Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Tập trung triển khai hiệu quả phòng, chống tệ nạn xã hội trong bối cảnh bình thường mới
03:47 PM 27/01/2023
(LĐXH)-Thực hiện đồng bộ các giải pháp đầu tư, quy hoạch, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất các cơ sở cai nghiện ma túy công lập theo tiêu chí mới; hoàn thiện định mức kinh tế - kỹ thuật cung cấp dịch vụ hỗ trợ người nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhân bị mua bán; xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý người nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhân bị mua bán... là những nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội năm 2023 và những năm tiếp theo.
Vượt qua đại dịch...
Dịch Covid-19 không chỉ gây ra những tác hại về kinh tế, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người dân mà còn làm tăng nguy cơ tệ nạn xã hội, kể cả thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch. Theo đó, tệ nạn xã hội ngày càng phức tạp với những biến tướng tinh vi trong hoạt động mại dâm, sử dụng trái phép chất ma túy và mua bán người của các nhóm tội phạm; nhiều thanh thiếu niên, phụ nữ, trẻ em bị lừa gạt, dụ dỗ tham gia vào các đường dây buôn bán ma túy, hoạt động mại dâm, mua bán người và đưa người trái phép ra nước ngoài.
Năm 2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH), Cơ quan thường trực về phòng, chống mại dâm của Ủy ban Phòng, chống HIV/ AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách về phòng, chống mại dâm; tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Phòng, chống ma túy về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy. Chỉ đạo, hướng dẫn các bộ ngành, đoàn thể Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Kế hoạch thực hiện hiệu quả các nội dung nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại 3 Chương trình phòng, chống ma túy, phòng, chống mại dâm và phòng, chống mua bán người.
Đồng chí Nguyễn Thùy Dương - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội
Trong công tác phòng, chống mại dâm, 63/63 tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống tệ nạn mại dâm; 37 tỉnh, thành phố thực hiện lồng ghép nhiệm vụ phòng, chống mại dâm với thực hiện các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, các chương trình an sinh xã hội, chương trình phòng, chống HIV/AIDS và nhiều chương trình có liên quan khác ở địa phương. Đặc biệt, việc xây dựng, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại, phòng ngừa lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm được chú trọng thực hiện. Hiện nay, có 11 địa phương tiếp tục duy trì theo 03 khung mô hình thí điểm Chương trình phòng, chống mại dâm.
Năm 2022, có 2.127 người bán dâm có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội. Trên cơ sở tổng hợp nhu cầu của người bán dâm, đã thực hiện hỗ trợ 3.643 lượt người bán dâm, trong đó, 689 lượt đối tượng được tư vấn, trợ giúp pháp lý; 10 lượt người được hỗ trợ giáo dục; 845 lượt người được hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe; 35 lượt người được học nghề, tạo việc làm và 2.064 lượt đối tượng được cung cấp các dịch vụ về phòng, chống lây nhiễm HIV.
Đối với công tác cai nghiện ma túy, năm 2022 là năm đầu tiên triển khai Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.
Trong năm qua, các cơ sở cai nghiện ma túy (CSCNMT) công lập trên cả nước đã tổ chức cai nghiện cho cho 49.596 người, trong đó, số tiếp nhận mới là 17.353 người, số người cai tự nguyện là 4.234 người, số chuyển từ năm 2021 sang là 32.243 người, số tái hòa nhập cộng đồng là 16.393 người.
Về cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, đến nay, có 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng cho 1.855 người nghiện. Số đơn vị đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng trên cả nước là 101 đơn vị.
Cùng với đó, ngành LĐ-TBXH đang duy trì tổ chức điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cho 3.280 người. Đồng thời, đã tổ chức quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú cho 72.468 người.
Ngoài ra, Bộ LĐ-TBXH tiếp tục tổ chức thí điểm các mô hình cai nghiện ma túy theo chủ trương đa dạng hóa công tác cai nghiện. Các địa phương cũng chủ động triển khai các mô hình hỗ trợ như: mô hình “can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy”, mô hình “Hỗ trợ tư vấn, kết nối các dịch vụ điều trị nghiện ma túy” tại Đà Nẵng, mô hình “Quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỡ tại cộng đồng dân cư”, mô hình “Gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội” tại TP. Hồ Chí Minh...
Việc triển khai các mô hình thí điểm đã mang lại nhiều cách tiếp cận mới trong công tác điều trị, cai nghiện ma túy và một số mô hình đã được tổng kết, xây dựng thành chính sách pháp luật trong công tác cai nghiện ma túy.
Về phòng chống mua bán người và tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, năm 2022 nổi lên vấn đề nóng là các nhóm tội phạm với chiêu thức “việc nhẹ, lương cao”, sử dụng mạng xã hội, tìm cách tiếp cận, dụ dỗ, hứa hẹn đưa người sang Campuchia làm việc tại các cơ sở karaoke, massage, kinh doanh cờ bạc qua mạng với mức lương cao. Khi sang Campuchia, một số người bị ép buộc làm gái mại dâm tại các quán karaoke, massage; bị cưỡng bức lao động không lương... Nếu người nào không đồng ý thì bị chúng đe dọa đánh đập và yêu cầu phải trả một khoản tiền “chuộc thân” thì mới được “thả” về Việt Nam, nếu không, sẽ tiếp tục bị bán qua các cơ sở khác.
Chính vì vậy, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã liên tục phát đi cảnh báo về tình trạng nhiều người Việt Nam bị lừa đảo, môi giới đi lao động bất hợp pháp tại Campuchia với thủ đoạn “việc nhẹ, lương cao”. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia cùng các cơ quan chức năng của Việt Nam và Campuchia đã phối hợp tiếp nhận thông tin, xác minh, triển khai các biện pháp bảo hộ công dân và kịp thời hỗ trợ công dân gặp khó khăn, bị lừa gạt và cứu thoát, đưa hàng ngàn người về nước an toàn, cũng như hỗ trợ thủ tục cho hàng trăm công dân khác.
Sau khi hoàn thành thủ tục bàn giao, tiếp nhận, xác minh, 100% nạn nhân có nhu cầu được thăm hỏi, động viên, ổn định tâm lý, chăm sóc sức khỏe và bố trí nơi ăn nghỉ ổn định, an toàn. Đồng thời, trực tiếp hỗ trợ gói nhu cầu thiết yếu ban đầu gồm: quần áo, vật dụng cá nhân cần thiết trong thời gian lưu trú tại các cơ sở bảo trợ xã hội/cơ sở hỗ trợ nạn nhân.
Để tăng cường hiệu quả công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, trong năm 2022, Bộ LĐ-TBXH, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao đã ký Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán (văn bản số 2548/QCPH-LĐTBXH-CA-QP-NG ngày 18/7/2022).
Tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp liên ngành và đồng bộ các giải pháp thực hiện
Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2022 và khắc phục những tồn tại, hạn chế, Ngành LĐ-TBXH tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành thực hiện đổi mới cả về nội dung, phương pháp, đa dạng hình thức tuyên truyền về phòng, chống mại dâm; phòng ngừa nghiện ma túy, điều trị, cai nghiện ma túy và tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán qua các phương tiện truyền thông, mạng Internet, các hội nghị, hội thảo trực tuyến… nhằm góp phần tác động đến đại bộ phận quần chúng nhân dân, giúp mọi người hiểu biết rõ hơn về hiểm hoạ, tác hại của việc sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma tuý; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể, mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phát giác, đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội; xóa dần mặc cảm, kỳ thị với người nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhân của mua bán người, đồng thời, quan tâm giúp đỡ người nghiện cai nghiện, người bán dâm hoàn lương, nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng bền vững.
Trong năm 2023, Ngành LĐ-TBXH tập trung một số nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ, trọng tâm sau:
Một là, về thể chế, chính sách: Tiếp tục hoàn thiện chính sách phòng, chống tệ nạn xã hội, trong đó, tập trung hoàn thiện chính sách phòng, chống mại dâm, hỗ trợ xã hội đối với người bán dâm ở Việt Nam, bảo đảm tôn trọng quyền con người, chú trọng các giải pháp mang tính xã hội nhằm giảm tác hại do hoạt động mại dâm gây ra đối với người bán dâm và xã hội, góp phần vào sự ổn định và phát triển đất nước; Nghiên cứu, rà soát các quy định về chính sách, dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán phù hợp với thông lệ quốc tế và Việt Nam để bổ sung vào Luật phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Nghiên cứu, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật đối với dịch vụ cai nghiện ma túy, hỗ trợ người bán dâm và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Hai là, về tổ chức, thực hiện nhiệm vụ: Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai các nhiệm vụ và giải pháp tại 3 chương trình: Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 1452/QĐ-TTg ngày 31/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ) và Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ) và sơ kết, đánh giá kết quả triển khai các Chương trình nhằm kịp thời điều chỉnh, bổ sung bảo đảm hiệu quả của mục tiêu đề ra.
 Ba là, tăng cường kiểm tra, phối hợp liên ngành trong kiểm tra, thanh tra nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống, cai nghiện ma túy, phòng, chống mại dâm, mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Ngoài ra, tăng cường hợp tác quốc tế, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm tiến bộ của các nước trong khu vực và thế giới nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm, người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy và nạn nhân bị mua bán trong bối cảnh bình thường mới, hậu Covid-19./.

Nguyễn Thùy Dương
Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội 
TAG:
Tin khác
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật
Kon Tum: Thực hiện tốt chính sách trợ giúp người khuyết tật
Nữ doanh nhân Phượng Hồng Kông: Hỗ trợ người nghèo bằng trái tim nhân ái
Đắk Nông kiềm chế, tiến tới đẩy lùi những hiểm họa và hệ lụy do tội phạm ma túy
Long Phước: Ấp Tập Phước đón nhận Khu dân cư nông thôn mới
Tập huấn đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử, văn hóa công vụ trong cơ quan