An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật có nguy cơ cao bị bạo lực giới
11:31 AM 20/04/2018
(LĐXH) - Hiện nay, cả nước chưa có số liệu thống kê và nghiên cứu chính thức về mức độ bạo lực tình dục và bạo lực trong cộng đồng người khuyết tật và trong mỗi nhóm khuyết tật. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của Hội trợ giúp người khuyết tật Việt Nam, tại thời điểm năm 2013, có 29% người khuyết tật ở Đà Nẵng tham gia nghiên cứu đã bị bạo lực bởi người lạ, 36% bị bạo lực bởi người quen, và 25% bị bạo lực bởi các thành viên trong gia đình.

Các đại biểu làm việc nhóm chia sẻ các vấn đề liên quan đến báo lực giới, bạo lực tình dục

Nhằm tìm hiểu những vấn đề nổi bật liên quan đến bạo lực giới, bạo lực tình dục đối với người khuyết tật (NKT) và cùng nhau xác định những rào cản đối với NKT, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, trong việc tiếp cận các dịch phụ phòng ngừa và hỗ trợ, Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Trung tâm Hành động vì sự phát triển hòa nhập (IDEA) và Hội người Khuyết tật Đà Nẵng đã lần đầu tiên tổ chức Hội thảo “Bạo lực giới đối với người khuyết tật” với sự tham gia của hơn 50 người khuyết tật tại Đà Nẵng. Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng Ngày Người khuyết tật Việt Nam và nhằm thu hút sự chú ý của gia đình, cộng đồng và các bên liên quan, đặc biệt là chính quyền địa phương trong nỗ lực phòng chống bạo lực giới đối với NKT.

Bà Elisa Fernandez đồng hành cùng các hoạt động của người khuyết tật

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Elisa Fernandez, Trưởng Văn phòng UN Women tại Việt Nam, nhấn mạnh rằng sự kỳ thị về giới và tình trạng khuyết tật khiến phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật có nguy cơ cao bị bạo lực. “Theo nghiên cứu, trên thế giới, trung bình phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị bạo lực gia đình nhiều gấp hai lần phụ nữ khác và họ cũng chịu các hình thức bạo lực đặc biệt vì tình trạng khuyết tật của họ, bao gồm bị cô lập, bạo lực mang tính hệ thống và ngăn cản việc sử dụng thuốc, đi lại, các thiết bị trợ thính và hộ trợ người khiếm thị. Đặc biệt, phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật có nguy cơ bị cưỡng chế điều trị và chăm sóc sức khoẻ sinh sản mà không có sự đồng ý của họ. Để đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững ở Việt Nam đòi hỏi phải có cam kết mang tính hệ thống nhằm đảm bảo "Không ai bị bỏ lại sau", đặc biệt, cần xây dựng các chính sách toàn diện và nhạy cảm, xem xét nghiêm túc đầy đủ các nhu cầu của người khuyết tật trong đó bao gồm phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật”

Chủ tịch Hội Người khuyết tật Đà Nẵng chia sẻ tại tọa đàm

Anh Trương Công Nghiêm, Chủ tịch Hội người khuyết tật Đà Nẵng cho biết, buổi tọa đàm có ý nghĩa quan trọng đối với Hội Người khuyết tật. Trên thực tế, Đà Nẵng đã có nhiều chương trình và chính sách tốt giúp ngăn chặn bạo lực giới, bạo lực gia đình, bạo lực tình dục. Nhưng từ trước tới nay, chưa có nhiều chương trình dành cho NKT, trong khi đó NKT nguy cơ bạo lực cao hơn các nhóm khác. Đặc biệt nhóm khuyết tật điếc, khuyết tật trí tuệ thường gặp phải quấy rối tình dục, xâm hại tình dục ở khắp mọi nơi do hạn chế về khả năng giao tiếp. Buổi tọa đàm đã mang lại thông tin bổ ích như cách phòng ngừa, các địa chỉ tin cậy trợ giúp khi NKT gặp phải bạo lực giới. “Bản thân tôi là chủ tịch hội cũng hiểu thêm về các loại hình bạo lực để tuyên truyền cho hội viên của mình. Chúng tôi mong muốn sẽ có nhiều cơ hội chia sẻ hơn nữa về bạo lực giới với người khuyết tật ở cấp cơ sở”, anh Nghiêm chia sẻ.

Đăng Doanh

TAG:
Tin khác
Những khó khăn trong công tác phòng chống mua bán người và giải pháp
Quyết liệt trong phòng chống mua bán người và tăng cường hỗ trợ các dịch vụ cho nạn nhân
Nam Định: Quan tâm thực hiện chính sách trợ giúp xã hội cho người cao tuổi
Phát huy sức mạnh liên ngành trong công tác trẻ em
Hải Hậu triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Nam Định nỗ lực giảm nghèo bền vững
Ninh Bình: Nâng cao nhận thức cộng đồng trong phòng, chống mua bán người
Quảng Ninh tích cực vận động nguồn lực xã hội chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi
Bắt buộc xác thực tài khoản mạng xã hội từ 25/12