Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Tăng cường hoạt động của các Mô hình hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực trên cơ sở giới trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19
04:09 PM 09/11/2020
Nhân Ngày Dân số thế giới 11/7/2020, Giám đốc điều hành của UNFPA, tiến sĩ Natalia Kanem đã kêu gọi toàn thế giới quan tâm đến tính dễ bị tổn thương và nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái trong khủng hoảng Covid-19 cùng tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền, sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục cũng như chấm dứt bạo lực giới núp bóng đại dịch Covid-19.
Xây dựng mạng lưới ứng phó với bạo lực giới
Từ sau khi Việt Nam ký Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chống lại phụ nữ (Công ước CEDAW), vấn đề phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực gia đình được đặc biệt quan tâm. Ngoài việc ban hành các văn bản qui phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực bình đẳng giới thì các mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình; mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới; xây dựng gia đình hạnh phúc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã và đang phát huy tác dụng và mang lại những hiệu quả thiết thực, giúp cho người dân nâng cao nhận thức, phát huy vai trò vị trí của gia đình, nhận thức về pháp luật, đặc biệt là nắm rõ được các hành vi vi phạm bạo lực trên cơ sở giới, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân trong việc ngăn ngừa và phòng chống bạo lực.
Thực hiện Dự án hỗ trợ thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới thuộc Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì triển khai, trên cả nước đã thành lập và duy trì Mô hình địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh ở cộng đồng tại 63 xã của 63 tỉnh, thành phố; 08 mô hình Cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở sở giới tại các Trung tâm CTXH và Nhà Bình yên; 10 Mô hình Trung tâm CTXH hỗ trợ thực hiện cung cấp dịch vụ bình đẳng giới; 18 mô hình CLB hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ bị ép kết hôn với người nước ngoài; 06 mô hình Trường học an toàn, không bạo lực. Các Mô hình bước đầu đã được các địa phương, đơn vị triển khai hiệu quả, góp phần không nhỏ trong công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Trong bối cảnh Covid -19, các Mô hình đã tích cực, chủ động đảm bảo tính sẵn có các dịch vụ để hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực một cách tốt nhất.
Đồng hành cùng với Chính phủ trong việc hướng tới chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) cũng đã cam kết việc chấm dứt tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là một trong ba chương trình nghị sự mang tính chuyển đổi mà UNFPA cam kết đạt được trên toàn cầu. Cùng với sự hỗ trợ của UNFPA, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã xây dựng Mạng lưới quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan và các tổ chức phi chính phủ. Mạng lưới đã tạo ra diễn đàn để các bên liên quan thông tin, chia sẻ bài học kinh nghiệm, xây dựng các chương trình hoạt động chung nhằm tăng hiệu quả cách tiếp cận đa ngành trong phòng, chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới. Từ đó, nhiều mô hình phòng, chống bạo lực gia đình/bạo lực trên cơ sở giới tại cộng đồng đã ra đời, góp phần hạn chế nhiều vụ việc nghiêm trọng.
Năm 2020, trong lời kêu gọi chấm dứt bạo lực trên toàn cầu nhân Ngày Dân số thế giới 11/7, Giám đốc điều hành của UNFPA, tiến sĩ Natalia Kanem đã kêu gọi toàn thế giới quan tâm đến tính dễ bị tổn thương và nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái trong khủng hoảng Covid-19 cùng tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền, sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục cũng như chấm dứt bạo lực giới núp bóng đại dịch Covid-19. Hiện UNFPA cũng đã mở rộng phạm vi hỗ trợ đối với bạo lực trên cơ sở giới trong giai đoạn dịch Covid-19 và các giai đoạn tiếp theo để hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em trước đại dịch Covid-19.
Duy trì hiệu quả các mô hình phòng chống bạo lực trên cơ sở giới
Hiện nay, có nhiều mô hình hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới/bạo lực gia đình đang được triển khai bao gồm: Các địa chỉ tin cậy – nhà tạm lánh tại cộng đồng; Mô hình Cơ sở trợ giúp nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới triển khai tại Trung tâm Công tác xã hội/Bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ngôi nhà Bình Yên thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển; Mô hình Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh tại cộng đồng; Nhà tạm lánh của tổ chức Hagar (tại Hà Nội), Nhà tạm lánh của Quỹ Rồng Xanh (Hà Nội), Nhà nhân ái (Lào Cai) và Nhà Mở (An Giang) … được triển khai rộng khắp trên cả nước.
Tại Quảng Ninh, tính đến năm 2020, toàn tỉnh có 742 địa chỉ tin cậy, 468 cơ sở tư vấn, 28 cơ sở bảo trợ xã hội, 118 cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. Tỉnh cũng hợp tác với một số tổ chức quốc tế thực hiện các hoạt động phòng, chống bạo lực giới đã góp phần làm tốt công tác phòng ngừa, trợ giúp nạn nhân bị bạo lực giới. Tháng 4 năm 2020, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội cũng đã phối hợp với UNFPA tổ chức khánh thành Ngôi nhà Ánh Dương với mô hình một cửa cung cấp tổng thể các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực giới. Đây là 1 trong 18 cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thí điểm triển khai; là địa chỉ an toàn cho những người bị bạo lực giới, nơi họ được cung cấp những dịch vụ hỗ trợ thiết yếu và chăm sóc kịp thời. Theo đó, nạn nhân bị bạo lực giới có thể được hỗ trợ về mặt y tế, chăm sóc các tổn thương về thể xác cũng  như hỗ trợ tâm lý và đảm bảo an toàn cho nạn nhân.
Ngoài Quảng Ninh, nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Cà Mau, Lâm Đồng… đã thí điểm thực hiện mô hình “Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh” nhằm hỗ trợ kịp thời, hiệu quả những nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em bị bạo hành, xâm hại. Các mô hình này giúp cho nạn nhân của bạo lực gia đình, người có nguy cơ bị bạo lực có nơi tạm lánh khẩn cấp, cách ly với người gây bạo lực; giúp các nạn nhân tiếp cận các dịch vụ chăm sóc tối thiểu ban đầu về y tế, phục hồi sức khỏe, tư vấn ổn định tâm lý, tư vấn pháp luật cơ bản và phòng tránh bạo lực tiếp tục tái diễn.
Có thể nói, việc duy trì và nhân rộng các Mô hình thời gian qua đã mang lại những hiệu quả thiết thực, giúp cho người dân nâng cao nhận thức, phát huy vai trò vị trí của gia đình, nhận thức về pháp luật, đặc biệt là nắm rõ được các hành vi vi phạm về bạo lực trên cơ sở giới, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân trong phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng xử trong gia đình, từng bước giảm thiểu các vụ bạo lực nói chung và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em nói riêng nhất là trong bối cảnh cả nước đang chung tay phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã và đang diễn ra.
 
Một số địa chỉ, cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình:
          - Tổng đài quốc gia 111, gọi đến hotline 111 hoặc thông báo qua ứng dụng “Tổng đài 111” (Tìm kiếm và cài đặt ứng dụng “Tổng đài 111” tại kho App Store đối với hệ điều hành IOS hoặc Play store với hệ điều hành Android).
          - Đường dây nóng 18001769 - Ngôi nhà Ánh Dương tại Quảng Ninh: hỗ trợ tư vấn, can thiệp phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
          - Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), địa chỉ: số 35 ngõ 66 Dịch Vọng Hậu, làng Vòng, Cầu Giấy, Hà Nội. Hotline tư vấn miễn phí: 024 3333 55 99.
          - Hagar Việt Nam, địa chỉ 152 Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội; số điện thoại: 094.311.1967.
          - Nhà Bình Yên (Mô hình Cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới) hỗ trợ nạn nhân 24/7. Tổng đài Bình yên 1900969680/ 0946833380. Dịch vụ Nhà Bình yên là Miễn phí.
          - Hệ thống các Trung tâm công tác xã hội/Bảo trợ xã hội triển khai Mô hình Cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và thực hiện cung cấp dịch vụ bình đẳng giới tại địa phương gồm:
          + Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh; địa chỉ: Điện Biên Phủ, Hồng Hà, Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh; Điện thoại0203 3613 130.
          + Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Đắk Lắk; địa chỉ 210 Phan Bội Châu, Thống Nhất, Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk; Điện thoại0262 3853 928.
          + Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội tỉnh Bến Tre; địa chỉ 94 Hùng Vương, Phường 2, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre; điện thoại: 0756.250999.
          + Trung tâm công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh Thái Bình; địa chỉ: xã Minh Quang, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình; điện thoại cơ quan: 02273.826.679.
          + Trung tâm công tác xã hội tỉnh Hòa Bình; địa chỉ: Khu 3, thị trấn Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình; Điện thoại0218 3842 236.
          + Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội tỉnh Thanh Hóa; địa chỉ: 313 Đ. Bà Triệu, P. Hàm Rồng, Thành phố Thanh Hóa, Thanh Hoá; điện thoại: 0237 3961 739.
          + Quỹ Bảo trợ trẻ em - Văn phòng Công tác xã hội tỉnh Hà Tĩnh; địa chỉ: Số 146b, Đường Trần Phú, phường Bắc Hà , TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh; điện thoại: 02393 853 279.
          + Trung tâm công tác xã hội tỉnh Khánh Hòa; địa chỉ: 193 Phước Long, Phước Trung, Thành phố Nha Trang, Khánh Hòa, điện thoại0258 3882 808,
          + Trung tâm công tác xã hội bảo vệ trẻ em tỉnh An Giang; địa chỉ: 65 Tôn Đức Thắng, P. Mỹ Bình, Thành phố Long Xuyên, An Giang; điện thoại0296 3989 708.
          + Trung tâm công tác xã hội tỉnh Hà Nam; địa chỉ: Quốc lộ 21a , xã Liêm Tiết, Liêm Tiết, Thanh Liêm, Hà Nam; điện thoại0226 3880 519.
          + Trung tâm công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên; Địa chỉ: số 2, đường Phù Liễn, Phường Hoàng Văn Thụ, Thành phố Thái Nguyên, Tỉnh Thái Nguyên; điện thoại:  0208 3846 157
          + Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội thành phố Hà Nội; địa chỉ 45 Bà Triệu, P. Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội; điện thoại: 024 3352 5651,
          + Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội thành phố Đà Nẵng; địa chỉ 64 Đống Đa, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng; điện thoại: 05113.818.787,
          + Trung tâm công tác xã hội thành phố Cần Thơ; địa chỉ: 251/1 đường Tầm Vu, Phường Hưng Lợi, Quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ; số điện thoại: 0292 3783208 – 3838901, hotline: 18008065.
          + Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bạc Liêu; địa chỉ: Hưng Hội, Vĩnh Lợi, Bạc Liêu; điện thoại0291 3610 237
          + Trung Tâm Công Tác Xã Hội Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu:  120 Long Tâm, Bà Rịa, Bà Rịa - Vũng Tàu, 0254 3829 366 - 0254.3829.839

-  Mô hình Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh tại cộng đồng tại 63 xã thuộc 63 tỉnh/thành phố trên toàn quốc. Liên hệ các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh/thành phố.

 

   
Nam Khánh
TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Hà Nội tọa đàm tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện chính sách với người có công
Huyện Bắc Quang: Thực hiện tốt công tác phòng, chống mua bán người
Cà Mau: Quyết liệt thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Kết quả công tác cai nghiện và quản lý lý sau cai nghiện ở tỉnh miền Tây Hậu Giang
Thanh Hóa: Tập trung phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
Nam Định trợ giúp người khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng
Quảng Ngãi nỗ lực thực hiện công tác cai nghiện và quản lý sau cai
38 cá nhân Cơ sở cai nghiện ma túy Thanh thiếu niên 2 được Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thành phố vinh danh
Bình Dương: Tăng cường kiểm tra và xử lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn xã hội