An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Tăng cường các hoạt động trợ giúp người khuyết tật ổn định đời sống
04:10 PM 31/10/2016
(LĐXH) Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng gần 7 triệu người khuyết tật (NKT), chiếm 7,8% dân số, trong đó có 3,6 triệu người là nữ, 1,2 triệu trẻ em khuyết tật và hơn 5 triệu người sống ở nông thôn.
Hai dạng khuyết tật chiếm tỷ trọng cao nhất là khuyết tật vận động và khuyết tật liên quan thần kinh và trí tuệ, tiếp đến là khuyết tật về thị giác, còn lại là các dạng khuyết tật khác đều ở mức dướng 10% so với tổng số NKT. Đa số NKT trình độ học vấn thấp, nhiều người không biết chữ và hầu hết hộ gia đình có NKT thuộc diện nghèo, cận nghèo.
Để trợ giúp người khuyết tật, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, chính sách, tạo hành lang khuôn khổ pháp lý để thực hiện. Trong đó phải kế đến Luật Người khuyết tật và  Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020 với mục đích hỗ trợ NKT phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân, đồng thời cũng tạo điều kiện để NKT vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội. Thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, Bộ Lao động- TBXH đã đôn đốc các địa phương triển khai trợ cấp xã hội hàng tháng cho các đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng và tại các cơ sở bảo trợ xã hội, trong đó có NKT. Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành, hiện cả nước có trên 2,6 triệu người đương hưởng chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng, trong đó có 770 nghìn NKT nặng và đặc biệt nặng, 195 nghìn hộ gia đình nhận chăm sóc NKT đặc biệt nặng. Cùng với đó, trong năm 2014, Bộ đã phối hợp với các Hội như: Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Phụ nữ tỉnh Cao Bằng, Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi Thanh Hóa, Hội vì sự tiến bộ của người khuyết tật tỉnh Quảng Bình xây dựng mô hình hỗ trợ sinh kế cho trên 250 hộ gia đình có NKT tại 8 xã thuộc 4 tỉnh Cao Bằng, Hưng Yên, Thanh Hóa và Quảng Bình. Ngoài ra, còn huy động và tặng cho hơn 30 nghìn NKT xe lăn, xe lắc, xe bại não và các dụng cụ trợ giúp vận động; hỗ trợ 20 nghìn gia đình có NKT kinh phí để làm nhà, sửa chữa nhà ở, làm đường tiếp cận, công tình vệ sinh, hệ thống nước sinh hoạt…

Không chỉ được quan tâm về dạy nghề, việc làm, NKT còn được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng
Ngoài ra, nhiều Hội đã triển khai các hoạt động hỗ trợ NKT nâng cao đời sống như: Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai phong trào Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam. Chỉ tính riêng trong năm 2014, các cấp hội đã vận động, tặng trên 1,5 triệu suất quà cho nạn nhân chất độc da cam và người nghèo với tổng trị giá 447 tỷ đồng. Hưởng ứng Ngày vì nạn nhân chất độc da cam, các cấp Hội đã hỗ trợ cho hơn 164 nghìn nạn nhân với số tiền trên 21 tỷ đồng thông qua các hình thức: Hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, dạy nghề tạo việc làm, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và dụng cụ trợ giúp. Thông qua Dự án cải thiện cuộc cống cho các nạn nhân chất độc da cam do Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc tài trợ tại huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã cấp vốn 1,4 tỷ đồng cho 234 hộ gia đình có nạn nhân chất độc da cam để giúp phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi Việt Nam đã trợ cấp thường xuyên cho 56 nghìn đối tượng với tổng số tiền 7,5 tỷ đồng; phối hợp với các đơn vị, tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 373 nghìn lượt người với tổng số tiền 87 tỷ đồng. Hội Người mù đã triển khai hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất cho gần 9.000 hội viên ở 43 Tỉnh, Thành hội, gần 400 Huyện hội, với tổng số vốn trên 45 tỷ đồng; hỗ trợ xóa đói giảm nghèo cho 9 Tỉnh hội như Sơn La, Hòa Bình, Gia Lai, Ninh Thuận… , mỗi tỉnh 25 triệu đồng.
Không chỉ được hỗ trợ cải thiện cuộc sống, NKT còn được hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe thông qua các hình thức như cấp thẻ BHYT, phát hiện sớm, can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình phục hồi chức năng và hỗ trợ dụng cụ trợ giúp. Trong năm 2014, Bộ Y tế đã tổ chức các lớp tập huấn về phát hiện sớm, can thiệp sớm cho 240 cán bộ làm công tác phục hồi chức năng trên toàn quốc, các cán bộ  Khoa Nhi, Khoa Phục hồi chức năng của các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh/thành phó và các bệnh viện đa khoa trực thuộc Bộ. Tổ chức hội thảo xây dựng chính sách cho NKT, nghiên cứu sửa đổi mẫu hồ sơ bệnh án phục hồi chức năng phù hợp để phản ảnh đầy đủ tình trạng NKT và đánh giá, tiên lượng các khả năng của NKT.  Ngoài ra, còn tổ chức khám sàng lọc cho trên 1.700 NKT tại một tỉnh, thành; in 3.000 cuốn tài liệu phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật cấp phát cho các cơ sở y tế địa phương.
Cùng với đó, việc hỗ trợ NKT học nghề, tìm việc làm cũng được quan tâm thực hiện. Trong năm 2014, cả nước đã tổ chức dạy nghề cho khoảng trên 80 nghìn NKT từ các Chương trình mục tiêu quốc gia dạy nghề và việc làm, Chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn. Trên địa bàn cả nước hiện có 1.130 cơ sở dạy nghề cho NKT, 225 cơ sở chuyên biệt và hơn 400 cơ sở sản xuất kinh doanh của NKT. Bình quân mỗi năm, các cơ sở này tổ chức dạy nghề cho 7.000 – 8.000 NKT. Để hỗ trợ NKT có việc làm, hàng năm, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Lễ tôn vinh người lao động khuyết tật và doanh nghiệp vì NKT; tập huấn cho các doanh nghiệp về “Xây dựng mô hình doanh nghiệp hòa nhập và việc làm đáp ứng tiêu chuẩn lao động trong xu thế hội nhập của Việt Nam; phối hợp với các Trung tâm giới thiệu việc làm tổ chức các phiên giao dịch việc làm ưu tiên tuyển dụng người lao động khuyết tật vào làm việc.
Tham vào công tác dạy nghề và tạo việc làm cho NKT phải kể đến vai trò cùa các tổ chức xã hội, tổ chức của/vì NKT. Mỗi năm, các tổ chức này đã dạy nghề và hỗ trợ hàng nghìn NKT có việc làm, thu  nhập. Năm 2014, Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi Việt Nam và các thành viên đã tổ chức dạy nghề cho 2.100 NKT với tổng kinh phí 6,6 tỷ đồng, sau khóa học 70% học viên đã tìm được việc làm, có thu nhập ổn định. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai Dự án “Hỗ trợ hòa nhập kinh tế- xã hội và việc làm cho NKT” do Hội Chữ thập đỏ Tây Ban Nha tài trợ tại 51 xã của 6 tỉnh, thành là Hưng Yên, Ha Nam, Hải Dương, Bình Thuận, Lâm Đồng và Hà Nội. Thông qua Dự án đã có gần 800 NKT được học nghề.
Song song với đó, các hoạt động hỗ trợ NKT về giáo dục, tiếp cận giao thông, công trình công cộng, pháp lý… cũng được thực hiện đúng quy định, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NKT, tạo cơ hội thuận lợi để họ vươn lên khẳng định khả năng và vị thế của mình trong xã hội.
Trong thời gian tới, để thực hiện tốt công tác trợ giúp NKT, Bộ Lao động – TBXH đang phối hợp với các Bộ, ngành triển khai thực hiện Công ước quốc tế về quyền của NK;, thúc đẩy  các hoạt động triển khai Luật Người khuyết tật và Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012 -2020., tăng cường theo dõi, giám sát và đánh giá việc thực hiện các chính sách này; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ trong việc thực hiện công tác trợ giúp NKT, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về lĩnh vực NKT để thêm nguồn lực và kinh nghiệm trong việc hỗ trợ cho đối tượng.

Hồng Phượng
TAG:
Tin khác
Huyện Bình Đại triển khai có hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững
Hà Nội gặp mặt, tri ân người có công tham gia giải phóng Thủ đô
Hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em bị ảnh hưởng do bão lũ tại miền Bắc
Vũng Liêm tích cực giải bài toán giảm nghèo bền vững
Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân Mỏ Cày Bắc giảm nghèo bền vững
Chương trình của Vinamilk hỗ trợ hơn 6 tỷ đồng cho học sinh, sinh viên vùng bão lũ qua Trung ương đoàn
Đề nghị trẻ em không có giấy tờ tùy thân cũng được cấp thẻ BHYT
TPHCM: Long trọng tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2024”
BHXH TPHCM chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 10, qua tài khoản từ ngày 1/10