Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Thành phố Sông Công phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”
11:10 AM 28/07/2019
(LĐXH)-Phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ và biết ơn những người đã có công dựng nước và giữ nước, cùng với các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, thành phố Sông Công luôn thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, gia đình chính sách; với phương châm thực hiện đúng chế độ, đủ số lượng, kịp thời và chu đáo.
Theo số liệu của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Sông Công, hiện địa phương có gần 2000 đối tượng chính sách. Trong đó, có 410 thương, bệnh binh, 235 thân nhân liệt sỹ, 775 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 372 người thờ cúng liệt sỹ, còn lại là các đối tượng thuộc diện bị tù đày, con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
Các đồng chí lãnh đạo thành phố Sông Công thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ
Để kịp thời động viên các đối tượng chính sách trên địa bàn, trong những năm qua, Thành phố đã thường xuyên tu sửa, nâng cấp Đài tưởng niệm và nghĩa trang liệt sỹ nhằm ghi nhớ công ơn của những người con ưu tú của thành phố Sông Công đã không tiếc máu xương vì nền độc lập tự do của dân tộc. Đặc biệt, công trình Đền thờ Liệt sỹ thành phố Sông Công được hoàn thiện đã đáp ứng nhu cầu tôn vinh, thăm viếng liệt sỹ của nhân dân và có ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng cho lớp lớp các thế hệ mai sau. Ngoài ra, để giúp đỡ các gia đình chính sách khó khăn về nhà ở có nơi ăn chốn ở ổn định, đàng hoàng, thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-Ttg của Thủ tướng chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, thành phố Sông Công đã rà soát thấy có 195 đối tượng cần được hỗ trợ, hiện nay thành phố đã cơ bản thực hiện hỗ trợ các đối tượng.
Hằng năm, vào các dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7, thành phố đều tổ chức thắp nến tri ân cho trên 510 liệt sỹ. Đặc biệt, trong các dịp tết Nguyên đán hàng năm, thành phố đã trích trên 20 triệu đồng từ các nguồn quỹ để thăm hỏi, tặng quà hàng nghìn các đối tượng là cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, người có công, các đối tượng là thương binh, bệnh binh, người HĐKC bị nhiễm CĐHH, thân nhân liệt sỹ.
Không những vậy, phong trào “ Đền ơn đáp nghĩa”  của Thành phố đã được các đơn vị tích cực tham gia bằng những việc làm cụ thể. Quỹ “ Đền ơn đáp nghĩa” hàng năm của thành phố thu được trên 200 triệu đồng, cấp xã phường cũng thu được trên 200 triệu để thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ khám, chữa bệnh, sửa chữa nhà cho các hộ gia đình chính sách nghèo, người có công, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng.... Đến nay, các đối tượng chính sách trên địa bàn thành phố không còn nhà ở tạm bợ. Qua đó góp phần động viên các gia đình tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.  
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và thành phố Sông Công thăm hỏi, tặng quà gia đình Bà Hoàng Thị Nhân
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà tình nghĩa do Bộ quốc phòng xây tặng cách đây vài năm, Bà Hoàng Thị Nhân, năm nay hơn 70 tuổi ở TDP1, phường Lương Châu là vợ của liệt sỹ Trịnh Ngọc Mão không giấu nổi cảm xúc khi chúng tôi hỏi thăm về hoàn cảnh gia đình, sức khỏe. Bà Nhân chia sẻ, mặc dù chồng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, 2 con gái lấy chồng xa nhưng bà vẫn luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chăm sóc nhiều năm nay, đó chính là nguồn động viên lớn đối với Bà khi tuổi đã về già. Đặc biệt Bà đã được lãnh đạo tỉnh thăm tặng quà, Hội phụ nữ phường nhận phụng dưỡng, hàng năm cứ vào các dịp lễ tết, đặc biệt nhân ngày thương binh liệt sỹ 27/7. Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên phường luôn quan tâm, dành thời gian lao động giúp đỡ gia đình Bà.
Chăm lo giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công là việc làm thường xuyên và và có ý nghĩa thiết thực ở thành phố Sông Công. Đó là một trong những nghĩa cử cao đẹp, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Đối với thế hệ trẻ hôm nay, những việc làm tình nghĩa, chăm sóc các gia đình chính sách là sự thể hiện lòng thành kính, tri ân với những anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống để có ngày hôm nay, đồng thời cũng là dịp giáo dục truyền thống cho đời sau. Qua đó, đã phần nào sẻ chia những hy sinh, mất mát đối với các thân nhân gia đình liệt sĩ, các thương, bệnh binh. Động viên họ vượt qua khó khăn, bệnh tật, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Mỹ Hạnh
 
TAG:
Tin khác
77,5% trẻ em từng chứng kiến bạo lực học đường
Hòa Bình: Nhiều hộ thoát nghèo bền vững nhờ các mô hình hỗ trợ sinh kế thiết thực
Chương trình “Kết nối những vòng tay” với chủ đề “Tết cho trẻ em nghèo” trao tặng hơn 400 triệu đồng cho đồng bào và trẻ em bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại Yên Bái
Nam Trực: Lan toả sâu rộng phong trào Đền ơn đáp nghĩa
Hòa Bình: Thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai nhiệm vụ Quý IV năm 2024
Hỗ trợ trẻ em chịu ảnh hưởng bão Yagi tỉnh Lào Cai
Yên Bái giải ngân 100% vốn hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Chương trình Toả sáng Nghị lực Việt 2024: Tuyên dương 38 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu