Thái Bình nỗ lực thực hiện công tác cai nghiện ma túy và phòng, chống mại dâm
(LĐXH)-Thời gian qua, tỉnh Thái Bình đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác cai nghiện ma túy, phòng chống mại dâm và đạt được kết quả tích cực, góp phần xây dựng môi trường trong sạch, lành mạnh, bảo đảm an ninh trật, an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội bền vững trên địa bàn tỉnh.
Ngay từ đầu năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên sâu Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành đến tất cả các sở, ngành, đoàn thể, cán bộ đại diện các đơn vị thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma túy và 260 trưởng công an xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Hội nghị tập trung quán triệt những nội dung cơ bản, điểm mới của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn như: Công tác phối hợp phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy; công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy và quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy; công tác cai nghiện ma túy, hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng và quản lý sau cai nghiện; công tác xét nghiệm chất ma túy cơ thể, xác định tình trạng nghiện, công tác điều trị nghiện các chất ma túy dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone.
Riêng Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch: Kế hoạch cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy, Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống mại dâm, Kế hoạch hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
Thái Bình cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy 2022 nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ đến với mỗi cơ quan, tổ chức và người dân trong cả nước, tạo nên sức mạnh tổng hợp để phấn đấu đạt mục tiêu kiềm chế, từng bước giảm số người nghiện trên phạm vi toàn quốc; đồng thời không để phát sinh người nghiện mới.
Từ cuối năm 2020, tỉnh đã thành lập, cung cấp trang thiết bị cần thiết cho 26/27 điểm tư vấn, chăm sóc hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng SCDI tổ chức tập huấn và cấp giấy chứng nhận kiến thức cơ bản, kiến thức chuyên sâu về tư vấn hỗ trợ điều trị nghiện ma túy; chẩn đoán và điều trị một số loại ma túy phổ biến tại cộng đồng cho 100% số cán bộ làm việc tại các điểm tư vấn. Qua đó đã góp phần hỗ trợ các điểm tư vấn từng bước đi vào hoạt động có hiệu quả.
Theo số liệu rà soát, thống kê của các huyện, thành phố, năm 2022, tổng số người nghiện ma túy có nhu cầu cai nghiện là 817 người, trong đó cai tại gia đình và cộng đồng là 787 người, cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện công lập là 30 người. Tính đến cuối tháng 12/2022, Cơ sở cai nghiện ma túy công lập tỉnh đang quản lý 224 học viên (trong đó 222 học viên bắt buộc, 02 học viên tự nguyện). Tại Cơ sở cai nghiện ma túy công lập tỉnh Thái Bình, các học viên ở đây được giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách, nâng cao trình độ, nhận thức; ngoài ra, chúng tôi tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, tư vấn tâm lý, xã hội, đồng thời dạy và truyền nghề cho đối tượng học viên nhằm bảo đảm điều kiện tái hòa nhập cộng đồng. Học viên sẽ lựa chọn một trong các ngành nghề như gia công giấy tiền, gia công mỹ kỹ. Qua quá trình giáo dục, lao động trị liệu và các hoạt động khác đã giúp học viên nhận thức được lỗi lầm, tác hại của ma túy, thấy được giá trị của sức lao động, từ đó biết chia sẻ, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau học tập, rèn luyện, quyết tâm rời xa ma túy. Trong năm qua, Cơ sở đã tổ chức cắt cơn, phục hồi sức khỏe cho 219 học viên, bàn giao về gia đình 153 học viên. Cùng với đó, các Điểm tư vấn đã hỗ trợ tư vấn cho 125 lượt cá nhân người nghiện và thân nhân người nghiện ma túy.
Trong công tác phòng, chống mại dâm, tỉnh đã tiếp tục chỉ đạo duy trì các hoạt động của 2 mô hình phòng chống mại dâm, đó là Mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người bán dâm tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội và Mô hình hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm tại Phòng Lao động-Thương binh và xã hội huyện Quỳnh phụ.
Bên cạnh đó, Cơ sở tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về được giao cho Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội đã được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo việc tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bao gồm trợ giúp khó khăn ban đầu, hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý và trợ giúp pháp lý. Năm 2022, toàn tỉnh có 210 xã, phường, thị trấn đăng ký xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm.
Nhìn chung, những kết quả nêu trên đã góp phần tích cực đẩy lùi tội phạm, tệ nạn liên quan đến ma túy, kìm chế sự gia tăng số người nghiện mới tại cộng đồng, một số người nghiện ma túy được phát hiện và đưa vào cai nghiện kịp thời… giảm thiểu tác hại của tệ nạn ma túy đối với đời sống xã hội bảo đảm an ninh trật tự, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Trong năm 2023, Thái Bình sẽ tiếp tục tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật về cai nghiện ma túy, phòng, chống mại dâm. Nâng cao hiệu quả quản lý cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tập trung; tư vấn điều trị nghiện ma túy, trợ giúp người sau cai nghiện ma túy tại hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống phòng, chống tại nghiện. Xây dựng, thí điểm các mô hình từng bước hình thành hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người nghiện ma túy, người hoạt động mại dâm tại cộng đồng trong việc tư vấn tâm lý, pháp lý, sức khỏe, phòng chống HIV/AIDS, giáo dục kỹ năng sống, trợ giúp xã hội nhằm tạo cơ hội cho người nghiện ma túy, người hoạt động mại dâm hòa nhập cộng đồng bền vững. Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng. Tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống mại dâm; Đội Kiểm tra liên ngành 178 của tỉnh, huyện tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện trên địa bàn tỉnh./.
Mỹ Hạnh