Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục về phòng, chống mại dâm
(LĐXH)-Với phương châm “phòng ngừa là chính”, các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức, phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã tích cực tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống mại dâm và phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS trong nhân dân gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn thành phố đã xây dựng và phát hành 596.734 bản tin, tài liệu, pano, áp phích, tờ rơi, tờ bướm, phát thanh, xe loa lưu động thực hiện truyền thông, tuyên truyền về công tác phòng, chống mại dâm tại cộng đồng. Tổ chức 2.287 buổi tuyên truyền (tuyên truyền trực tiếp và trên group Zalo của các khu phố, tổ dân phố) thu hút 113.023 lượt người tham dự. Cùng với đó, Thành phố có 91.687 lượt người có nguy cơ cao tham gia hoạt động mại dâm được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, cung cấp thông tin, kiến thức về phòng, chống mại dâm (trong đó có 2.648 lượt người lao động đang làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; 1.689 lượt người lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và 87.350 lượt học sinh, sinh viên đang học tập và làm việc trên địa bàn Thành phố).
Thành phố cũng tổ chức tuyên truyền, vận động chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với người lao động đang làm việc tại cơ sở và thực hiện việc ký bản cam kết với Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn không để tệ nạn mại dâm và các hành vi khiêu dâm, kích dục xảy ra tại cơ sở kinh doanh. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố đã vận động 3.487/4.296 cơ sở kinh doanh dịch vụ thực hiện ký bản cam kết (chiếm tỷ lệ 81,16%).
Trong thời gian qua, các cơ quan báo, đài Thành phố đã có nhiều tin, bài, phóng sự tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống mại dâm. Thông tin kịp thời về thực trạng tệ nạn mại dâm đã và đang diễn ra trong cộng đồng, phản ánh về các loại hình mại dâm, các “điểm nóng” trên địa bàn để người dân hiểu và tích cực chung tay phòng, chống và đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Đồng thời, báo chí còn ghi nhận những mặt tích cực, đó là tuyên dương các cá nhân, tập thể có thành tích trong công tác phòng, chống mại dâm, ma túy và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng… Ngoài ra, báo chí cũng chỉ ra những khó khăn, bất cập trong quá trình xử lý vi phạm của các ngành chức năng đối với loại hình dịch vụ cho thuê lưu trú theo giờ, ngắn ngày…
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở Thông tin và Truyền thông đã tiếp tục phối hợp với Đài Phát thanh, Đài Truyền hình trên địa bàn Thành phố lồng ghép công tác tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn mại dâm và các tệ nạn xã hội trong các chương trình Thời sự của Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố trên kênh AM 610KHz; kênh Kinh tế FM 87.7MHz; kênh FM 99.9MHz (chương trình
“An ninh và Đời sống” phát sóng lúc 11g30 - 12g00 thứ 5 hàng tuần; “Công dân và Pháp luật” phát sóng lúc 10g00 - 10g30 thứ 6 hàng tuần; “Các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề” phát sóng lúc 10g00 - 10g30 Chủ nhật hàng tuần)… Phối hợp Đài Truyền hình Thành phố lồng ghép nội dung tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn xã hội, mại dâm, ma túy trong các chương trình Thời sự của Đài như: chương trình “60 giây” (kênh HTV9 và HTV7); chương trình “Chuyện trưa 12 giờ” (kênh HTV9 và HTV7); chương trình “Tiêu điểm 247” (kênh HTV9 và HTV7). Các chương trình, phóng sự chuyên đề, chuyên mục tiêu biểu được phát trên kênh HTV Key như: chương trình “Giáo dục hướng nghiệp” (phát sóng thứ 4 hằng tuần lúc 16g40); “Cảnh báo an toàn sống” (phát sóng thứ 4 hàng tuần lúc 20g30); “Chính sách và Đời sống” (phát sóng thứ 7 hằng tuần lúc 16g00 và Chủ nhật hằng tuần lúc 08g20)…
“An ninh và Đời sống” phát sóng lúc 11g30 - 12g00 thứ 5 hàng tuần; “Công dân và Pháp luật” phát sóng lúc 10g00 - 10g30 thứ 6 hàng tuần; “Các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề” phát sóng lúc 10g00 - 10g30 Chủ nhật hàng tuần)… Phối hợp Đài Truyền hình Thành phố lồng ghép nội dung tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn xã hội, mại dâm, ma túy trong các chương trình Thời sự của Đài như: chương trình “60 giây” (kênh HTV9 và HTV7); chương trình “Chuyện trưa 12 giờ” (kênh HTV9 và HTV7); chương trình “Tiêu điểm 247” (kênh HTV9 và HTV7). Các chương trình, phóng sự chuyên đề, chuyên mục tiêu biểu được phát trên kênh HTV Key như: chương trình “Giáo dục hướng nghiệp” (phát sóng thứ 4 hằng tuần lúc 16g40); “Cảnh báo an toàn sống” (phát sóng thứ 4 hàng tuần lúc 20g30); “Chính sách và Đời sống” (phát sóng thứ 7 hằng tuần lúc 16g00 và Chủ nhật hằng tuần lúc 08g20)…
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Thành Đoàn cũng đã phối hợp với Công an Thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố, Hội Cựu chiến binh Thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, Hội Liên hiệp Thanh niên Thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phòng, chống tội phạm, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS trong thanh thiếu niên thông qua các mô hình “Tuyến đường thanh niên tự quản về an ninh trật tự”, “Nhà trọ tự quản”, “Khu dân cư không có tệ nạn xã hội”, “Câu lạc bộ, đội hình thanh niên phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội”, “Tuổi trẻ phòng, chống tệ nạn xã hội”… và tổ chức 05 Chương trình “Hành trình của niềm tin” tại các cơ sở cai nghiện của Thành phố với hơn 500 đoàn viên, thanh niên tham gia.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2024, các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố, quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã chủ động tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho 453 công chức, viên chức, cán bộ, cộng tác viên… thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm tại cơ sở.
Trong 6 tháng cuối năm, TP. Hồ Chí Minh sẽ cố gắng thông tin về phòng, chống mại dâm được đăng tải trên cơ quan báo chí của Thành phố và trên các trang thông tin của quận, huyện, thành phố Thủ Đức ít nhất mỗi tháng một lần. 100% phường, xã, thị trấn tổ chức được ít nhất một hình thức tuyên truyền về phòng, ngừa mại dâm và được duy trì thường xuyên. Đồng thời cố gắng tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, cung cấp thông tin, kiến thức về phòng, chống tệ nạn mại dâm cho ít nhất 70% người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; ít nhất 60% người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất; 70% học sinh, sinh viên các trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn./.
Minh Hằng
TAG: