Startup Kite 2020 – Sáng tạo ý tưởng khởi nghiệp của học sinh sinh viên giáo dục nghề nghiệp
(LĐXH)- Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” sẽ tạo điều kiện để học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp thể hiện bản thân, những ý tưởng, sáng kiến dù nhỏ nhưng sẽ là “đốm lửa sáng” trong tương lai khởi nghiệp” - Bộ trưởng Bộ Lao động – TBXH Đào Ngọc Dung, kỳ vọng.
Chiều 28/5/2020, tại Trường Cao đẳng FPT Polytechnic (Hà Nội), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – TBXH) tổ chức Lễ phát động Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” năm 2020 – Startup Kite.
Các đại biểu dự lễ phát động cuộc thiTham dự lễ phát động có Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH Đào Ngọc Dung; lãnh đạo một số đơn vị thộc Bộ Lao động – TBXH; Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình; đại diện lãnh đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nhân cùng đông đảo học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội.
40% kỹ năng lao động không hợp trong 15 năm tới
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH Đào Ngọc Dung, khẳng định: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang có những tác động to lớn, mạnh mẽ đối với nền kinh tế xã hội toàn cầu. Nghiên cứu của quốc tế cho thấy, chỉ trong khoảng 10 - 15 năm tới, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ khiến 30% các công việc hiện tại và 40 % kỹ năng của lao động không còn phù hợp nữa và buộc phải thay đổi.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kỳ vọng những ý tưởng, sáng kiến dù nhỏ nhưng sẽ là “đốm lửa sáng” trong tương lai khởi nghiệpTrong bối cảnh đó, các nước trên thế giới còn phải chịu tác động rất lớn của đại dịch Covid-19. Sơ bộ cho thấy khoảng 195 triệu người lao động trên thế giới đang bị thất nghiệp. “Việt Nam có 55 triệu lao động. Dịch Covid-19 khiến cho khoảng 670.000 người đang rơi vào tình trạng giãn việc, ngưng việc, thiếu việc và thất nghiệp” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chúc mừng đơn vị đăng cai tổ chức lễ phát động (Trường Cao đẳng FPT Polytechnic)Vừa qua, Chính phủ có quyết tâm chính trị rất lớn, lần đầu tiên Chính phủ đã tung ra các gói trợ giúp xã hội rất kịp thời và chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đây cũng chỉ là những giải pháp có tính chất hỗ trợ. Gốc rễ lâu dài chính là tạo cho các doanh nghiệp từng bước tái trở lại thị trường, để cùng Nhà nước, người lao động sẻ chia công việc, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống thu nhập.
Lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tặng hoa các đơn vị đồng hành cùng cuộc thi“Muốn như vậy, chúng ta phải quan tâm đến đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nguồn nhân lực Việt Nam đã đến lúc không thể dựa vào nguồn nhân lực đông và giá rẻ nữa. Việc quan trọng hàng đầu đối với nguồn nhân lực và đào tạo nhân lực là trang bị cho người lao động các kỹ năng cơ bản để thích ứng với nó. Một nghiên cứu cho thấy, các quốc gia nếu đầu tư vào trang bị kỹ năng cho người lao động sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng thêm 2% GDP” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chia sẻ.
Đại học không phải con đường duy nhất để lập thân lập nghiệp
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025. Do đó, cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp của học sinh sinh viên giáo dục nghề nghiệp năm 2020” là bước chuẩn bị rất tốt, tiến tới Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên.
Học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội hồ hởi dự lễ phát động“Đại học không phải là con đường duy nhất để lập thân lập nghiệp. Con đường lập thân lập nghiệp tốt nhất của mỗi người là chọn cho mình một ngành học, một lĩnh vực, một ngành nghề phù hợp để lập thân và thông qua lập thân để kiến quốc” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh.
Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình phát biểu tại lễ phát độngBộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho rằng, chưa bao giờ giáo dục nghề nghiệp mạnh như bây giờ. 1954 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn với thị trường lao động, việc làm, gắn với đầu ra, gắn với dự báo cung cầu nhân lực và cả hợp tác quốc tế. “Với nền tảng giáo dục nghề nghiệp ngày càng vững mạnh, việc tổ chức Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” sẽ tạo điều kiện để học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp thể hiện bản thân, những ý tưởng, sáng kiến dù nhỏ nhưng sẽ là “đốm lửa sáng” trong tương lai”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, kỳ vọng.
Em Triệu Hồng Hạnh, đại diện cho các bạn sinh viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnic phát biểuStartup Kite 2020 là hoạt động nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và tự tạo việc làm của học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; kích thích óc sáng tạo, tư duy năng động, truyền nguồn cảm hứng kinh doanh; thúc đẩy việc ứng dụng kiến thức, kỹ năng được trang bị trong nhà trường vào cuộc sống; đồng thời kết nối các dự án có tính khả thi cao với các nhà đầu tư.
Startup Kite năm 2020 sẽ được tổ chức thành ba vòng: Vòng sơ tuyển, bán kết và chung kết. Vòng sơ tuyển sẽ diễn ra từ ngày 28/5 đến hết ngày 15/8, thí sinh/đội thí sinh tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc gửi hồ sơ dự thi về cơ sở giáo dục nghề nghiệp mình học tập. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ lựa chọn ra 3 hồ sơ (nhất, nhì, ba) để vào vòng bán kết trước ngày 20/8.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và các đại biểu chính thức phát động cuộc thiVòng bán kết (vòng khu vực) diễn ra với hình thức online và offline từ ngày 20/8 đến ngày 10/10 theo các khu vực trên cả nước: Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ. Các thí sinh/nhóm thí sinh sẽ thuyết trình và phản biện với Ban giám khảo là đại diện các doanh nghiệp trong khu vực để bảo vệ ý tưởng của mình. Tại mỗi khu vực sẽ chọn ra 3 hồ sơ (nhất, nhì, ba) để tham dự vòng chung kết, hoàn thành trước ngày 11/10.
Vòng chung kết dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11/2020 tại thành phố Hồ Chí Minh với 24 thí sinh/đội thí sinh xuất sắc nhất sẽ thuyết phục, thương thuyết với nhà đầu tư để huy động vốn, đồng thời xử lý những tình huống do Ban giám khảo đưa ra. Các thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi được đăng tải trên website
http://gdnn.gov.vn.
Trần Thắng