Tăng giờ làm thêm: Đáp ứng nguyện vọng của người lao động
(LĐXH)- Tăng giờ làm thêm trong tháng từ 40 giờ lên 72 giờ và nâng tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 300 giờ trong một năm mà không giới hạn nhóm ngành, nghề, công việc. Đề xuất này sẽ đáp ứng được nguyện vọng của rất nhiều lao động trước những tổn thất do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Hiện nay, Chính phủ đang trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động. Hướng đề xuất của Chính phủ là tăng giờ làm thêm trong tháng từ 40 giờ lên 72 giờ và nâng tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 300 giờ trong một năm mà không giới hạn nhóm ngành, nghề, công việc. Đây được coi là một trong những giải pháp nhằm thực hiện chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, khắc phục những tổn thất do dịch Covid-19 gây ra cho người lao động và người sử dụng lao động trong hơn 2 năm qua, góp phần vào quá trình phục hồi kinh tế - xã hội đất nước
Đối với vấn đề xuất nới "trần" giờ làm thêm tháng từ mức 40 giờ lên 72 giờ đang được đưa ra xem xét, chị Nguyễn Thị Thương, chia sẻ: Lâu nay, mỗi khi có đợt hàng gấp, Công ty huy động làm thêm, hầu hết người lao động tại xí nghiệp đều sẵn sàng làm thêm và thời điểm này chị có làm thêm cả tháng, mỗi ngày làm thêm 2 tiếng chị vẫn có thể đáp ứng được công việc. Thu nhập tăng lên 12 - 13 triệu đồng/người/tháng và có thêm nguồn thu để trang trải cuộc sống.
Còn chị Trần Thị Lan (sinh năm 1986, quê Quảng Bình, đã có nhiều năm thuê trọ khi ra Hà Nội làm công nhân Xí nghiệp May sơ mi Hà Nội), tâm sự: Trước đây, khi con còn nhỏ, phải gửi người trông giữ, mình cũng ít khi nhận tăng ca, nếu có cũng chỉ làm thêm 1 tiếng, đến 18h phải đi đón con. Năm nay, đặc biệt là khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, mình sẵn sàng và mong muốn làm thêm đều đặn với mức 1,5 - 2 tiếng/ngày để kiếm thêm thu nhập. Dù con nhỏ, mình cũng vẫn cố gắng sắp xếp việc nhà để làm thêm vì đó là thời gian được trả lương tốt hơn giờ làm bình thường. Thời điểm hiện tại, tôi thấy sức khỏe vẫn ổn, chắc vẫn cố gắng được. Thêm được thu nhập thì tốt chứ bao năm qua, vợ chồng kiếm chỉ vừa đủ tiêu, không có tích lũy.
Không chỉ với anh Nguyễn Văn Hưởng, anh Nguyễn Như Tiến công nhân Tổng Công ty Catalan, cho biết: Bản thân và vợ con, toàn bộ gia đình lần lượt trở thành F0, phải nghỉ việc, cách ly trong thời gian kéo dài. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, do đó mà điều kiện kinh tế, sinh hoạt của gia đình cũng eo hẹp và gặp nhiều khó khăn. Gắn bó với công việc tại đây đã 8 năm, mức lương của mình hiện từ khoảng 11 - 12 triệu đồng/tháng, nếu làm thêm đủ 40 giờ/tháng như quy định hiện hành, thu nhập sẽ lên mức 15 triệu đồng. Lúc này thực sự muốn được tăng giờ làm thêm để tranh thủ kiếm thêm thu nhập bù lại thời gian vừa qua. Ngoài chuyện quyền lợi cá nhân, tôi cũng mong muốn cùng Công ty duy trì công việc, hoạt động để sớm khôi phục sản xuất, có việc làm ổn định và tang thu nhập.
Xuất phát từ thực tế khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, Chính phủ giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành đề xuất, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động. Về thời gian áp dụng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất được thực hiện đến hết ngày 31/12/2022 – có nghĩa việc tăng giờ làm thêm sẽ chỉ là tạm thời, trong thời gian ngắn và trước mắt thực hiện trong năm 2022. Đây là giải pháp tình thế trong hoàn cảnh đặc biệt để kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp bách hỗ trợ đời sống nhân dân, người lao động. Đồng thời đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động và tăng sự linh hoạt việc bố trí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Chí Tâm
TAG: