Trong 9 tháng năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, số lao động được tạo việc làm mới lại tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Để có được kết quả đó, các đơn vị, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp đào tạo nghề, hỗ trợ phát triển sản xuất, từ đó mang lại hiệu quả đáng kể trong giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.
Xác định năm 2021 sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên ngay từ đầu năm, huyện Yên Định đã triển khai thu thập, cập nhật thông tin cung - cầu lao động trên địa bàn. Trên cơ sở đó, huyện đã chủ động đấu mối với các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài huyện để đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn nắm bắt thông tin thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, từ đó thông tin kịp thời đến người lao động. Kết quả của hàng loạt các chính sách trên đã giúp huyện Yên Định giải quyết việc làm cho hơn 3.700 lao động trong 9 tháng và đạt tới 93,4% kế hoạch năm.
Để hỗ trợ kết nối cung - cầu, thúc đẩy phát triển thị trường lao động, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức 33 phiên giao dịch việc làm; phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp phỏng vấn, tuyển dụng bằng nhiều hình thức khác nhau. Qua đó, giúp bổ sung kịp thời nguồn lực lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Ngoài ra, đơn vị còn hỗ trợ 61 doanh nghiệp xuất khẩu lao động về các địa phương để tuyển chọn lao động đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài... Tại các địa phương, chính quyền cơ sở cũng đã chủ động liên kết, đấu nối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động. Đồng thời, xây dựng chính sách thông thoáng về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng… để thu hút thêm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư, mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có khoảng 2.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các địa phương trong tỉnh đã chủ động liên kết, đấu nối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động
9 tháng năm 2021, tỉnh Thanh Hóa đã tạo việc làm mới cho 38.500 lao động, đạt 65,3% so với kế hoạch và tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này đã chứng minh hiệu quả của hàng loạt các chính sách hỗ trợ, tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp. Đây cũng sẽ là cơ sở quan trọng để tỉnh Thanh Hóa hoàn thành kế hoạch giải quyết việc làm cho 59.000 lao động trong năm 2021.
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm cho người lao động, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Phương án số 198/PA-UBND về việc đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly.
Theo đó, hiện nay, số người Thanh Hoá đang lưu trú ở các tỉnh, thành phố khác trong cả nước là trên 330.800 người; chủ yếu là lao động trẻ tập trung ở nhóm tuổi 15- 35 tuổi (chiếm 65%), lao động nữ chiếm trên 50%. Người lao động chủ yếu hành nghề tự do hoặc làm việc trong nhà máy, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao với các lĩnh vực như điện tử, may mặc, giày da v.v... tại các thành phố lớn như: TP. Hà Nội (92.000 người), TP. Hồ Chí Minh (42.500 người), Bình Dương (60.200 người), Bắc Ninh (26.700 người), Đồng Nai (14.800 người), Quảng Ninh (6.100 người), Hải Dương (4.200 người), v.v…
Số công dân Thanh Hóa trở về từ vùng dịch từ ngày 27/4/2021 đến nay là khoảng 166.300 người (có trên 6.200 trẻ em), trong đó: Số người đang thực hiện cách ly khoảng 43.200 người; Số người đã hoàn thành xong việc cách ly khoảng 123.100 người.
Lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), không có bằng cấp, chứng chỉ (chiếm 65%). Có 20% trong số lao động này thuộc nhóm tuổi từ 41 tuổi trở lên sẽ gặp khó khăn trong đào tạo chuyển đổi nghề do thói quen lao động, trình độ học vấn, khả năng tiếp thu hạn chế, tâm lý ngại học nghề. Có khoảng 35% lao động trở về từ vùng dịch có giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động tại vùng dịch; số lao động này phần lớn vẫn còn nguyên vọng, hết dịch sẽ trở lại chỗ làm việc cũ.
Qua đánh giá, theo khảo sát của Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay là gần 33.300 lao động (trong đó lao động nữ chiếm 70%). Chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất giầy da, may mặc có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn như: Công ty TNHH ROLLSPORT 1 Việt Nam (tuyển 1.100 lao động); Công ty TNHH Giầy Aleron Hoàng Long (tuyển 2.000 lao động); Công ty TNHH giầy ROLLSPORT 2 Việt Nam (tuyển 3.700 lao động); Công ty TNHH MTV TCE JEAN (tuyển 1.100 lao động); Công ty TNHH giầy SUNJADE (tuyển 1.500 lao động); Công ty TNHH NY Hoa Việt (tuyển 2.000 lao động), v.v… Do yêu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp về trình độ chuyên môn kỹ thuật không cao, chủ yếu là lao động phổ thông nên khả năng giải quyết việc làm cho lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch đáp ứng khoảng 90%.
Mục đích của Phương án nhằm hỗ trợ người lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly được đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh phù hợp với trình độ tay nghề, sức khỏe, độ tuổi, giới tính giúp người lao động trở về vùng dịch vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển của địa phương, tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội.
PV