Thành phố Cần Thơ kịp thời hỗ trợ người dân và người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19
(LĐXH)-Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các đối tượng người có công và bảo trợ xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã tích cực chỉ đạo các cấp chính quyền, ngành chức năng và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình để kịp thời có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân.
Sau khi Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được ban hành, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động triển khai đến các quận, huyện chuẩn bị các điều kiện, mẫu biểu, nhân lực để tiến hành rà soát, thống kê và tổng hợp đối tượng được hỗ trợ. Quan điểm triển khai hỗ trợ của tỉnh là phải làm nhanh để người dân được nhận hỗ trợ sớm, không được kéo dài tuy nhiên cần cân nhắc kĩ, cẩn trọng không để xảy ra sơ sót. Về việc chi trả bổ sung cần phải làm nhưng việc thể hiện trên hồ sơ cần chặt chẽ để đảm bảo đúng quy định không có trường hợp một đối tượng nhưng nhận 2 chính sách.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp các Sở, ngành liên quan trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 05 tháng 5 năm 2020 về việc thực hiện hỗ trợ người dân trên địa bàn thành phố Cần Thơ gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện Kế hoạch số 59/KH-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố; các cấp, các ngành thành phố đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP bằng nhiều hình thức như: tổ chức hội nghị triển khai; chỉ đạo Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh cấp huyện thường xuyên tuyên truyền các nội dung chính của Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ; Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên hệ thống truyền thanh của cấp huyện và cấp xã; UBND cấp xã tổ chức họp quán triệt trong các ngành, đoàn thể và cấp khu vực để thống nhất trong thực hiện.
Ngoài ra, thành phố Cần Thơ đã lập Tổ liên ngành hỗ trợ, hướng dẫn và kiểm tra, giám sát công tác tổ chức thực hiện Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg trên địa bàn các quận, huyện với thành phần là đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Cục Thuế thành phố, Công an thành phố, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố và đại diện các Sở, ngành có liên quan.
Các quận, huyện và sở, ban, ngành liên quan phải đẩy nhanh tiến độ, có sự phối hợp nhịp nhàng để chương trình hỗ trợ được thực hiện một cách nhanh nhất, không để xảy ra thêm các sai sót. Hồ sơ về các nhóm hỗ trợ hoàn thành cần trình lên Ủy ban nhân dân thành phố để được phê duyệt ngay. Các đơn vị tiếp tục xác minh hồ sơ bổ sung đối tượng được hỗ trợ để đảm bảo không bỏ sót người bị ảnh hưởng.
Trong việc chi trả bổ sung tiền hỗ trợ cho người đồng thời thuộc nhiều nhóm đối tượng, Sở Tài chính và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phải hướng dẫn các quận, huyện thật kĩ trên cơ sở tham khảo việc thực hiện của các tỉnh, thành phố khác, đảm bảo sự thống nhất và chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng một người thụ hưởng nhiều chính sách.
Nhiều tấm lòng hảo tâm đã hỗ trợ người dân thành phố Cần Thơ gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19
Có thể nói, quán triệt tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, Nghị quyết số 154/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn đã khẩn trương triển khai, chỉ đạo rà soát, lập danh sách đối chiếu và trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt danh sách hỗ trợ. Tính đến ngày 29/4/2021, toàn thành phố đã chi hỗ trợ với tổng kinh phí 131 tỷ 131 triệu đồng. Cụ thể như sau:
Nhóm 1: Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương: phê duyệt 737 người; đã chi hỗ trợ 699 người.
Nhóm 2: Hỗ trợ vay vốn đối với người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% theo Khoản 3, Điều 98 của Bộ luật Lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc: Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố đã giải ngân cho 01 doanh nghiệp trả lương cho 11 lao động với kinh phí 50 triệu đồng.
Nhóm 3: Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 01 tháng 4 năm 2020: phê duyệt 110 hộ; đã chi hỗ trợ 103 hộ.
Nhóm 4: Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: phê duyệt 32 người; đã chi hỗ trợ 32 người;
Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm: phê duyệt 38.033 người; đã chi hỗ trợ 36.793 người.
Nhóm 5: Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng: phê duyệt 4.629 người; đã chi hỗ trợ 4.594 người.
Nhóm 6: Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng: phê duyệt 36.076 người; đã chi hỗ trợ 35.803 người.
Nhóm 7: Hộ nghèo, hộ cận nghèo trong danh sách rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 của địa phương và được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận theo chuẩn nghèo quốc gia: phê duyệt 45.175 người; đã chi hỗ trợ 44.938 người.
Nhìn chung, thành phố Cần Thơ đã cơ bản hoàn thành công tác chi trả hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 kịp thời, đúng đối tượng và thời gian quy định. Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ cũng vận động xã hội hóa trao tặng quà hỗ trợ người dân, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người bán vé số gặp khó khăn do dịch Covid-19,...
Mỹ Hạnh
TAG: