Sóc Trăng: Huyện Cù Lao Dung đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động
(LĐXH)- Huyện Cù Lao Dung đẩy mạnh thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chú ý công tác đào tạo nghề có địa chỉ, tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, tuyên truyền, vận động người dân nhàn rỗi trong độ tuổi lao động tham gia xuất khẩu lao động.
Đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện đã tổ chức triển khai kế hoạch năm; kết hợp với các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, vận động lao động trong độ tuổi theo gia học nghề (theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Trong năm 2019, huyện đã tổ chức đào tạo 15 lớp dạy nghề với 525 học viên (225 là nữ, 53 học viên người dân tộc thiểu số). Trong đó Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên khai giảng 14 lớp dạy nghề (6 lớp phi nông nghiệp, 9 lớp nông nghiệp); Hội nông dân huyện tổ chức 01 lớp dạy nghề trồng rau màu.Nông dân Cù Lao Dung chú trọng học hỏi các mô hình nông nghiệp hiệu quả
Ngoài ra, các cơ sở kèm cặp dạy nghề tư nhân đã nhận dạy nghề cho 477 học viên (trong đó 348 học viên nữ, 34 học viên dân tộc thiểu số). Tổng số đào tạo nghề trên địa bàn huyện là 1.002 học viên (573 học viên nữ, 87 dân tộc thiểu số) tham gia học nghề, đạt 100,2% kế hoạch huyện, đạt 141,1% kế hoạch tỉnh Sóc Trăng giao.
Về công tác giải quyết việc làm, Cù Lao Dung đã tổ chức tư vấn và giới thiệu việc làm cho 2.516 lao dộng đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh (trong đó nữ 1.261 lao động, dân tộc Khmer là 178 lao động), đạt 125% kế hoạch huyện và đạt 155% kế hoạch tỉnh giao. Theo đó, lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp là 238 người; công nghiệp, xây dựng 1.444 người; thương mại, dịch vụ 834 người. Huyện đã đưa 27 lao động (12 lao động nữ) đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (Đài Loan 17, Nhật Bản 9, Trung Quốc 1) đạt 108% kế hoạch huyện và 150% kế hoạch tỉnh giao.
Tổ chức điều tra, thu thập thông tin về tình trạng biến động lao động trong hộ gia đình trên địa bàn huyện. Kết quả có 3.481 hộ với 4.816 người có biến động về thông tin lao động. Cụ thể như sau: Về học vấn, có 852 người; đào tạo nghề 277 người; có việc làm mới 1.695 người; bị thất nghiệp 6 người; không làm việc có 213 người; thay đổi vị trí công việc 743 người; chuyển đến 368 người và chuyển đi 588 người. Ông Ong Văn Hùng ở thị trấn Cù Lao Dung đầu tư trồng bưởi cho năng suất cao
Thực tế cho thấy, việc đào tạo nghề đã gắn với việc làm đã được Cù Lao Dung triển khai có hiệu quả. Hầu hết lao động sau khi học nghề đã có việc làm, cho thu nhập ổn định. Ông Nguyễn Văn Sĩ, Giám đốc HTX 8/3 cho biết: “Hiện trên địa bàn thị trấn Cù Lao Dung có hơn 40 xã viên theo nghề làm chổi cọng dừa. Chổi cọng dừa rất dễ làm, người già, trẻ em chỉ cần được hướng dẫn vài giờ là làm được. Nghề này đã và đang giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Một người có thể làm được 30 cây chổi/ngày và được trả công bình quân từ 60.000 đến 75.000 đồng/ngày”.
Lãnh đạo huyện Cù Lao Dung, cho biết huyện đã thành lập 12 HTX, 22 tổ hợp tác để đưa nông dân vào làm ăn tập thể, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP gắn với các doanh nghiệp nhằm đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Ngoài ra, huyện cũng tiến hành đăng ký nhãn hiệu tập thể cho 5 loại trái cây gồm: xoài, nhãn, bưởi, thanh long và dừa, hình thành các mã số vùng trồng trên cây ăn trái, rau màu và thủy sản.
Anh Trần Văn Phục, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thông minh ở xã Đại Ân 1 (Cù Lao Dung) cho biết, khi chưa thành lập HTX, tại địa phương mỗi người trồng mỗi giống rồi muốn bán đâu thì bán.
Từ khi được lãnh đạo hỗ trợ thành lập HTX đến nay, đầu ra cho trái nhãn ổn định và tham gia được thị trường châu Âu, còn trong nước đưa được vào các hệ thống siêu thị lớn, có uy tín. Hiện, HTX có tới 60 thành viên đều trồng nhãn, nhiều nhất là giống nhãn Ido.
Điều đáng mừng là có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư liên kết với HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh và nông hộ để phát triển công nghệ thông minh, mở rộng thị trường, góp phần tạo ra lợi thế mới thúc đẩy tăng trưởng chung trong toàn tỉnh.
Trong năm 2020, huyện Cù Lao Dung tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề theo Đề án 1956 trên địa bàn; phấn đấu đến hết năm dạy nghề cho khoảng 1.000 lao động nông thôn. Tiếp tục giới thiệu và giải quyết việc làm cho 75% người lao động sau khi đào tạo bằng nhiều hình thức như: hỗ trợ vốn, giới thiệu việc làm ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà máy, doanh nghiệp, các dự án phát triển kinh tế - xã hội trong và ngoài tỉnh. Huyện khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất, thu hút lao động địa phương, tạo việc làm mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn; phấn đấu giải quyết việc làm mới cho 2.000 lao động, trong đó đưa 25 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài./.
Hồng Minh
TAG: