Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Sơn La: Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm
03:39 PM 11/06/2020
(LĐXH) Thực hiện bình đẳng giới là chủ trương lớn của Đảng và chính sách xã hội quan trọng của quốc gia trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế. Mục tiêu của bình đẳng giới nhằm đạt được sự bình đẳng thực sự giữa nam và nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện công bằng xã hội, tiến bộ xã hội và phát triển bền vững.
Nhiều công ty, doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, chăm lo đời sống cho lao động nữ
Đối với lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, hằng năm, trong tổng số người được tạo việc làm mới, tỉnh phấn đấu bảo đảm ít nhất 40% cho mỗi giới (nam và nữ). Thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đăng giới giai đoạn 2011-2020, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 84.682 lao động, đạt 99,5% so với kế hoạch đề ra. Tình hình phân bổ, sử dụng lao động đã có chuyển biến rõ nét theo hướng tăng tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỉ lệ lao động trong các ngành nông, lâm, ngư nghiệp. Giai đoạn 2016-2019 đã chuyển đổi và tạo việc làm cho 85.400 lao động, đạt 100,4% so với kế hoạch đề ra.  Đến hết năm 2015, trên địa bàn tỉnh chỉ có 1.690 doanh nghiệp, dự ước đến hết năm 2020 ước có khoảng 2.590 doanh nghiệp, tăng 53,3% so với năm 2015.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đảm bảo việc làm bền vững cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ, tỉnh cũng chú trọng công tác đào tạo nghề chuyên môn, kỹ thuật. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La có 22 cơ sở dạy nghề, trong đó có 03 Trường Cao đẳng nghề, 02 Trường trung cấp nghề, 02 trung tâm dạy nghề và 15 cơ sở dạy nghề khác đảm bảo hỗ trợ định hướng nghề nghiệp tương lai cho giới trẻ và nâng cao tay nghề, chuyên môn cho người lao động trong thị trường; thường xuyên tuyên truyền vận động nữ giới tham gia học nghề, các ngành nghề đào tạo ngày càng phong phú, đa dạng. Tỷ lệ lao động nữ nông thôn được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 54%. Giai đoạn 2011-2020, tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề là 122.695 người, trong đó lao động nữ là 66.255 người, chiếm 54%, với các hình thức đào tạo, trong đó, đối tượng lao động nông thôn thuộc diện hộ nghèo, dân tộc thiểu số, chính sách, người tàn tật được ưu tiên.

Lao động nữ trong tỉnh được hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất, tạo việc làm ổn định cuộc sống
Song song với đó, tỉnh triển khai thực hiện lồng nghép chính sách hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm, qua đó giảm tỷ lệ thất nghiệp, ổn định cho những hộ gia đình chưa có việc, đặc biệt là những hộ lao động nữ gặp hoàn cảnh khó khăn. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã có các giải pháp huy động nguồn vốn, phối hợp với các ngành, các tổ chức đoàn thể, các huyện, thành phố củng cố các tổ tiết kiệm vay vốn, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về chính sách vốn vay ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế hộ gia đình. Trong giai đoạn 2011-2015, đã cho vay 151.184 triệu đồng với 11.451 lao động được hỗ trợ, tạo việc làm cho khoảng 5.679 lao động nữ, chiếm 49,6% dân số trong độ tuổi lao động. Giai đoạn 2016-2019, đã cho vay 295.836 triệu đồng với 10.078 lao động được hỗ trợ, tạo việc việc làm cho khoảng 4.998 lao động nữ, chiếm 49,6% dân số trong độ tuổi lao động. Tỷ lệ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các nguồn quỹ tín dụng đạt 100%.
Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách pháp luật đối với lao động nữ cũng được đa số các đơn vị sử dụng lao động thực hiện nghiêm túc. Nhiều đơn vị có các chính sách để cải thiện điều kiện lao động và công tác chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ như: đã xây dựng nhà tắm riêng, phòng thay đồ riêng cho chị em phụ nữ; cấp phát quần áo, trang thiết bị bảo hộ lao động; trang bị công nghệ mới nhằm khắc phục các yếu tố độc hại trong môi trường làm việc, đảm bảo điều kiện làm việc tốt nhất cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ. Để nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho lao động nữ, nhiều đơn vị đã xây dựng kế hoạch phát triển cán bộ nữ, khuyến khích tham gia học tập, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công việc chuyên môn. Hàng năm nhiều đơn vị còn tổ chức các hoạt động tham quan, nghỉ mát. Trong quá trình xây dựng và thực hiện Nội quy lao động, Thoả ước lao động tập thể, thỏa thuận về quyền lợi, nghĩa vụ giữa các bên, đặc biệt là đối với lao động nữ đã được quan tâm hơn.
Một số trường hợp lao động nữ được hưởng trợ cấp khi nghỉ để chăm sóc con ốm, giảm giờ làm việc trong tuần, tăng số ngày nghỉ hàng năm, linh động trong nghỉ việc riêng, thưởng từ lợi nhuận, năng suất; hỗ trợ tiền ăn giữa ca, tặng quà mừng ngày lễ Tết, ngày mùng 8/3; ngày 20/10; linh hoạt cho chị em nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi được tăng thời gian cho con bú ngoài quy định của nhà nước; tổ chức cho cán bộ công nhân viên đi thăm quan nghỉ mát, thăm hỏi ốm đau, ngày hiếu hỉ, thăm khám sức khỏe định kỳ. Điển hình như các doanh nghiệp: Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, Công ty cổ phần Cao su Sơn La… đã có khu bếp ăn tập thể, hội trường, phòng chờ giao ca, xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo phục vụ người lao động tại đơn vị; Chăm lo đời sống và các chế độ cho lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ có thu nhập thấp như tặng quà nhân dịp sinh nhật, khen thưởng thành tích lao động, hỗ trợ một phần học phí cho con em người lao động, cán bộ nữ đạt kết quả cao trong học tập.
Có thể khẳng định rằng, công tác bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm đã được các cấp uỷ đảng, chính quyền tỉnh Sơn La quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện. Việc xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 kịp thời, góp phần thực hiện tốt công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Công tác tuyên truyền về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được các cấp chính quyền, các sở, ban ngành quan tâm, đẩy mạnh nhằm từng bước thay đổi nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về lĩnh vực này. Nhận thức của người dân về bình đẳng giới được nâng lên rõ rệt, phụ nữ có nhiều cơ hội và bình đẳng với nam giới để nâng cao trình độ, tìm kiếm việc làm, chăm sóc sức khoẻ, hưởng thụ các dịch vụ văn hoá, thể thao./.

Hồng Phượng
TAG:
Tin khác
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật
Kon Tum: Thực hiện tốt chính sách trợ giúp người khuyết tật