từ nhu cầu của doanh nghiệp và của chính người lao động” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đến nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã lấy ý kiến của tất cả các hiệp hội, các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có lĩnh vực, ngành hàng, sản xuất xuất nhập khẩu và các thị trường đòi hỏi phải đảm bảo như: dệt may, da giầy, điện tử… thì yêu cầu tăng giờ làm thêm là vấn đề bức thiết.
Bên cạnh đó, theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, trong 17.000 lượt người cho ý kiến thì hầu hết đồng tình với việc điều chỉnh giờ làm thêm.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng vấn đề tăng giờ làm thêm xuất phát từ yêu cầu khách quan
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho rằng: Từ thực tiễn do sức ép công việc, đơn hang, nhiều doanh nghiệp đã trực tiếp thỏa thuận với người lao động để tiến hành việc làm thêm. Chính vì việc này dẫn đến quyền lợi của người lao động đôi khi không được đảm bảo. Trong khi đó, trong luật quy định rất rõ chính sách đối với giờ làm thêm, do vậy, khi thực hiện vấn đề này công khai, minh bạch, quyền lợi của người lao động sẽ được bảo đảm.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nêu ý kiến: Tăng số giờ làm thêm trong tháng, trong năm với bối cảnh hiện nay là chính sách hết sức quan trọng của Đảng, Nhà nước. Qua đó, giữ được vai trò, vị thế của Việt Nam trong chuỗi sản xuất, kinh doanh toàn cầu.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, cho biết: Dự thảo Nghị quyết điều chỉnh giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động đã có sự thống nhất giữa cơ quan tẩm tra và cơ quan soạn thảo. Theo đó, người sử dụng lao động được sử dụng người lao động tối đa 300 giờ/năm thì mới được sử dụng người lao động tối đa không quá 60 giờ/tháng…
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, bo biết: Qua ý kiến thảo luận của các đồng chí ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ bản tán thành với dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về làm thêm trong 1 tháng 1 năm của người lao động. Đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo thêm về công ty mà có yêu cầu làm thêm giờ, có đơn đặt hàng để giải quyết các nhu cầu của doanh nghiệp và người lao động trong thời gian tới.
Tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 100% đại biểu có mặt đã thông qua dự thảo Nghị quyết điều chỉnh giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Trần Thắng

TAG:
Tin khác
Phân tích các biến số vĩ mô và vi mô, chỉ ra cơ hội đầu tư tiềm năng trong thời gian tới
TP.HCM tăng cường kết nối cung – cầu giải quyết việc làm cho người lao động
Đảm bảo tiến độ thi công nhưng an toàn lao động vẫn phải là trên hết
Phú Thọ tích cực thu thập thông tin về người lao động, góp phần hỗ trợ việc làm bền vững
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững