Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Sơn La nâng cao chất lượng lao động trong các doanh nghiệp
08:37 AM 21/12/2021
(LĐXH)- Theo báo cáo từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Sơn La, tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị của tỉnh là 3,77%, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội là 66,86%. Chất lượng nguồn nhân lực từng bươc được nâng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 57%, trong đó được cấp văn bằng, chứng chỉ 22%.
Theo thống kê, đầu năm 2021, dân số trong độ tuổi lao động của Sơn La là 752.622 người, chiếm 59,37% so với tổng dân số. Phân bố dân số trong độ tuổi lao động chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn (khoảng 86,16%), tổng số lao động tham gia các thành phần kinh tế khoảng 708.490 người.
Năm 2021, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành và áp dụng nhiều cơ chế chính sách, thúc đẩy tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, nhờ đó chất lượng nguồn lao động cũng từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, do tác động đại dịch Covid-19 các doanh nghiệp trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chi phí sản xuất tăng cao. Đa số doanh nghiệp trong tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp và tác động đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, phần lớn lao động làm việc tại các doanh nghiệp là lao động thời vụ, thường xuyên có sự biến động theo chu kỳ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Chất lượng nguồn lao động đã được cải thiện nhưng lao động chưa qua đào tạo vẫn ở mức cao do các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh chủ yếu hoạt động trong các ngành nghề như: chế biến nông, lâm sản; khai thác khoáng sản, xây dựng, vận tải nên việc sử dụng nhiều lao động phổ thông, chưa qua đào tạo vẫn còn rất phổ biến.

Chất lượng lao động trong các doanh nghiệp của tỉnh Sơn La ngày càng được nâng cao

Theo số liệu báo cáo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Sơn La, tính đến 30/11/2021 trên địa bàn tỉnh có 3.705 doanh nghiệp (bao gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện). Tổng số lao động làm việc trong các loại hình doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo ước khoảng 54.280 lao động. Số liệu báo cáo thống kê của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Sơn la có 745 hợp tác xã với 9.451 lao động.
Hiện nay, trong hầu hết các doanh nghiệp, khi tuyển dụng người lao động làm công việc có thời hạn ít nhất từ 12 tháng trở lên, người sử dụng lao động đều tuyển lao động có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp nghề đã qua đào tạo. Với những công việc đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, chuyên môn kỹ thuật cao, các doanh nghiệp đã chủ động cử người lao động đi học tập, đào tạo để nâng cao tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ. Từ đó, chất lượng nguồn lao động được nâng lên rõ rệt.
Các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Sơn La chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, rất nhỏ, chiếm khoảng 90% tổng số doanh nghiệp. Hàng năm, số doanh nghiệp thành lập mới tuy tăng thêm nhưng chủ yếu là các công ty nhỏ nên nhu cầu sử dụng lao động trong doanh nghiệp không lớn. Ngoài một số doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, từ 100 đến 1.000 lao động, như: Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La, Công ty Cổ phần cấp nước Sơn La, Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng I Sơn La, Công ty Xi măng Mai Sơn, Công ty Cổ phần Cơ khí Sơn La, Công ty Cổ phần Môi trường và dịch vụ đô thị Sơn La, Công ty Cổ phần Cao su Sơn La… thì phần lớn các doanh nghiệp sử dụng lao động chỉ từ 10 đến dưới 50 người. Một số ít các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh theo hộ gia đình chỉ sử dụng số lao động từ 03 đến dưới 07 lao động.
Hàng năm, số lao động sẽ có lúc tăng hoặc giảm mạnh tùy theo tính chất công việc hoặc nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Vào thời điểm vụ mùa, thu hoạch chế biến nông sản thì số lao động sẽ tăng do các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động lớn, trung bình mỗi doanh nghiệp cần thêm từ 20 đến 30 lao động. Tuy nhiên, số lao động này chủ yếu là lao động phổ thông chưa qua đào tạo, chỉ làm việc theo hợp đồng thời vụ có thời hạn từ 01 đến dưới 03 tháng, một năm làm hai vụ vào lúc gieo trồng và thu hoạch nông sản.
Bên cạnh đó, tính đến đầu tháng 12/2021, tổng số lao động của tỉnh đi làm việc ngoài tỉnh là 115.989 lao động; trong đó có 52.089 lao động đang tiếp tục làm việc tại các địa phương ngoài tỉnh, 63.900 lao động đã trở về (đã có 3.611 lao động đã trở lại tiếp tục làm việc các tỉnh khu vực Miền Bắc, 1.009 lao động đi làm lại trong tỉnh). Nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho số lao động đã trở về địa phương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Sơn La đã liên hệ với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong cả nước có nhu cầu tuyển dụng lao động (trên 50.000 lao động) để tiếp tục đưa lao động của tỉnh đi làm việc trong thời gian tới. Hiện nay Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đang phối hợp với các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài tỉnh tổ chức tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm và tuyển chọn lao động.
Có thể thấy, cùng với việc tập trung giải quyết việc làm, chất lượng nguồn lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn la đã từng bước được cải thiện và nâng cao. Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động công nghiệp dịch vụ.

Lê Việt

TAG:
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật