Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Thanh Hóa cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện
06:33 PM 02/03/2022
(LĐXH)- Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng toàn xã hội, công tác cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện của tỉnh Thanh Hóa cũng như cai nghiện tại gia đình, cộng đồng tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Năm 2021, cùng với những diễn biến nguy hiểm của dịch Covid-19, tình hình tội phạm ma túy ở Thanh Hóa không giảm mà tiếp tục có xu hướng diễn biến phức tạp, hoạt động theo phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn. Toàn tỉnh Thanh Hóa có 27 điểm, 04 tụ điểm phức tạp về ma túy. Tại các tụ điểm và nhiều điểm phức tạp về ma túy, các đối tượng đều xây dựng hệ thống rất kiên cố, lắp đặt camera giám sát, thuê người bán ma túy hoặc chỉ bán qua “khe cửa”, “lỗ” nhỏ để tránh sự nhận diện đối tượng bán; thường xuyên chia ca, thay đổi người bán, gây khó khăn cho việc củng cố tài liệu, chứng cứ khi bị phát hiện, bắt giữ, điều tra, xử lý.
Tình hình tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy nhất là ma túy tổng hợp tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, với số lượng đối tượng tham gia ngày càng đông, càng trẻ, có cả nam và nữ giới. Loại ma túy các đối tượng sử dụng chủ yếu là “kẹo”, ma túy “đá” và ketamin. Các đối tượng thường tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT như nhà hàng, khách sạn, quán karaoke, quán bar... ngay cả trong thời điểm phòng, chống dịch Covid-19.
Học viên cai nghiện ma túy Cơ sở Cai nghiện ma tuý số 1 tỉnh Thanh Hóa được tổ chức học nghề 
Tính đến cuối tháng 12/2021, trên địa bàn toàn tỉnh có 6.207 người nghiện có hồ sơ quản lý, giảm 3,42% so với cùng kỳ năm 2020. Số nghi nghiện khoảng trên 3.000 người. Số đang sống ngoài cộng đồng là 5.326 người, đang bị giam giữ tại Trại tạm giam, nhà tạm giữ là 172 người, đang cai nghiện tại Trung tâm cai nghiện ma túy của tỉnh là 709 người.
Người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp, nhất là ma túy tổng hợp dạng “đá” vẫn có xu hướng gia tăng trong giới trẻ, một bộ phận thanh thiếu niên cho rằng sử dụng ma túy tổng hợp không gây nghiện và không bị lệ thuộc nên thường xuyên lợi dụng việc tổ chức sinh nhật, liên hoan, karaoke... để tổ chức sử dụng. Nhiều trường hợp nghiện hoặc sử dụng trái phép ma túy tổng hợp dẫn đến loạn thần, “ngáo đá” tiềm ẩn phát sinh các hành vi nguy hiểm cho xã hội. Bên cạnh đó, xuất hiện tình trạng người nghiện ma túy dạng thuốc phiện lợi dụng các địa điểm bên ngoài, xung quanh khu vực cơ sở cấp phát thuốc điều trị thay thế bằng Methadone để sử dụng trái phép chất ma túy.
Bên cạnh đó, sự hiểu biết về ma túy và các vấn đề riêng liên quan đến công tác cai nghiện ma túy với đa số gia đình có người nghiện chưa đầy đủ. Ở một số địa phương, công tác cai nghiện phục hồi chưa được cấp ủy, chính quyền thực sự quan tâm; hoạt động cai nghiện ở các xã, phường, thị trấn chủ yếu là ra quyết định và tập trung vào cắt cơn giải độc, chưa đánh giá được nhu cầu, lập kế hoạch cai nghiện cho từng người; các hoạt động hỗ trợ sau cai nghiện chưa được chú trọng…
Đặc biệt, gia đình có người nghiện đóng vai trò then chốt trong công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Song đa số không có kiến thức về ma túy và cai nghiện ma túy; chưa được hướng dẫn các kỹ năng giúp đỡ, động viên con em mình cai nghiện và dự phòng tái nghiện. Vì vậy, họ hầu như không có biện pháp gì có thể giúp con em đoạn tuyệt với ma túy.
Nỗ lực cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy
Năm 2021, Cơ sở Cai nghiện ma tuý số 1 và số 2 tỉnh (thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thanh Hóa) đã điều trị cai nghiện cho 1.149 người, trong đó cai nghiện mới là 459 người (327 người cai nghiện bắt buộc, 132 người cai nghiện tự nguyện), đạt 99,65% so với năm 2020. Số hết thời hạn cai nghiện trở về cộng đồng là 438 người. Hiện tại, các Cơ sở đang quản lý 709 học viên, đạt 100,4% so với năm 2020, trong đó 663 học viên cai nghiện bắt buộc và 46 học viên cai nghiện tự nguyện.
Học viên cai nghiện ma túy lao động trị liệu tại các cơ sở cai nghiện của tỉnh Thanh Hóa 
Công tác điều trị Methadone cho các đối tượng nghiện ma túy cũng đã được các Sở, ngành phối hợp với các địa phương triển khai cung cấp dịch vụ điều trị Methadone cho 27 cơ sở và 14 điểm cấp phát thuốc tại các huyện, thị xã, thành phố. Tổng số bệnh nhân đang điều trị Methadone là 2.278 người; số bệnh nhân đang điều trị nhiễm HIV là 297 bệnh nhân, đang điều trị ARV 286 người. Số bệnh nhân vào điều trị là 555 người, bệnh nhân ra khỏi chương trình là 558 người. Tổng số bệnh nhân điều trị Burenorphine 35 bệnh nhân, trong đó có 5/35 bệnh nhân đang điều trị ARV. Cơ sở điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội và Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức điều trị cho 115 bệnh nhân.
Tiếp đến, công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai nghiện được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho người nghiện. Năm 2021, toàn tỉnh đã tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho 539 người, đạt 91,82% so với cùng kỳ năm 2020. Tổ chức quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú cho 439 người hoàn thành việc cai nghiện.
Nhằm hướng đến xây dựng một xã hội an toàn, lành mạnh, hạn chế tối đa người nghiện ma túy, thời gian qua, các ngành, các cấp, các địa phương tỉnh Thanh Hóa đã thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tệ nạn ma túy với nhiều hình thức phong phú, hoạt động thiết thực, nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, hấp dẫn nhằm tuyên truyền vận động nhân dân tích cực phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn ma túy. Tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng “Tháng hành động phòng chống ma túy”, “Ngày toàn dân phòng chống ma túy”; trong đó chú trọng vào những người có nguy cơ cao, người nghiện ma túy ở cộng đồng, học sinh, sinh viên trong các trường học, cán bộ, người lao động trong doanh nghiệp, khu công nghiệp. 
Trong đó, riêng Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thanh Hóa đã đã chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 02 lớp tập huấn can thiệp, hỗ trợ người nghiện cho 132 cán bộ thôn, bản; 30 hội nghị truyền thông trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống ma túy, tội phạm, tệ nạn xã hội tại cộng đồng cho 1.566 người là cán bộ bàn chuyên trách phụ trách công tác phòng, chống tệ nạn xã hội; 07 hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng, chống ma túy, tội phạm, tệ nạn xã hội và phòng, chống bạo lực học đường cho 9.000 cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên trên địa bàn.
Đặc biệt, để kéo giảm tỷ lệ người nghiện ma túy, các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, xác định tuyến, địa bàn trọng điểm; các điểm, tụ điểm phức tạp; các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy để tập trung đấu tranh, triệt xóa; mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm về ma túy; chuyển hóa địa bàn phức tạp về ma túy tại cơ sở; đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan chức năng tỉnh Hủa Phăn (Lào) trong đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của tội phạm ma túy xuyên quốc gia, tội phạm ma túy có yếu tố nước ngoài. Qua đó đã triệt xóa được nhiều điểm, tụ điểm phức tạp, nhiều đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Kết quả, trong năm 2021, lực lượng phòng, chống ma túy tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện, bắt xử lý 849 vụ, 1.215 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm ma túy, tăng 10 vụ (1,2%), giảm 39 đối tượng (3,11%) so với năm 2020. Triệt xóa 5 tụ điểm, 72 điểm phức tạp về ma túy. Vật chứng thu giữ gồm 6,59 kg Heroin (giảm 12,79 kg); 16,41 kg nhựa thuốc phiện, 6,7 kg quả thuốc phiện; 43,77 kg và 174.384 viên ma túy tổng hợp (tăng 15,1 kg nhựa thuốc phiện, 17,85 kg và 132.115 viên ma túy tổng hợp so với cùng kỳ năm 2020)…
Có thể thấy, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng toàn xã hội, tỉnh Thanh Hóa đã kiềm chế sự phát sinh và kéo giảm số người nghiện ma tuý trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra trồng, tái trồng cây có chứa chất ma túy. Công tác cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện của tỉnh cũng như cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực.

Chí Tâm

 

TAG:
Tin khác
Nghệ An nâng cao chất lượng công tác bình đẳng giới
Nhìn lại công tác phòng, chống mại dâm tại một số địa bàn trọng điểm
Tăng cường tuyên truyền nhận biết các hình thức mại dâm trá hình
Huyện Thạnh Trị: Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách để giảm nghèo bền vững
Nghệ An: Triển khai nhiều hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em
Nghệ An: Phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em
Nghệ An kiện toàn Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp
Nghệ An tuyên truyền nâng cao nhận thức Vì sự tiến bộ phụ nữ
Nghệ An quan tâm giải quyết các vần đề về trẻ em