Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Thanh Hóa có 244 đơn vị sử dụng lao động người nước ngoài
04:27 PM 16/02/2022
(LĐXH)- Theo báo cáo từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa, toàn tỉnh có 244 doanh nghiệp, tổ chức, nhà thầu sử dụng lao động người nước ngoài; trong đó, thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu Công nghiệp quản lý là 54 đơn vị.
Hiện nay, tổng số lao động người nước ngoài trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là 1.742 người. Trong đó, 1.730 người đã được cấp giấy phép lao động và xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động, 12 người chưa nộp hồ sơ. Năm 2021, tỉnh đã cấp 1.579 giấy phép lao động, bao gồm: cấp mới 1.165 giấy phép, cấp lại 140 giấy phép, gia hạn 274 giấy phép.
Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thanh Hóa, cho biết: Nhìn chung lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh chấp hành tốt các quy định của pháp luật Việt Nam như việc cấp, cấp lại giấy phép lao động, xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động, cấp thị thực, gia hạn tạm trú, cấp thẻ tạm trú, khai báo tạm trú… Công tác phối hợp được các Sở, ngành, địa phương có liên quan thường xuyên quan tâm tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng trong giải quyết các thủ tục hành chính cho lao động là người nước ngoài làm việc tại Thanh Hóa trong việc cấp giấy phép lao động và các thủ tục có liên quan khác. Nghiêm túc thực hiện Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, Bộ Luật lao động và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Tỉnh Thanh Hóa có 1.742 lao động người nước ngoài trên địa bàn

Bên cạnh đó, công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh được các cơ quan quản lý Nhà nước như: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, UBND các các huyện, thành, thị phối hợp chặt chẽ, định kỳ tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, các quy định pháp luật về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Công an tỉnh tổ chức các đoàn thanh tra liên ngành về việc chấp hành các qui định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh tại các doanh nghiệp và cơ sở lưu trú có sự tham gia phối hợp của các sở ngành.
Chính nhờ sự phối hợp chặt chẽ trong quản lý lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh giữa các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành, thị đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; không xảy ra tình trạng lao động nước ngoài gây rối làm mất an ninh trật tự. Đồng thời góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, công tác quản lý lao động là nước ngoài trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn gặp phải những khó khăn nhất định. Cụ thể như: trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc quản lý lao động người nước ngoài còn nhiều hạn chế, đặc biệt hướng dẫn, hỗ trợ các nhà thầu hoàn chỉnh hồ sơ để cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài. Việc chấp hành chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất của các doanh nghiệp là rất kém (không báo cáo hoặc báo cáo chậm).
Bên cạnh đó, việc chia sẻ thông tin và phối hợp xử lý giữa các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn còn hạn chế; việc kiểm tra, phát hiện xử lý chủ yếu vẫn thông qua báo cáo từ phía doanh nghiệp. Vẫn còn tình trạng lao động là người nước ngoài sử dụng visa doanh nghiệp hoặc vào Việt Nam với danh nghĩa tham quan, du lịch nhưng ở lại làm việc tại Việt Nam. Đặc biệt là sử dụng visa du lịch vào để giảng dạy ngoại ngữ hoặc khám chữa bệnh, sử dụng visa doanh nghiệp vào để lao động…
Trong công tác quản lý lao động người nước ngoài còn gặp một số khó khăn như: sự bất đồng về ngôn ngữ, sự hạn chế trình độ của lao động Việt Nam khi tham mưu cho ông chủ người nước ngoài về các văn bản liên quan đến chính sách lao động nước ngoài còn chậm, thiếu chính xác ảnh hưởng đến việc hoàn thiện hồ sơ cấp phép lao động. Nhiều doanh nghiệp tuyển lao động nước ngoài có điều kiện về trình độ tay nghề, ngoại ngữ cao nhưng mức lương thấp, thậm chí chỉ cao hơn mức lương tối thiểu vùng, chính vì vậy không thể tuyển dụng được lao động Việt Nam để thay thế. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều doanh nghiệp có sự thiếu hụt nguồn nhân lực cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, theo Giám đốc Vũ Thị Hương, thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ tăng cường công tác công tác thanh tra, kiểm tra hướng dẫn thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật lao động tới các doanh nghiệp; đồng thời đẩy mạnh hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân sử dụng lao động người nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp mới thành lập có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để có hướng giải quyết phù hợp. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phòng chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời tạo điều kiện cho chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào làm việc nhằm giải quyết khó khăn về thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa 1.000 lao động Việt Nam sang Australia làm việc góp phần nâng cao quan hệ đối tác hai nước
Hà Nội: Giải quyết việc làm cho trên 164 nghìn lao động trong 8 tháng đầu năm 2024
Những kết quả trong giải quyết việc làm ở Quảng Trị
Hỗ trợ kết nối cung cầu lao động trên địa bàn tỉnh Nam Định
TP Đà Nẵng: Ước giải quyết việc làm cho 26.970 lao động trong 8 tháng đầu năm
Bình Định: 6 tháng đầu năm giải quyết việc làm cho 13.000 lao động
TP.HCM: Nhiều việc làm dành cho người khuyết tật
Huyện Ea Kar đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường và an toàn, vệ sinh lao động
Huyện Ea H’Leo: Triển khai nhiều hoạt động hiệu quả trong Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động