Sóc Trăng phấn đấu tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo nghề đạt trên 80%
(LĐXH)- Thời gian qua, Sóc Trăng đã tích cực triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, qua đó giúp bà con nông dân, nhất là vùng dân tộc thiểu số chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng năng suất lao động.
Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2016 – 2018, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh đã tuyển sinh được 42.587 người, đạt 109,20% kế hoạch (đạt 65,52% chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020), trong đó: Tuyển sinh tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập là 18.573 người (chiếm 43,46% tổng số tuyển sinh), bao gồm: trình độ cao đẳng là 1.375 người; trung cấp là 2.287 người (trong đó, phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở sang học trung cấp là 2.325 học sinh, tỷ lệ phân luồng đạt 6,1%); sơ cấp là 1.352 người; dưới 3 tháng là 13.559 người.
Trong đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 14.911 người (lĩnh vực phi nông nghiệp là 8.179 người và lĩnh vực nông nghiệp là 6.732 người).Nhiều lao động nông thôn ở Sóc Trăng phát triển kinh tế có tính bền vững hơn sau khi được đào tạo nghề
Tổng số học viên tốt nghiệp là 40.594 người, chiếm 95,32% tổng số tuyển sinh, trong đó: Tổng số tốt nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập là 17.539 người (chiếm 43,20% tổng số tốt nghiệp), bao gồm: trình độ cao đẳng là 980 người; trung cấp là 2.079 người; sơ cấp là 1.304 người; dưới 3 tháng là 13.176 người. Trong số này, lao động nông thôn học nghề được tốt nghiệp là 14.480 người, (lĩnh vực phi nông nghiệp là 7.856 người và lĩnh vực nông nghiệp là 6.624 người).
Số lao động nông thôn sau học nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng có việc làm là 12.414 người, trong đó chia theo trình độ gồm: sơ cấp là 984 người, dưới 3 tháng là 11.430 người; chia theo lĩnh vực gồm: phi nông nghiệp là 6.486 người, nông nghiệp là 5.928 người. Tỷ lệ lao động nông thôn sau đào tạo nghề có việc làm đạt 85,73% (vượt 5,73% so với chỉ tiêu đề ra).
Theo đánh giá, việc triển khai thực hiện đào tạo nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 đã giúp cho người lao động nói chung và lao động nông thôn nói riêng nâng cao nhận thức, hiểu biết, có kỹ năng nghề nghiệp, có cơ hội tìm việc làm và chuyển đổi nghề nghiệp (làm việc trong các doanh nghiệp, hợp tác tạo việc làm hoặc tự tạo việc làm); áp dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, biết tự xử lý những vấn đề trong chăn nuôi, trồng trọt (chăm sóc ban đầu, chọn con giống, thuốc trị bệnh thông thường cho vật nuôi, cây trồng) giảm thời gian nông nhàn, tăng hiệu suất, hiệu quả sử dụng lao động.
Thông qua các hoạt động tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm, lao động nông thôn xác định nhu cầu của bản thân, từ đó lựa chọn nghề cần học để có việc làm phù hợp. Đây là yếu tố cơ bản góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của xã hội, của lao động nông thôn về đào tạo nghề và tạo việc làm; tạo ra tiền đề quan trọng trong việc hình thành ý thức tích cực tham gia học nghề, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và phát triển công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, Sóc Trăng xác định tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả, đạt chỉ tiêu Kế hoạch đào tạo nghề giai đoạn 2016 – 2020 là đào tạo, bồi dưỡng nghề nghiệp cho 65.000 người, trong đó đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng cho 4.800 người, sơ cấp và dưới 3 tháng cho 60.200 người. Tỷ lệ có việc làm sau đào tạo nghề đạt trên 70% (trong đó, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo nghề đạt trên 80%).
Tỉnh cũng kiến nghị tăng mức kinh phí hỗ trợ Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới cho tỉnh bình quân khoảng từ 6 - 8 tỷ đồng/năm (hiện nay, bình quân hàng năm khoảng từ 2 – 4 tỷ đồng/năm là rất thấp so với nhu cầu thực tế)./.
Hồng Minh
TAG: