Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Thanh Hóa đẩy mạnh phòng ngừa và ngăn chặn tệ nạn mại dâm
09:24 AM 28/01/2022
(LĐXH)- Nhằm tiếp tục tạo sự đồng thuận, quyết tâm và chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn mại dâm, ngày 27/1/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh năm 2022.
Theo đó, tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm; đảm bảo quyền bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội, tạo cơ hội giúp người bán dâm hòa nhập cộng đồng bền vững. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh triệt phá những tụ điểm, ổ nhóm tội phạm tổ chức hoạt động mại dâm góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn dân cư. Việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống mại dâm được tiến hành đồng bộ với các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, kinh tế - xã hội, hành chính, hình sự và các biện pháp khác trong phòng, chống mại dâm; kết hợp phòng, chống tệ nạn mại dâm với phòng, chống tệ nạn ma túy và phòng, chống nhiễm HIV/AIDS.
Cụ thể, trong năm 2022, Thanh Hóa đặt mục tiêu có ít nhất 80% số xã, phường, thị trấn tổ chức được ít nhất một hình thức tuyên truyền về phòng ngừa mại dâm và được duy trì thường xuyên; ít nhất 20% trở lên người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; 15% người lao động trong các khu công nghiệp; 15% học sinh, sinh viên các trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, cung cấp thông tin, kiến thức về phòng, chống tệ nạn mại dâm.
Lực lượng Công an tỉnh Thanh Hóa bắt giữ 4 đối tượng môi giới mại dâm vào cuối tháng 12/2021 
Tỉnh phấn đấu có 60% các huyện, thị xã, thành phố lồng ghép nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn mại dâm với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; các chương trình an sinh, trợ giúp xã hội; chương trình phòng, chống ma túy; chương trình phòng, chống HIV/AIDS; chương trình phòng, chống mua, bán người.
100% tin báo, tố giác, phản ánh hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm được tiếp nhận, xác minh, phân loại, xử lý kịp thời. Số tội phạm liên quan đến hoạt động mại dâm được xử lý theo quy định của pháp luật tăng từ 5 - 8% so với năm 2021; tổ chức kiểm tra ít nhất 25% số cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn.
Ít nhất 10% địa bàn cấp huyện xây dựng và triển khai mô hình thí điểm về phòng ngừa mại dâm, hỗ trợ can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, đảm bảo ít nhất quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, cung cấp dịch vụ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm. 70% người bán dâm có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội, hòa nhập cộng đồng.
Tỉnh Thanh Hóa cũng đặt mục tiêu có ít nhất 20% đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ cấp tỉnh và 15% ở cấp huyện, cấp xã, các cơ quan, tổ chức có liên quan đến lĩnh vực phòng, chống mại dâm được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ về công tác phòng, chống mại dâm; thực hiện các can thiệp giảm hại; phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Thanh Hóa sẽ tăng cường tuyên truyền phòng ngừa đến mọi người dân trong toàn xã hội trong đó chú trọng đến nhóm đối tượng là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, người lao động trong các khu công nghiệp; các địa phương có nhiều người di cư để hạn chế phát sinh mới số người tham gia mại dâm.
Tổ chức điều tra, khảo sát, rà soát, đánh giá, dự báo về nhu cầu của người bán dâm có khó khăn về tài chính, thanh niên chưa có việc làm, người lao động trong các cơ sở kinh doanh, dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. Xây dựng các hoạt động trợ giúp cho nhóm phụ nữ có nhu cầu tìm kiếm việc làm được tiếp cận, thực hiện chính sách của các chương trình về dạy nghề, tìm việc làm, hỗ trợ vay vốn, giảm nghèo nhằm tạo điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế, đời sống của cá nhân và hộ gia đình.
Bên cạnh đó, tỉnh tiến hành kiểm tra, quản lý chặt chẽ điều kiện thành lập và hoạt động kinh doanh, dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm theo quy định của pháp luật nhằm phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn việc lợi dụng các hoạt động này để tổ chức hoạt động mại dâm.
Tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình phòng ngừa mại dâm, hỗ trợ can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, đảm bảo ít nhất quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm có hiệu quả theo hướng hỗ trợ trao quyền, tăng cường sự tham gia của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực trong việc giải quyết các vấn đề liên quan...

Chí Tâm



TAG:
Tin khác
Nghệ An nâng cao chất lượng công tác bình đẳng giới
Nhìn lại công tác phòng, chống mại dâm tại một số địa bàn trọng điểm
Tăng cường tuyên truyền nhận biết các hình thức mại dâm trá hình
Huyện Thạnh Trị: Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách để giảm nghèo bền vững
Nghệ An: Triển khai nhiều hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em
Nghệ An: Phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em
Nghệ An kiện toàn Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp
Nghệ An tuyên truyền nâng cao nhận thức Vì sự tiến bộ phụ nữ
Nghệ An quan tâm giải quyết các vần đề về trẻ em