Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Nhiều hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới ở Lai Châu
10:29 AM 24/02/2025
(LĐXH) – Những năm qua, hoạt động bình đẳng giới (BĐG), vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBPN) luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh Lai Châu quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Năm 2024, Ban chỉ đạo BĐG và VSTBPN tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các thành viên ban chỉ đạo tỉnh, UBND các huyện, thành phố phối hợp, tổ chức thực hiện công tác BĐG, VSTBPN và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Ban VSTBPN các cấp thường xuyên rà soát, củng cố và kiện toàn đội ngũ cán bộ; chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của tỉnh đã ban hành. Các sở, ngành, các huyện, thành phố đã chủ động lồng ghép giới trong tham mưu, ban hành các chính sách để đảm bảo quyền bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới; thực hiện hiệu quả hơn về chính sách, từng bước giảm khoảng cách về giới. 
Tuyên truyền cho người dân tại xã Mường Cang (Than Uyên, Lai Châu) về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới...
Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về BĐG và VSTBPN được đẩy mạnh. Ban VSTBPN tỉnh đã phối hợp, hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự đồng thuận, ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền, địa phương, các sở ngành về công tác BĐG và VSTBPN. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về Luật BĐG; Chương trình, kế hoạch về BĐG giai đoạn 2021-2030; Chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025 trên các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh tới cơ sở để cán bộ, công chức, viên chức và đặc biệt là học sinh trên địa bàn tỉnh biết thực hiện. Nhân Tháng hành động vì BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024, tỉnh đã tổ chức phát động và tuyên truyền nâng cao nhận thức về BĐG và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em cho 600 học sinh, sinh viên tại Trường Cao đẳng Lai Châu (gồm 321 nam, 279 nữ; tuyên truyền trực tiếp tại các trường học 336 lượt, với sự tham gia của 78.652 học sinh nam và 77.146 học sinh nữ; truyền thông trên các trang mạng xã hội zalo, facebook 09 lượt, với 1.918 lượt người tham gia (912 nam và 1.006 nữ).  
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã kịp thời hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch công tác hàng năm; thực hiện Dự án 8 “Thực hiện BĐG và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tổ chức 07 lớp tập huấn hướng dẫn vận hành Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi cho 351 dẫn trình viên cấp huyện, cấp xã (trong đó  có 246 dẫn trình viên nữ); tổ chức 4 lớp tập huấn nâng cao nhận thức về BĐG, lồng ghép giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cho 452 người là cán bộ trong hệ thống chính trị, người có uy tín trên địa bàn tỉnh (trong đó có 271 nữ). In và phát hành 9.000 tờ rơi tuyên truyền nhân Tháng hành động vì BĐG; treo 47 băng zôn tuyên truyền các thông điệp  hưởng ứng Tháng hành động vì BĐG… 
Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội về triển khai thực hiện công tác phụ nữ được quan tâm, chú trọng. Trong đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể triển khai các hoạt động VSTBPN, công tác BĐG, cụ thể: đã phối hợp phát động cán bộ nữ hưởng ứng “Tuần lễ áo dài”, nhằm ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 và cuộc Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần quật khởi, sẵn sàng hy sinh vì độc lập thống nhất cho tổ quốc của các thế hệ phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ tỉnh Lai Châu nói riêng. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh; Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai nhiều hoạt động truyền thông, tập huấn, toạ đàm về BĐG, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới với nhiều nội dung phong phú, đa dạng như: Công tác phòng chống đuối nước trẻ em; công tác phòng, chống tội phạm ma tuý; tội phạm mua bán người; công tác BĐG; phòng, chống bạo lực và xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em; công tác phòng, chống bạo lực gia đình… 
Các cơ quan, địa phương trong tỉnh đã chủ động thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy trình, quy định, đảm bảo số lượng, chất lượng, cơ cấu nữ, dân tộc, cơ cấu 3 độ tuổi, đồng bộ ở cả 3 cấp (cấp cơ sở, huyện, tỉnh) trong quy hoạch và bổ nhiệm; căn cứ quy hoạch ở cấp dưới để xây dựng quy hoạch cấp  trên; mở rộng dân chủ trong phát hiện, giới thiệu nguồn đưa vào quy hoạch. Qua đó, ngày càng nhiều cán bộ, công chức, viên chức nữ được đưa vào quy hoạch; được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính  trị; được bổ nhiệm giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan Đảng, đoàn  thể và bộ máy chính quyền các cấp trong tỉnh. Tỷ lệ nữ tham gia Ban chấp hành Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025: Cấp tỉnh 14,89% (tăng 0,89%); cấp huyện 19,64% (tăng 1,4%); cấp xã 20,44% (tăng 4,43%) so với nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ nữ tham gia Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026: 01/6 Đại biểu Quốc hội khóa XV là nữ (chiếm 16,6%). 19/50 Đại biểu HĐND tỉnh là nữ (chiếm 38%); 86/264 Đại biểu HĐND cấp huyện là nữ (chiếm  32,58%); 726/2.207 Đại biểu HĐND cấp xã là nữ (chiếm 34,52%). Tỷ lệ UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt 66,6%. Tỷ lệ sở, ban ngành có lãnh đạo chủ chốt là nữ: 11/19 cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ, đạt tỷ lệ 58%. Tỷ lệ cơ quan Nhà nước có từ 30% nữ trở lên có cán bộ chủ chốt là nữ:  7/11 cơ quan, đạt tỷ lệ 63,6%. 
Có thể nói, với nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực, tỉnh Lai Châu đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong công tác BĐG, VSTBPN, vai trò, vị trí của phụ nữ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng được khẳng định, từ đó tham gia tích cực vào các lĩnh vực của đời sống xã hội./.
Hưng Minh
TAG:
Tin khác
Bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch: Còn nhiều khó khăn
Thúc đẩy chương trình Hành động Quốc gia về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh
TP.HCM: Điều chỉnh lịch chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH bằng tiền mặt
Thu gom phế thải, nạo vét bùn sông Tô Lịch
Hơn 10.000 phụ nữ và trẻ em tại Ninh Thuận và Cà Mau được tiếp cận nguồn nước sạch
Hơn 10.000 người tại Ninh Thuận và Cà Mau được tiếp cận nước sạch
TPHCM thành lập mô hình một cửa tiếp nhận và cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại
Tiền Giang: Chung tay chăm lo cho người có công với cách mạng
TP.HCM: Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt