Sông Tô Lịch, từng là biểu tượng lịch sử và văn hóa Hà Nội, nay lại gắn liền với nỗi ám ảnh ô nhiễm. Dự án bổ cập nước từ sông Hồng kết hợp thau rửa dòng sông Tô Lịch được kỳ vọng sẽ hồi sinh con sông này. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả bền vững, cần giải quyết tận gốc nguồn ô nhiễm.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, vẫn còn 32 cống xả thải chưa được đấu nối vào hệ thống thu gom, khiến nước thải tiếp tục chảy vào sông. Dù phần lớn ô nhiễm đã được kiểm soát, việc đấu nối toàn bộ cống xả là điều kiện tiên quyết để duy trì dòng sông sạch lâu dài.
Bổ cập nước sông Tô Lịch giúp cải thiện dòng chảy, pha loãng ô nhiễm và tạo cảnh quan đô thị. Tuy nhiên, nếu nguồn nước bổ cập bị hạn chế hoặc không đủ, liệu dòng sông có thực sự hồi sinh hay sẽ trở lại tình trạng ô nhiễm? Đây là bài toán cần lời giải dài hơi để đảm bảo sự trong sạch bền vững cho sông Tô Lịch.

PGS.TS Trương Mạnh Tiến – Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, nhấn mạnh rằng chỉ bổ cập nước mà không xử lý tận gốc nước thải thì không thể là giải pháp lâu dài. Ông cảnh báo: “Nước sông Hồng không phải vô tận. Trong tương lai, khi nhu cầu sử dụng nước tăng cao, lượng nước bổ cập có thể bị hạn chế. Nếu chưa kiểm soát triệt để nguồn ô nhiễm, sông Tô Lịch có nguy cơ trở lại trạng thái ban đầu".
Ngoài ra, nạo vét cũng là một vấn đề lớn với sông Tô Lịch khi bổ cập nước sông Hồng, ông Tiến cho biết: "Nước sông Hồng giàu phù sa, khi bổ cập vào sông Tô Lịch sẽ mang theo bùn lắng, tích tụ theo thời gian. Điều này có thể làm thay đổi đặc tính dòng chảy và gây khó khăn trong công tác nạo vét sau này. Vì vậy, bên cạnh việc bổ cập nước, cần tính toán phương án xử lý bùn lắng để tránh phát sinh vấn đề mới cho sông Tô Lịch".
Bổ cập nước không chỉ tác động đến dòng chảy mà còn ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên. Thay đổi đột ngột có thể làm xáo trộn sự thích nghi của các loài thủy sinh và cấu trúc địa chất lòng sông. Vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị cần có một chiến lược tổng thể, kết hợp bổ cập nước với cải tạo bùn đáy và kiểm soát chất lượng nước đầu vào để đảm bảo sự ổn định lâu dài cho sông Tô Lịch.
TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, nhận định: "Nếu không xử lý triệt để lượng bùn thải tồn đọng, nước bổ cập dù có đưa vào cũng chỉ làm dòng sông 'sáng' lên trong thời gian ngắn, nhưng về lâu dài, ô nhiễm vẫn sẽ quay lại".
Xử lý ô nhiễm và cải tạo hạ tầng
Hà Nội đã triển khai các giải pháp xử lý nước thải và cải tạo hạ tầng để giảm ô nhiễm sông Tô Lịch, bao gồm hệ thống cống bao thu gom nước thải từ khu dân cư và khu công nghiệp xung quanh. Mặc dù dự án vẫn đang hoàn thiện, mục tiêu chính là ngừng xả nước thải chưa qua xử lý vào sông và nâng cao chất lượng nước.
Để sông Tô Lịch thực sự "sống lại", ông Hoàng Đình Giáp - Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch Hà Nội (Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia) nhấn mạnh rằng, Hà Nội cần giải quyết tận gốc vấn đề hạ tầng thu gom và xử lý nước thải dọc hai bên bờ sông. Ngoài ra, việc bổ cập nước từ sông Hồng cũng cần phải tính toán kỹ lưỡng, vì mực nước sông Hồng có thể xuống thấp vào mùa khô, ảnh hưởng đến tưới tiêu và sản xuất nông nghiệp ở các khu vực hạ lưu.
Ông Giáp cho rằng việc xử lý triệt để các nguồn thải và vận hành hiệu quả Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá là ưu tiên hàng đầu. "Hiện nay, sông Tô Lịch gần như chỉ là một kênh thoát nước, không còn ý nghĩa như một con sông," ông chia sẻ.

Các chuyên gia đều nhận định rằng, khi sông Tô Lịch thực sự hồi sinh, Hà Nội có thể khai thác tiềm năng du lịch đường thủy, tương tự như các thành phố lớn trên thế giới. Tuy nhiên, để đảm bảo tính bền vững, cần có cơ chế tài chính hợp lý.
Một trong những mô hình đầu tư được nhiều chuyên gia đề xuất là hợp tác công - tư (PPP), trong đó doanh nghiệp tham gia đầu tư và hưởng lợi từ các dịch vụ khai thác cảnh quan sông Tô Lịch. Mô hình này đã thành công ở nhiều quốc gia như Singapore và Nhật Bản, khi chính quyền địa phương hợp tác với doanh nghiệp để xây dựng các tuyến phố đi bộ ven sông, nhà hàng nổi và du lịch sinh thái.
Chủ tịch UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) Nguyễn Đình Khuyến cho biết, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội tại cuộc họp ngày 4/2, quận Tây Hồ sẽ chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành về việc bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch. Phương án đề xuất là sử dụng nguồn nước từ sông Hồng và nguồn nước sau xử lý của Nhà máy Xử lý nước thải hồ Tây để bổ cập nước cho hồ Tây, qua hồ trung gian là hồ Sen, bảo đảm không ảnh hưởng đến hệ sinh thái của hồ Tây, sau đó đưa nước hồ Tây vào sông Tô Lịch. Nước từ hồ Tây sẽ được bổ cập cho sông Tô Lịch qua cửa điều tiết hồ Tây A - Cống Đõ - mương Thụy Khuê. Sở Xây dựng chịu trách nhiệm chủ trì nghiên cứu, đề xuất phương án bổ cập nước từ hồ Tây cho sông Tô Lịch, hoàn thành trong tháng 8/2025. |
Trịnh Hải