Sơn Dương thực hiện giải pháp phát triển nguồn nhân lực
(LĐXH)- Những năm qua, huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) đã coi việc dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động là giải pháp quan trọng để phát triển nguồn nhân lực, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Quang Tuấn, Trưởng phòng Lao động – TBXH huyện, cho biết: Sơn Dương có gần 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, thu nhập chính của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Xác định công tác đào tạo nghề (nay là giáo dục nghề nghiệp) và giải quyết việc làm là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Chính vì vậy, để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, Sơn Dương đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp bằng nhiều hình thức, qua đó nâng cao nhận thức cho người dân trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp; chủ động rà soát số lượng lao động đã và chưa qua đào tạo, tìm hiểu nhu cầu học nghề của người lao động để tổ chức mở các khóa dạy nghề và tư vấn, giới thiệu việc làm sau khi học nghề. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho lao động đi làm việc có thời hạn ở ngoài tỉnh, xuất khẩu lao động; quan tâm hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật cho người dân phát triển kinh tế gia đình; chú trọng xây dựng làng nghề, hợp tác xã, mở rộng các mô hình doanh nghiệp vừa và nhỏ... Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và có chính sách hỗ trợ người lao động nên công tác đào tạo nghề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã từng bước mang lại hiệu quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Công nhân làm việc tại Nhà máy May Tuyên Quang, xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang)
Điển hình trong những địa phương đi đầu ở Sơn Dương đối với công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động phải kể đến xã Hợp Hòa. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Hợp Hòa, cho biết: Đào tạo nghề để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động là giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Năm 2019, xã đã chỉ đạo các thôn, bản rà soát nhu cầu học nghề, phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Sơn Dương, các công ty trong nước có nhu cầu tuyển lao động, để có hướng mở các lớp nghề phù hợp. Vì vậy, năm 2019, xã đã giải quyết việc làm cho 658 lao động, đạt 369,6% kế hoạch, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 339 hộ, chiếm 18,31%.
Tiếp đến, nhằm thực hiện tốt phương châm đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, gắn với nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường và doanh nghiệp sử dụng lao động, UBND huyện Sơn Dương đã chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên chủ động rà soát số lượng lao động đã và chưa qua đào tạo, tìm hiểu nhu cầu học nghề của người lao động để tổ chức mở các khóa dạy nghề và tư vấn, giới thiệu việc làm sau khi học nghề. Kết quả, trong năm 2019, Trung tâm đã mở được 17/15 lớp dạy nghề phi nông nghiệp và nông nghiệp với 525 học viên, đạt 113% kế hoạch. Sau khi được đào tạo nghề, nhiều lao động đã xây dựng thành công các mô hình phát triển kinh tế như: Mô hình nuôi ốc nhồi ở xã Vân Sơn; trồng chè hữu cơ ở các xã Hợp Thành, Tân Trào, Minh Thanh...
Chị Triệu Thị Nhung, thôn Trấn Kiêng, xã Phú Lương (huyện Sơn Dương), tâm sự: Do không có nghề nghiệp ổn định, quanh năm chỉ làm ruộng nên kinh tế gia đình khó khăn. Từ năm 2018, được cán bộ xã, huyện tuyên truyền, tư vấn học nghề may. Sau đó, mình đã xin được việc làm tại Công ty TNHH May xuất khẩu Thành Danh đóng trên địa bàn thôn Khuôn Thê, xã Phúc Ứng (huyện Sơn Dương), với thu nhập trung bình từ 3 - 5 triệu đồng/tháng. Từ khi có việc làm và thu nhập ổn định, cuộc sống của gia đình đã được cải thiện rất nhiều, các con có điều kiện học tập tốt hơn.
Hiện nay, trên địa bàn Sơn Dương có hơn 100 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang hoạt động. Các doanh nghiệp thường xuyên tạo việc làm cho từ 3.500 - 4.000 lao động địa phương, như: Công ty cổ phần Giấy An Hòa, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương, Công ty cổ phần Chè Tân Trào, Công ty TNHH Long Thắng...
Được biết, trong thời gian tới, để gắn công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động, huyện Sơn Dương tiếp tục kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp, thành phần kinh tế đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn. Đồng thời, tạo điều kiện về mặt bằng, hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp để phát triển sản xuất... Từ đó, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, từng bước nâng cao đời sống người dân cũng như chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn.
Chí Tâm
TAG: