NASA: DeepSeek làm dấy lên lo ngại về an ninh quốc gia và quyền riêng tư
NASA vừa trở thành cơ quan liên bang mới nhất của Mỹ cấm nhân viên sử dụng công nghệ AI DeepSeek của Trung Quốc, đồng thời chặn truy cập vào nền tảng này trên hệ thống của cơ quan. Trong một bản ghi nhớ nội bộ, Giám đốc AI của cơ quan này cho biết các máy chủ của DeepSeek “hoạt động bên ngoài nước Mỹ, làm dấy lên lo ngại về an ninh quốc gia và quyền riêng tư”.
Bản ghi nhớ nêu rõ: “DeepSeek và các sản phẩm, dịch vụ của nền tảng này không được phép sử dụng với dữ liệu và thông tin của NASA hoặc trên các thiết bị, mạng lưới do Chính phủ cấp”.
DeepSeek, một trợ lý AI có thể tải xuống miễn phí, hiện đã có mặt tại Mỹ và đang cạnh tranh với những sản phẩm như ChatGPT của OpenAI và Gemini của Google. Ứng dụng này nhanh chóng vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng App Store của Apple vào đầu tuần, soán ngôi ChatGPT. Tính đến thời điểm hiện tại, DeepSeek vẫn giữ vị trí số một.
Văn phòng Quốc hội Mỹ mới đây cũng đã ban hành quy định DeepSeek “không được phép sử dụng trong những hoạt động chính thức của Hạ viện”, theo một thông báo từ Văn phòng Hành chính trưởng của Hạ viện.
Trước đó, Hải quân Mỹ đã ra chỉ thị yêu cầu nhân viên không sử dụng DeepSeek “dưới bất kỳ hình thức nào” do lo ngại về an ninh quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến nguồn gốc cũng như cách thức hoạt động của mô hình AI này.
Tổng thống Donald Trump nhận định sự trỗi dậy nhanh chóng của DeepSeek là một “hồi chuông cảnh tỉnh” cho ngành công nghệ Mỹ.
DeepSeek-R1 – chatbot AI do một công ty Trung Quốc phát triển mới ra mắt gần đây đã gây chấn động ngành công nghệ toàn cầu với mô hình AI mã nguồn mở DeepSeek-R1, cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm như ChatGPT của OpenAI và Gemini của Alphabet. AI này gây bất ngờ khi có chi phí phát triển rất thấp, chỉ khoảng 6 triệu USD, so với hơn 100 triệu USD của GPT-4.
Sự xuất hiện của DeepSeek khiến cho thị trường AI trở nên sôi động hơn. Tuy nhiên, sự phát triển thần tốc và các vấn đề xoay quanh ứng dụng AI này cũng làm dấy lên nhiều nghi ngại. Mới đây, nhiều công ty và cơ quan chính phủ trên toàn cầu đã ban hành các quy định hạn chế quyền truy cập vào DeepSeek, vì lo ngại về chính sách bảo mật lỏng lẻo.
Làn sóng cấm đoán này chủ yếu xuất phát từ mối lo ngại về nguy cơ rò rỉ dữ liệu sang chính phủ Trung Quốc và những chính sách bảo mật lỏng lẻo của DeepSeek, Bloomberg đưa tin.
Sự phát triển thần tốc của DeepSeek
DeepSeek là một công ty công nghệ được thành lập vào năm 2023 tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc. Người sáng lập công ty này là Lương Văn Phong, sinh năm 1985, thạc sĩ ngành kỹ thuật điện tử và thông tin tại Đại học Chiết Giang.
DeepSeek đã mua hàng nghìn chip máy tính từ nhà sản xuất chip Nvidia của Mỹ, nỗ lực tạo ra hệ thống AI mạnh mẽ. Tại Trung Quốc, công ty này nổi tiếng với chính sách thu hút các kỹ sư AI trẻ và tài năng từ những trường đại học hàng đầu ở trong nước nhờ mức lương cao và môi trường làm việc đề cao tính hiệu quả và sáng tạo.
Giống các công ty khởi nghiệp AI khác, DeepSeek cũng đã phát triển và thử nghiệm nhiều mô hình AI khác nhau, nhưng không thực sự tạo được sự chú ý. Bước ngoặt xảy đến khi công ty này cho ra mắt DeepSeek R1 – một mô hình AI ngôn ngữ lớn (LLM) thế hệ mới được đánh giá là có khả năng tính toán ngang ngửa ChatGPT của OpenAI.
Điểm khiến DeepSeek R1 gây kinh ngạc nhất đó là mô hình AI này chỉ mất 5,6 triệu USD để xây dựng và vận hành, trong khi các hãng công nghệ của Mỹ đang chi ra hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đô la để phát triển và vận hành mô hình AI của riêng họ.
Cách DeepSeek tạo ra mô hình AI thông minh với chi phí rẻ
Là một công ty công nghệ của Trung Quốc, DeepSeek gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các dòng chip AI mạnh mẽ nhất của Nvidia. Do đó, DeepSeek phải đưa ra một phương pháp luận hiệu quả hơn để đào tạo các mô hình AI của mình, họ đã tối ưu hóa kiến trúc mô hình AI bằng cách sử dụng một loạt thủ thuật kỹ thuật, các sơ đồ giao tiếp tùy chỉnh giữa các con chip, giảm kích thước các trường dữ liệu để tiết kiệm bộ nhớ, yêu cầu sử dụng ít tài nguyên máy tính hơn để đào tạo, sử dụng sáng tạo bằng cách kết hợp các mô hình AI khác nhau.
DeepSeek sử dụng kỹ thuật "tính toán thời gian suy luận", nghĩa là mô hình này chỉ kích hoạt những phần liên quan nhất của hệ thống để đưa ra câu trả lời cho mỗi truy vấn, thay vì truy xuất toàn bộ thông tin từ cơ sở dữ liệu khổng lồ của hệ thống. Điều này giúp cho DeepSeek có tốc độ phản hồi nhanh và tiết kiệm chi phí vận hành.
Các công ty hàng đầu thế giới thường đào tạo chatbot của họ bằng siêu máy tính sử dụng tới 16.000 con chip hoặc hơn thế. Tuy nhiên, các kỹ sư của DeepSeek cho biết họ chỉ cần sử dụng khoảng 2.000 chip do Nvidia sản xuất.
Bên cạnh đó, với việc sử dụng mã nguồn mở DeepSeek có thể được phát triển nhờ vào sự đóng góp của cộng đồng.
David Sacks, một nhà đầu tư mạo hiểm được tân Tổng thống Donald Trump chỉ định nhiệm vụ giám sát chính sách phát triển AI và tiền điện tử của chính phủ Mỹ nhận định DeepSeek sẽ khiến cuộc đua AI trở nên rất cạnh tranh.
Tác động của DeepSeek đến ngành công nghệ AI
Nvidia hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc đua phát triển AI, khi các hãng công nghệ đã phải đầu tư rất nhiều để mua chip của thương hiệu này phục vụ cho hệ thống AI.
Sự xuất hiện của DeepSeek khiến giá cổ phiếu của Nvidia sụt giảm hơn 20%, giá trị vốn hóa "bay hơi" hơn 600 tỷ USD chỉ tính riêng trong ngày thứ hai (27/1) vừa qua.
Sở dĩ có điều này vì các nhà đầu tư lo ngại rằng Nvidia sẽ không thể tiếp tục bán các loại chip AI cao cấp và đắt tiền do các hãng công nghệ có thể tận dụng chiến lược của DeepSeek, sử dụng các loại chip AI giá rẻ vẫn có thể phát triển được hệ thống AI mạnh mẽ.
Cổ phiếu của các hãng công nghệ khác cũng bị các nhà đầu tư bán tháo kể từ thời điểm DeepSeek R1 được ra mắt và sử dụng rộng rãi tại Mỹ. Điều này cho thấy DeepSeek đã phần nào ảnh hưởng đến các hãng công nghệ Mỹ và cuộc đua AI trên toàn cầu.
"DeepSeek cho thấy mô hình AI này tiêu tốn ít năng lượng và hiệu quả, tiết kiệm chi phí hơn so với các mô hình AI của Mỹ khiến các nhà đầu tư công nghệ rất lo lắng", Jay Woods, chuyên gia phân tích của hãng tài chính Freedom Capital Markets (Mỹ), cho biết.
Sự xuất hiện của DeepSeek cũng khiến các hãng công nghệ lớn tại Mỹ như OpenAI, Microsoft, Google, Meta… phải tối ưu hóa mô hình hoạt động và kinh phí vận hành các hệ thống AI của riêng mình, nếu không muốn bị xem là thất bại trong cuộc đua AI với Trung Quốc.
Nghi vấn DeepSeek dùng ChatGPT để để tạo ra AI
OpenAI, nhà sản xuất ChatGPT, ngày 29/1 đã cảnh báo rằng các công ty khởi nghiệp Trung Quốc "liên tục" sử dụng công nghệ của mình để phát triển các sản phẩm cạnh tranh. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu độc lập của các kỹ sư công nghệ cũng chỉ ra rằng DeepSeek đã sử dụng các mô hình AI của OpenAI để tạo ra AI.
OpenAI và Microsoft đang tiến hành một cuộc điều tra xem liệu công nghệ độc quyền có bị lấy cắp một cách trái phép thông qua một kỹ thuật được gọi là “chưng cất” hay không.
Trong học máy, "chưng cất" là một kỹ thuật phát triển giúp tăng hiệu suất của các mô hình nhỏ hơn bằng cách sử dụng các mô hình lớn hơn, tiên tiến hơn để đạt được kết quả tương tự trên các nhiệm vụ cụ thể.
Sam Altman, giám đốc điều hành của OpenAl cho biết họ đã thấy một số bằng chứng về việc "chưng cất" từ các công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, nội dung trao đổi của vị CEO này không đề cập trực tiếp đến DeepSeek.
“Chúng tôi biết các công ty có trụ sở tại Trung Quốc và các công ty khác liên tục cố gắng chắt lọc các mô hình của các công ty AI hàng đầu của Mỹ,” người phát ngôn của OpenAI cho biết.
Trao đổi với Fox News ngày 28/1, ông David Sacks nhận định rằng "có khả năng" DeepSeek đã sử dụng trái phép công nghệ độc quyền của OpenAI. "Có bằng chứng đáng kể cho thấy những gì DeepSeek đã làm ở đây là họ đã chắt lọc kiến thức từ các mô hình của OpenAI", ông nói.
DeepSeek là một sản phẩm công nghệ AI sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội. Tuy nhiên, hiện vẫn còn quá sớm để có thể khẳng định đây là một mô hình vượt trội so với các đối thủ đến từ Mỹ, khi lượng người dùng DeepSeek vẫn chưa lớn bằng ChatGPT hay Gemini.
Cần phải có thêm thời gian để DeepSeek khẳng định khả năng của mình, nhưng không thể phủ nhận rằng sự xuất hiện của DeepSeek đã thổi một làn gió mới vào ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo, đồng thời khẳng định việc tạo ra những chatbot AI không chỉ là cuộc chơi của những “đại gia” công nghệ như Google, Apple hay Meta.