Cháy rừng Los Angeles "đốt nóng" thị trường bảo hiểm nhà giá rẻ ở khu nhà giàu
Vừa bước sang năm 2025, thành phố Los Angeles, California, Mỹ đã phải hứng chịu những trận cháy rừng nghiêm trọng, thiêu rụi hàng chục nghìn mẫu đất và gây thiệt hại cho hàng trăm nghìn công trình kiến trúc. Đáng chú ý, khu vực Pacific Palisades lại là một trong những khu dân cư đắt đỏ nhất nước Mỹ và trớ trêu thay, phí bảo hiểm nhà ở khu vực này lại thuộc hàng rẻ nhất cả nước. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, với sự tàn phá của các vụ cháy rừng, tình hình này có thể sẽ sớm thay đổi.
Theo phân tích dữ liệu từ ngành bảo hiểm và bất động sản của hãng tin Reuters, chính sách quản lý "thân thiện với người tiêu dùng" của bang California đã hạn chế giá bảo hiểm, ngay cả ở những khu vực có rủi ro cao. Dữ liệu cho thấy, so với giá trị nhà, mức phí bảo hiểm trung bình toàn bang California năm 2023 thuộc hàng thấp nhất trong 50 bang của Mỹ. Đáng ngạc nhiên hơn, khu dân cư cao cấp Pacific Palisades còn có chi phí bảo hiểm rẻ hơn 97% khu vực khác trên toàn quốc.
Quy mô thiệt hại do cháy rừng ở Los Angeles đã khiến nhiều công ty bảo hiểm thu hẹp hoạt động kinh doanh. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Dữ liệu từ công ty nghiên cứu rủi ro khí hậu First Street cho thấy, 95% nhà ở tại Pacific Palisades đối mặt với nguy cơ cháy lớn. Thế nhưng, chủ nhà tại đây chỉ phải trả mức phí bảo hiểm trung bình 5.450 USD (khoảng 138 triệu đồng) vào năm 2023. Con số này thậm chí còn thấp hơn mức phí mà cư dân khu nhà giàu Glencoe ở Chicago phải trả và còn rẻ hơn cả phí bảo hiểm mà người dân khu Lower Ninth Ward nghèo khó ở New Orleans phải gánh.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, quy mô thiệt hại do cháy rừng quanh Los Angeles, cộng với những thay đổi pháp lý được ban hành vào cuối năm ngoái, có thể sẽ chấm dứt kỷ nguyên bảo hiểm nhà giá rẻ ở các khu vực rủi ro cao như Pacific Palisades. Trong tương lai, phí bảo hiểm ở những khu vực này dự kiến sẽ tăng mạnh.
Ngành bảo hiểm lao đao vì thiên tai, California thay đổi chính sách
Ngành bảo hiểm Mỹ những năm gần đây đang chật vật đối phó với những thách thức do thời tiết khắc nghiệt gây ra. Chỉ riêng năm 2023 đã có hơn 24 vụ cháy rừng, lũ lụt và các thảm họa liên quan đến khí hậu khác gây thiệt hại hàng tỷ đô la. Giá bảo hiểm ở các khu vực thường xuyên hứng chịu bão như Louisiana và Florida đã tăng hơn gấp đôi sau các trận bão năm 2020, 2021 và 2022.
Cho đến gần đây, cơ quan quản lý California vẫn áp đặt kiểm soát giá đối với bảo hiểm nhà ở, hạn chế mức tăng hàng năm. Tuy nhiên, do khó khăn trong việc tạo lợi nhuận, các công ty bảo hiểm đã lần lượt rút khỏi thị trường. Theo số liệu từ cơ quan quản lý bang, 7 trong số 12 công ty bảo hiểm lớn nhất đã tạm ngừng hoặc thu hẹp hoạt động kinh doanh mới kể từ năm 2022.
Trước tình hình các công ty bảo hiểm khó cung cấp dịch vụ trên diện rộng, cơ quan quản lý California đã phải đánh giá lại chính sách của mình. Vào tháng 12 năm ngoái, chính quyền đã công bố một cải cách, cho phép các công ty bảo hiểm dễ dàng tăng phí và tính cả rủi ro khí hậu cũng như chi phí tái bảo hiểm vào giá. Tuy nhiên, chính sách mới cũng yêu cầu các công ty bảo hiểm phải cung cấp bảo hiểm cho các khu vực có rủi ro cao.
Ông Patrick Douville, phó chủ tịch bộ phận bảo hiểm của công ty Morningstar nhận định, các công ty bảo hiểm sẽ nỗ lực tiếp tục cung cấp dịch vụ tại California, thị trường sinh lời nhất nước Mỹ. "Nhưng các công ty bảo hiểm cũng cần tính ngẫu nhiên. Nếu luôn là cùng một nhóm người bị ảnh hưởng, thì họ buộc phải thu phí bảo hiểm cắt cổ", ông Douville nói.
Lê Nguyên