Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Sự khác biệt của một kỳ thi tốt nghiệp cao đẳng nghề
11:50 AM 01/08/2020
Tại một kỳ thi tốt nghiệp cao đẳng nghề, các sinh viên phải thể hiện các kỹ năng thành thạo trên máy móc, thiết bị trước sự chứng kiến và đánh giá của doanh nghiệp. Đây là điểm khác biệt của giáo dục nghề nghiệp so với các bậc học khác và cũng là minh chứng cho việc sinh viên ngay sau khi ra trường hoàn toàn có khả năng làm việc trong các vị trí sản xuất của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp tin tưởng chất lượng đào tạo
Trong các ngày từ 29 – 31/7/2020, tại cơ sở 3 của Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội (HCEM) tổ chức kỳ thi tốt nghiệp, gồm thi lý thuyết và thi thực hành chuyên môn của 4 nghề (Công nghệ ô tô, Cắt gọt kim loại, Cơ điện tử và Điện công nghiệp). Đợt này, HCEM tổ chức thi tốt nghiệp cho 700 học sinh, sinh viên, trong đó, riêng tại cơ sở 3 (huyện Xuân Hòa, tỉnh Vĩnh Phúc) có 397 sinh viên.
Sinh viên thi thực hành kỹ năng nghề Công nghệ ô tô của HCEM
Kỳ thi có đại diện doanh nghiệp đến tham gia và chấm thi phần kỹ năng (thực hành) là: Công ty Cổ phần Kỹ nghệ KinhTech (nghề Công nghệ ô tô), Công ty Cổ phần nghiên cứu và chế tạo thiết bị điện lưới miền Bắc (nghề Điện công nghiệp), Công ty TNHH Hạ tầng Viễn thông miền Bắc (nghề Cơ điện tử) và Công ty TNHH Mặt trời xanh (nghề Cắt gọt kim loại).
Phần kỹ năng của sinh viên có sự tham gia đánh giá và chấm thi của doanh nghiệp
Trao đổi với chúng tôi về kỳ thi tốt nghiệp năm nay, Hiệu trưởng HCEM Đồng Văn Ngọc, cho biết: Tại kỳ thi, sinh viên sẽ phải trải qua 3 nội dung thi bao gồm nội dung bắt buộc là Chính trị, tiếp đến là Lý thuyết chuyên môn và cuối cùng là Kỹ năng thực hành. Đây là phần thi quan trọng nhất, các em phải mô tả được tất cả quá trình, quy trình thực hiện nội dung yêu cầu của bài thi, thực hiện nhiều kỹ năng kỹ thuật, vận hành máy móc, thiết bị công nghệ cao, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong quá trình thực hiện bài thi. Hình thức thi này được doanh nghiệp đánh giá cao và hoàn toàn tin tưởng vào chất lượng đào tạo của nhà trường.
Bên cạnh đó, ngay trong quá trình đào tạo, doanh nghiệp đã tham gia vào tất cả các khâu liên quan, từ khâu định hướng, hướng nghiệp cho các em học sinh lựa chọn ngành nghề phù hợp. Hàng năm, doanh nghiệp cùng nhà trường xây dựng và điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp với doanh nghiệp, nhu cầu của xã hội. Trong quá trình học tập, sinh viên của nhà trường được đến doanh nghiệp kiến tập, thực tập kể cả thực tập tốt nghiệp. Giai đoạn cuối cùng là tuyển dụng, bao gồm cùng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp và đánh giá kỹ năng.
Sinh viên thi thực hành kỹ năng trên các thiết bị hiện đại của HCEM
“Tôi cho rằng, đây là một kỳ thi rất hiệu quả đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nói chung và của HCEM nói riêng. Thông qua kỳ thi này, doanh nghiệp có thêm một lần nữa nhìn nhận trình độ kỹ năng của các ứng viên, từ đó doanh nghiệp sẽ có góc nhìn khách quan hơn để quyết định ký hợp đồng lao động ngay sau khi các học sinh, sinh viên tốt nghiệp.” – Hiệu trưởng HCEM Đồng Văn Ngọc. chia sẻ.
“Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay”
Được trực tiếp tham gia vào quá trình thi tốt nghiệp của HCEM, ông Nguyễn Đăng Khiết, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần nghiên cứu và chế tạo thiết bị điện lưới miền Bắc, cho biết: Doanh nghiệp đặc biệt chú ý theo dõi và đánh giá phần thi thực hành, bởi đây là nội dung liên quan đến các vị trí việc làm trong doanh nghiệp. Trong nghề điện, có rất nhiều chi tiết được đánh giá như: đi dây, độ an toàn, gọn gàng, bảo đảm cách điện tốt… Về cơ bản, các sinh viên đều nắm chắc cả về lý thuyết và kỹ năng thực tế.
Sinh viên nghề Cơ điện tử thực hiện phần thi thực hành theo các modun và đề thi riêng 
Cũng theo Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đăng Khiết, quan sát quá trình thi của các sinh viên, đại diện doanh nghiệp có thể chỉ ra những điểm kỹ năng tốt và chưa tốt để cùng nhà trường đánh giá. Xoáy sâu vào tiêu chí sinh viên học nghề ra trường là phải làm được việc ngay. Khi sinh viên nào tự tin trong thi cử, thì doanh nghiệp cũng đã có thể đánh giá được trình độ, kỹ năng chuyên môn, như vậy sinh viên đó đã có thể được điền tên tuyển dụng vào vị trí việc làm cụ thể cho lần tuyển dụng tiếp theo.
Các sinh viên rất tự tin và thoải mái trong kỳ thi này
“Từ nhiều năm nay, doanh nghiệp đều nhận sinh viên về thực tập và đã tuyển dụng nhiều em về làm việc với mức lương cơ bản từ 7 – 10 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tạo cơ chế khoán để thúc đẩy năng suất lao động, đồng thời tăng thu nhập cho người lao động. Một số bạn được tuyển dụng sau khi tốt nghiệp có kỹ năng và năng suất rất cao, nhiêu bạn năng lực tốt mức lương có thể lên tới 15 – 20 triệu đồng/tháng…” - Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đăng Khiết, cho biết thêm.
Chia sẻ tại kỳ thi tốt nghiệp cao đẳng nghề đang diễn ra tại cơ sở 3 của HCEM, sinh viên lớp Cơ điện tử 11A Nguyễn Văn Long, cho biết: Hoàn thành đề thi, em phải thuyết trình được yêu cầu kỹ thuật, lợi ích và công dụng của hệ thống tự động hóa khi doanh nghiệp ứng dụng vào thực tế sản xuất. Phần thực hành em và các bạn đã được chuẩn bị chu đáo, được các thầy hướng dẫn, tập luyện rất nhiều các bài tập về bảo trì, vận hành, tháo lắp, lập trình trên máy móc, thiết bị, bảo đảm được hệ thống tự động hóa chạy hoàn chỉnh, linh hoạt theo yêu cầu đề ra.
Sinh viên nghề cắt gọt kim loại thi thực hành gia công tiện
Còn theo đánh giá của sinh viên nghề Cơ điện tử Phạm Quang Thi (xã Thanh lâm, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc), về phần lý thuyết bài thi của em làm khá tốt, ước đạt điểm trên 80%. Em và các bạn rất tự tin và thoải mái trong kỳ thi này, hình thức thi công bằng, minh bạch. Đề thi bao phủ các kiến thức, kỹ năng từ năm thứ nhất cho đến năm học cuối, sát với những nội dung đã được học và thực hành, thực tập.
Sinh viên Phạm Quang Thi, tâm sự: Em nhận thấy nghề Cơ điện tử trong hiện tại và tương lai có rất nhiều cơ hội việc làm, bên cạnh đó nhà trường đã cam kết việc làm ngay sau tốt nghiệp. Đối với em, đây cũng là một “duyên nghề”, em muốn học tập, làm việc và phát triển sự nghiệp từ nghề Cơ điện tử. Sau kỳ thi em sẽ về làm việc tại một doanh nghiệp do nhà trường giới thiệu ít nhất 2 năm để lấy kinh nghiệm và tiếp tục tìm kiếm một cơ hội phát triển tốt hơn.
Sinh viên nghề Điện công nghiệp thi thực hành theo đề riêng
Được biết, từ khi thành lập năm 2007, HCEM đã đào tạo khoảng 15.000 sinh viên tốt nghiệp ra trường ở tất cả các ngành/nghề của nhà trường đang đào tạo. Nhiều năm gần đây, những ngành/nghề về kỹ thuật, công nghệ là những ngành/nghề nhu cầu xã hội nhiều, cung không đủ cầu…
“Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay” - hàm ý của cha ông ta ngày xưa đã nói đến tầm quan trọng của việc học nghề, có nghề và làm nghề. Ngày nay, những quan niệm ấy vẫn còn nguyên giá trị, giúp học sinh, sinh viên có định hướng nghề để lập thân, lập nghiệp và kiến tạo tương lai.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Nghề Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính Trường Cao đẳng nghề TP.HCM đã đạt chuẩn kiểm định
Khởi động Chương trình INTENSE:  Cơ hội học tập việc làm cho sinh viên Việt Nam
Trường Trung cấp Kỹ thuật – Nghiệp vụ Kiên Giang long trọng tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2024 – 2025
Huyện Ngọc Hiển: Tạo sinh kế bền vững cho lao động vùng nghèo, vùng khó khăn
Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ kỷ niệm 20 năm thành lập
Trường Đại học LĐ-XH CSII tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam
Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM: Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và Kỷ niệm 35 năm ngày thành lập
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gửi thư chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Hành trình 3 thập kỷ: Trường Phổ thông Dân lập Hermann Gmeiner Hà Nội – Mái ấm yêu thương, chắp cánh ước mơ